Ăn gì ở Hà Giang? 9 món ăn ngon ở Hà Giang bạn nhất định - TripHunter

Ăn gì ở Hà Giang? 9 món ăn ngon ở Hà Giang bạn nhất định phải nếm

Đăng ngày 12/11/2019 | Bởi Admin

Hà Giang không chỉ là vùng núi nổi tiếng với hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang hay đèo núi cheo leo mà còn được biết đến với những món ăn làm say lòng du khách. Vậy ăn gì ngon khi du lịch Hà Giang? Hãy cùng TripHunter điểm qua 9 món ăn độc đáo nhất ở Hà Giang nhé!

1. Thắng cố

Trời se se, lành lạnh, du khách đi du lịch tự túc Hà Giang có một bát thắng cố nhâm nhi vớt chén rượu ngô Bắc Hà thì còn gì bằng. Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’Mong, sau trở thành món ăn phổ biết của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Nguyên bản món thắng cố là dùng thịt ngựa nhưng giờ người dân dùng cả thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, mỗi nơi lại có cách nấu, công thức riêng nhưng ngon nhất có lẽ vẫn là thắng cố ngựa ở Hà Giang.

an-gi-o-ha-giang-triphunter-1

Chế biến thắng cố rất đơn giản nhưng để nấu được ngon thì đều phải có bí quyết. Mổ ngựa xong, nội tạng được làm sạch, cắt miếng rồi ướp cùng gia vị. Gia vị truyền thống thường là muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm rồi xắt nhỏ, có nơi còn cho cả sả đập dập. Sau đó cho tất cả lên cùng một chảo to, dùng chính “mỡ ngựa rán ngựa”, tức là chỉ dùng mỡ chảy từ chính thịt ngựa chứ không thêm dầu mỡ ngoài. Đến khi thịt se lại thì đổ nước vào, cứ thế ninh trên lửa to trong nhiều tiếng. Ăn đến đâu múc ra đến đó, chảo vẫn đun trên bếp.

Đây là món ngon không thể thiếu trong mỗi phiên chợ vùng cao, được ví như món ăn “vua” của chợ phiên.

2. Lợn cắp nách

Lợn cắp nách nhỏ, khi bắt, người dân thường kẹp trọn được chúng ở nách nên có tên gọi như vậy. Nó lai giữa lợn rừng và lợn Mường, được nuôi thả, không chuồng trại, ăn rau củ dại trong rừng nên thịt chắc, nạc, không mỡ nhiều như lợn dưới xuôi.

Lợn cắp nách làm sạch rồi có thể chế biến theo nhiều cách như nướng, hấp, kho tùy sở thích. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dỗi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt. Đây chính là món ăn ngon ở Hà Giang mà bạn nên thử ít nhất một lần nhé!

3. Bánh tam giác mạch

an-gi-o-ha-giang-triphunter-2

Đi du lịch Hà Giang tự túc ngắm hoa tam giác mạch thì không thể không ăn thử một chiếc bánh tam giác mạch. Hoa tam giác mạch nở rộ vào tháng 10 thì tầm 12 là kết hạt. Người dân thu hoạch hạt về, phơi khô, tách vỏ rồi xay tay thành bột mịn. Đây là quá trình thật sự cần sự tỉ mỉ để bột không lợn cợn vỏ còn sót lại. Sau đó họ sẽ đem bột tam giác mạch trộn với bột gạo và đường, nước theo tỉ lệ riêng, đổ vào khuôn rồi xđem hấp. Bánh chín sẽ mềm, dậy mùi hạt thơm nhưng như thế vẫn chưa đủ. Để bánh được xốp thì cần thêm công đoạn cho bánh lên bếp than, nướng vài phút cho mặt bánh xém vàng.

4. Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam thì các vùng miền núi đều có, nhưng đến Hà Giang thì phải ăn thử cơm lam Bắc Mê. Cách chế biến cơm lam thật ra rất đơn giản. Gạo nếp được đãi kỹ, ngâm cho nở, rồi cho vào ống tre cùng nước mạch ngầm, bịt bằng lá chuối. Ống tre đựng cơm lam là loại cây non, thân ống, chặt bỏ 1 đầu, giữ 1 đầu làm đáy “nồi”. Sau đó ống tre được hơ trên lửa hoặc than hồng, từ từ xoay tròn cho nóng đều vỏ ống. Tầm 1 tiếng là cơm chín, tỏa mùi nếp thơm lừng, bùi bùi, thoang thoảng mùi lá chuối, mùi tre nứa quyện vào nhau. Cơm lam có thể ăn chay nhưng ngon hơn cả là ăn cùng muối vừng hoặc cá suối nướng.

5. Phở chua

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở một mình Hà Giang nhưng lại là một trong những món dễ ăn nhất cho du khách tới đây du lịch. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc trước đây được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.

an-gi-o-ha-giang-triphunter-3

Nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này chính là bánh phở tươi ngon, nước dùng chua ngọt làm từ một loại dấm thật chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay. Tiếp theo đó là những lát thịt lợn rán, lạp xưởng rang cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rộm cùng tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo và rưới nước dùng lên.

6. Thịt chuột La Chí

Người dân La Chí coi thịt chuột là loại thực phẩm thường xuyên, hằng ngày. Theo lời kể, mỗi mùa lúa chín đàn ông trong bản kéo nhau đi săn chuột khắp huyện, hết mùa gặt họ lại vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Họ có thể chế biến thịt chuột thành vô vàn món ăn như nướng, xào, treo gác bếp... 

Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên đem thui rơm sau đó mới mổ bụng, làm sạch nội tạng. Tiếp đến, xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác vào. Như vậy dù có nướng hay treo bếp, thịt chuột vẫn giữ được vị ngọt nguyên sơ và cũng đậm đà hơn.

Thịt chuột nướng ăn ngay thơm lừng, dai dai, ngọt mà không bị khô. Còn thịt treo gác bếp sau một thời gian sẽ quắt lại, cứng như củi. Nhưng có thể vùi tro nóng, dùng chày đập và chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hay ngâm nước sôi cho nở ra, rồi ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Cùng hấp dẫn nhưng vị thịt chuột ở đây khác hẳn thịt chuột miền Tây.

7. Thắng dền

an-gi-o-ha-giang-triphunter-4

Thắng dền gần giống như bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì vớt ra. Thắng dền ăn cùng bát nước dùng pha từ đường, cốt dừa và gừng, có thể rắc thêm vừng hoặc lạc, ăn ngon nhất khi vừa vớt ra, khói bay nghi ngút.

8. Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu, hay cháo đắng, sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho khách đi tour du lịch Hà Giang sau 1 ngày dài khám phá.

Củ Ấu Tẩu, hay Ấu Tàu, là rễ cây Ô Đầu, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược" (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. Để loại bỏ độc tố của ấu tẩu là cả một quá trình kiên trì. Ấu tẩu cần được ngâm bằng chính nước vo gạo nếp, gạo tẻ nấu cháo. Sau đó rửa sạch, ninh liên tục khoảng 12 tiếng cho mềm, bở thành bột đặc sền sệt. Muốn biết ấu tẩu đã hết độc chưa thì người nấu chỉ có cách….tự thử độc. Nếu sau khi nếm vài phút thấy đầu lưỡi tê cứng tức là độc chưa hết, phải ninh thêm. Gạo sau khi vo thì hầm cùng nước xương hoặc chân giò cho nhừ. Sau đó cho bột ấu tẩu vào ninh tiếp cùng cháo. Khi ăn cho thêm rau thơm, măng hoặc tiêu, ớt, hành, trứng gà… tùy hàng bán và tùy khẩu vị khách.

Cháo ấu tẩu ngon là khi vị cháo thơm dẻo, quyện với vị bùi của củ ấu tẩu và vị béo của thịt tuy nhiên vị đặc trưng của ấu tẩu là vị đắng nên nếu thực khách ăn không quen có thể nói với người bán cho thêm thịt, rau hoặc gia vị khác ăn cùng cho bớt vị đắng. Người ta hay nói “thuốc đắng giã tật”. Loại cháo này còn như một loại thuốc bổ giải cảm và còn có tác dụng an thần, dễ ngủ. Bởi vậy cháo ấu tẩu mùa nào cũng có nhưng chỉ bán vào buổi tối. Đi du lịch tự túc Hà Giang từ Hà Nội, lang thang ở đây vào đêm lành lạnh rồi được thưởng thức một bát cháo nóng thì hẳn thật tuyệt phải không?

9. Bánh cuốn trứng

Ở dưới xuôi, bánh cuốn thường chỉ có nhân thịt, chấm cùng nước mắm pha ngọt, ăn cùng chả hoặc thêm hành phi. Còn bánh cuốn trứng ở Hà Giang thì đặc biệt hơn.

an-gi-o-ha-giang-triphunter-5

Bột làm bánh được xay từ ngày hôm trước, quấy vào nước để cho lắng hẳn thì bánh mới chắc. Lúc khách gọi thì mới tráng bánh bởi bánh vừa tráng xong ăn mới ngon. Hỗn hợp bột được đổ lên bạt tráng, trải đều, đậy vung hấp cho chín rồi người bán hàng nhanh tay cho thêm một quả trứng lên trên. Tùy khách muốn trứng lòng đào hay trứng chín hẳn mà người bán hàng sẽ lật bánh ra nhanh hay lâu. Có khách muốn “bánh vàng” thay vì “bánh trắng” thì người bán cho hẳn trứng vào đánh cùng hỗn hợp bột rồi tráng như bình thường.

Nước chấm bánh cuốn thì còn đặc biệt hơn nữa. Thay vì là nước mắm pha ngọt dưới xuôi thì nước chấm ở đây là nước hầm xương nhàn nhạt, thêm hành lá và giò ăn kèm. Nếu khách thích mặn hơn thì tự cho thêm gia vị.

Bình luận (0)