12 điểm đến không thể bỏ qua ở An Giang - TripHunter

12 điểm đến không thể bỏ qua ở An Giang

Đăng ngày 29/11/2019 | Bởi Admin

Du lịch An Giang để trải nghiệm vùng đất nằm gần xích đạo có khí hậu thoáng đãng cùng những địa điểm du lịch đẹp, hấp dẫn du khách. Ghé tham quan An Giang để trải nghiệm cuộc sống của những người dân miền Tây chân chất.

TripHunter đề xuất 12 điểm đến không thể bỏ qua khi đến An Giang.

1. Chợ nổi Long Xuyên

Chợ nổi Long Xuyên không lớn như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ nên không nhiều du khách ghé thăm. Chính điều này giúp nơi đây không bị du lịch làm thương mại hóa, rất phù hợp cho những du khách thích khám phá những điều mới mẻ và hòa mình vào nét sinh hoạt bình dị của người dân. Bạn có thể ngồi ghe đi một vòng tham quan khu chợ nổi và vòng về tham quan làng nổi Long Xuyên nằm kề bên. Chợ nổi bày bán nhiều loại nông sản và trái cây tươi ngon.

du-lich-an-giang-triphunter-1

2. Làng bè Châu Đốc

Làng bè Châu Đốc là một trong những nét đặc sắc của An Giang. Ngược dòng sông Hậu về vùng đất nổi tiếng với nghề nuôi cá basa, bạn sẽ nhìn thấy các dãy nhà nổi và những bè cá xếp cạnh nhau kéo dài vài cây số. Mặc dù thu hút rất nhiều du khách đến tham quan nhưng cuộc sống của người dân bên bờ sông Hậu này vẫn giữ được sự bình yên và tĩnh lặng.

3. Làng người Chăm Châu Giang

Làng người Chăm Châu Giang là nơi tập trung cộng đồng người Chăm sinh sống ở An Giang. Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc độc đáo như nhà sàn gỗ, thánh đường Hồi giáo (Masjid),... Trang phục người Chăm Châu Giang cũng có nét đặc trưng riêng: Đàn ông phải đội nón, trẻ đội nón đen, già đội nón trắng; phụ nữ thì luôn trùm đầu bằng khăn Mat’ra hoặc chiếc mũ bịt tóc rất duyên và mặc áo dài kiểu Chăm. Nếu đến đúng dịp lễ hội của người Chăm, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa và thú vị cùng với bà con đồng bào dân tộc.

4. Chợ Châu Đốc

Đã đến núi Sam, bạn nhất định phải một lần đặt chân đến thiên đường chợ Châu Đốc. Nơi đây chính là thiên đường của các loại mắm, các loại me, các sản phẩm chế biến từ trái thốt nốt và các quầy quần áo, giày dép, mỹ phẩm mà hàng chủ yếu được nhập từ Thái Lan. Hầu hết những đặc sản trứ danh của vùng Châu Đốc đều được xuất hiện trong khu chợ lâu đời này.

du-lich-an-giang-triphunter-2

Một vài mẹo nhỏ TripHunter dành cho các bạn mua sắm tại chợ: hãy trả giá và đối với các hàng hóa có mã vạch bạn cần kiểm tra kỹ đó là mã vạch hàng Việt Nam hay hàng Thái Lan.

5. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam

Tọa lạc dưới chân núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói lợp màu xanh và bốn góc mái cong mềm mại. Đây là một di tích nổi tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 2 triệu lượt người đến đây cúng bái và tham quan hằng năm.Lễ hội diễn ra từ ngày 23 -27/4 âm lịch hàng năm gồm có phần lễ, trong đó lễ Tắm Bà là nghi lễ quan trọng nhất và phần hội với các trò chơi như hát bội, múa lân, đánh võ, hát nhạc ngũ âm.Khi đến miếu Bà Chúa Xứ nên lưu ý những điều sau:
  • Không mua đồ cúng ở ngoài từ những người cò (vàng mã, nhang, muối, gạo…) vì họ giá hét rất cao. Nếu có ý định mua những thứ đó, bạn có thể chuẩn bị trước chuyến đi hoặc mua ở những chợ lân cận tại Châu Đốc. Nếu bạn chỉ có ý định thắp nhang thì bên trong miếu đã có sẵn, không cần mua.
  • Khi bước vào miếu, sẽ có người dúi vào tay bạn lộc Bà, bạn không được nhận vì khi bước ra miếu, họ sẽ lại đòi tiền bạn về túi lộc Bà cho bằng được. Họ nhớ rất rõ gương mặt và hình dáng của bạn. Bạn có thể xin lộc Bà bên trong miếu và không phải mất phí gì cả.
  • Không mua chim phóng sinh vì chim đã bị cắt cánh không bay được. Người bán bắt lại và bán tiếp. Hoặc nếu chim bay được, nhưng họ sẽ hét giá cao so với thị trường giá chim bình thường.
  • Không cho tiền ăn xin vì nếu bạn cho một người thì những người ăn xin khác sẽ chạy đến bao vây bạn.
  • Không đồng ý tham gia bói toán khi ai đó đến hỏi vì đó chỉ là những nhóm bói toán tự phát, chủ yếu họ nhìn mặt đoán tướng để lấy tiền bạn.
du-lich-an-giang-triphunter-3

7. Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong những di tích quan trọng của vùng núi Sam với vị trí tọa lạc gần với miếu Bà Chúa Xứ. Khu vực lăng vừa có mộ vừa có đền thờ cụ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), một vị quan thời Nguyễn được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang. Ông là một vị quan được toàn thể người An Giang kính trọng và biết ơn sâu sắc vì những cống hiến to lớn dành cho mảnh đất này. Trong đó, nổi bật nhất là việc ông đã tổ chức đào hai con kênh chiến lược: kênh Thoại Ngọc Hầu và kênh Vĩnh Tế. Hai con kênh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với giao thông và thương mại lúc bấy giờ.

8. Chùa Phước Điền

Chùa Phước Điền (hay còn được gọi là chùa Hang) là một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của núi Sam. Từ vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, lại được con người vun đắp, chùa Hang trở thành một điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch và người dân địa phương.

9. Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư được xem là nơi có hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập nước phía tây sông Hậu. Nơi đây có nhiều loài hoang dã, chim nước và thủy sinh vật sinh sống. Đây là điểm đến rất lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên.

du-lich-an-giang-triphunter-4

Thời điểm tốt nhất đến tham quan rừng tràm là vào mùa nước nổi (thường từ tháng 9 đến tháng 11). Sau khi vào khu rừng tràm, bạn sẽ được đưa đi tham quan bằng thuyền máy (tắc ráng) và xuồng. Nếu không có ý định đi xuồng tham quan, bạn có thể di chuyển thẳng đến khu đỉnh vọng đài. Tại đây có các ngôi nhà nhỏ cho khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món cây nhà lá vườn như cá lóc chiên giòn, chuột đồng nướng, canh chua cá linh bông điên điển.

10. Thiền viện Đông Lai

Thiền viện Đông Lai nằm dưới chân núi Cậu còn được người dân trong vùng gọi là chùa Phật Nằm vì bên phải chùa có pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trong tư thế nằm nghiêng với chiều dài 6 mét. Chùa còn được gọi bằng cái tên chùa Bánh Xèo do nhà chùa đổ bánh xèo và gói bánh tét chay phục vụ miễn phí cho khách hằng ngày.
TripHunter lưu ý:
  • Nên đi vào ngày thường vì ngày lễ rất đông khách.
  • Nếu đi theo đoàn đông người và muốn thưởng thức bánh xèo, bạn hãy liên hệ trước với thầy Thích Thiện Chí để bên nhà chùa chuẩn bị chu đáo. Thưởng thức xong, cả đoàn nên cúng dường cho chùa.

11. Núi Cấm

Được ví von như Đà Lạt, núi Cấm có cảnh quan xinh đẹp, không khí quanh năm mát mẻ. Trên núi có các danh lam thắng cảnh như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm,...
Để lên được Núi Cấm, bạn có nhiều lựa chọn như sau:
  • Leo núi: Đường chính leo lên núi Cấm không quá khó đi vì có các bậc thang, chỉ có một vài đoạn là đường đất và đoạn đường đá hơi nguy hiểm vì có nhiều xe chạy lên xuống. Còn nếu không đi theo đường chính, bạn có thể hỏi thăm dân địa phương những con đường khác. Đa số các cung đường khác có nhiều điểm hấp dẫn người leo hơn như được tham quan một số vườn cây dọc đường leo (vườn su hào, vườn tiêu, dâu…)
  • Đi cáp treo: Hiện nay núi Cấm đã có dịch vụ đi cáp treo lên đến tượng Phật Di Lặc. Lợi thế của việc đi cáp treo là đỡ mất sức, tiết kiệm thời gian và còn được ngắm toàn cảnh vùng Tịnh Biên từ vị trí trên cao. Giá vé khứ hồi người lớn là 180.000đ và trẻ em là 90.000đ.
  • Đi xe trung chuyển hoặc xe ôm lên núi Cấm: Đây là hai loại phương tiện có giá bình dân mà vẫn tiết kiệm thời gian. Bạn vẫn có thể ngắm được toàn cảnh vùng Tịnh Biên nhưng không phải với tốc độ ‘“chậm mà chắc” như đi cáp treo. 
du-lich-an-giang-triphunter-5

12. Đồi và hồ Tà Pa

Đồi Tà Pạ là một địa điểm du lịch khá mới của An Giang trong những năm gần đây. Giữa đồi là một hồ nước xanh trong, phẳng lặng với nhiều tảng đá nhấp nhô mang trên mình những bụi cây xanh rì. Nước trong hồ mỗi khúc lại có màu sắc khác nhau, nước trong đến mức bạn có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi. Đây là điểm điểm thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích cảnh đẹp, đam mê chụp ảnh ghé thăm

12 điểm du lịch An Giang mang lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và hiểu thêm về con người, phong tục, nếp sống và những văn hóa khác của vùng đất thuộc miền Tây sông nước.

Bình luận (0)