Cẩm nang du lịch Hà Giang từ A đến Z - Mới nhất 2019
Giới thiệu chung
Nếu bạn hỏi tôi rằng nơi nào trên đất nước Việt Nam đáng đến nhất, tôi xin chọn Hà Giang. Hà Giang không có cảnh đẹp, chỉ có tranh vẽ! Không một bức ảnh nào xứng tầm với cái thần thái của nơi đây. Hà Giang đẹp, đẹp đến say lòng người. Hàng vạn câu từ hoa mỹ cũng không thể nào lột tả hết vẻ đẹp của Hà Giang. Là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Hà Giang cuốn hút lòng người bởi những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ: cột cờ Lũng Cú thiêng liêng, con đèo Mã Pì Lèng huyền thoại, cao nguyên đá Đồng Văn huyền bí, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì rực rỡ mùa lúa chín… Hà Giang nổi tiếng nhất với mùa hoa tam giác mạch, tuy nhiên, với những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất xinh đẹp này sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ và vẻ đẹp mê hồn của Hà Giang thống trị cả bốn mùa.
Thời điểm nào thích hợp đi Hà Giang?
- Tháng 1 - 3: Mùa hoa đào, hoa mận, có các lễ hội như lễ mừng thọ của người Tày, lễ hội chọi trâu, lễ hội đấu ngựa, lễ hội Lồng Tồng…
- Tháng 3: Mùa hoa gạo.
- Tháng 4: Chợ tình Khâu Vai.
- Tháng 5 - 6: Mùa nước đổ.
- Tháng 8 - 9: Mùa lúa chín.
- Tháng 10 - 11: Mùa hoa tam giác mạch.
- Tháng 12: Mùa hoa cải.
Những điểm đến không thể bỏ qua ở Hà Giang
Đèo Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng có nghĩa đen là sống mũi ngựa, tượng trưng cho con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. Đây là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” phía Bắc, nổi tiếng với câu nói “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ”. Con đèo nằm trên con đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn và Mèo Vạc, hình thành vòng vèo quanh lưng núi. Tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng, bạn sẽ nhìn thấy được vực đá bên sông Nho Quế, dòng sông duy nhất chảy từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á, muốn đi từ đường đèo đến mặt nước phải mất nửa ngày.
Mã Pì Lèng là một trong những điểm đáng chinh phục nhất, xứng đáng trở thành đệ nhất hùng quan của Hà Giang. Từ nơi đây, phóng tầm mắt có thể nhìn thấy cảnh tượng quê hương hùng vĩ với núi non trập trùng, bất tận và đẹp đến nao lòng.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi rộng lớn đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Bên cạnh những giá trị về địa chất, cảnh quan…, đây còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng 17 dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Lô Lô, Tày, Nùng…
Đến Đồng Văn đẹp nhất vào mùa xuân, khi hoa cải rực vàng chân núi, hoa đào đỏ thắm những mái ngói rêu phong, bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình mê đắm lòng người của miền núi Hà Giang.
Phố cổ Đồng Văn
Nằm trên địa bàn hai thôn Quyết Tiến và Đồng Tâm, trong lòng thị trấn Đồng Văn, lọt thỏm giữa cao nguyên đá là một khu phố và chợ cổ rất đặc sắc. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá là điểm nhấn của miền đất địa đầu Tổ quốc này. Phố cổ mỗi sớm là sự pha trộn giữa màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà xưa vừa trầm mặc, lại đơn sơ, thu hút. Khi màn đêm buông xuống là lúc những chiếc đèn lồng treo cao trước cửa nhà ở phố cổ được thắp lên để xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của cao nguyên đá. Trải qua hàng trăm năm tuổi, vẻ đẹp cổ kính và thâm trầm của nơi đây chính là điều níu chân bao du khách.
Dinh nhà Vương
Dinh nhà Vương là dinh thự có tuổi đời gần 100 năm do vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ giỏi từ Vân Nam (Trung Quốc) và hàng vạn nhân công xây dựng trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn.
Giữa một vùng núi đá xám xịt, dinh thự nhà họ Vương nổi lên như một viên ngọc xanh, trở thành công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của Hà Giang. Đây là một trong những điểm đến bạn không nên bỏ qua khi đến vùng cao nguyên đá này.
Làng văn hóa Lũng Cẩm
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm với những ngôi nhà trình tường lợp mái âm dương phủ rêu xanh cổ kính là nơi thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim. Điển hình nơi đây đã được chọn làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”.
Ngôi làng hiện hữu giữa thung lũng thơ mộng với những ngôi nhà trình trên 100 năm tuổi. Các nguyên liệu làm nên những ngôi nhà được lấy và sản xuất tại chỗ, từ đất để trình tường nhà, ngói, gỗ, kể cả hàng rào đá xung quanh nhà. Quá trình dựng nhà của người dân nơi đây đều được làm thủ công hoàn toàn. Đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của 3 dân tộc cùng chung sống là Mông, Lô Lô và Hán.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú (còn gọi là đỉnh núi Rồng) là điểm cực Bắc của Việt Nam. Để đến nơi này, bạn phải vượt chặng đường dài qua những cung đường đèo vô cùng khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo, sau cùng là leo bộ 389 bậc thang đá và hơn 140 bậc thang xoáy ốc trong lòng cột cờ. Tuy thế, đến cực Bắc thiêng liêng của Tổ Quốc, tận mắt trông thấy lá cờ mang diện tích 54 m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em kiêu hãnh bay trong gió là niềm mong ước, tự hào và xúc động của hầu hết phượt thủ.
Nếu đi vào ngày cuối tuần, bạn sẽ có dịp tham dự chợ phiên họp dưới chân núi. Vào mùa đông vùng này rất lạnh, có khi còn có tuyết rơi.
Núi Đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ hay núi Cô Tiên là một biểu tượng đẹp của cao nguyên Đồng Văn, đó là sự kết tinh nét đẹp của thiên nhiên và kiến tạo địa chất. Hai quả núi tròn đều trông như cặp đào tiên, được ví như đôi gò căng tròn của cô gái, nổi nên giữa sự kỳ vĩ của cao nguyên miền núi.
Cổng trời Quản Bạ
Cổng trời Quản Bạ nằm cách trung tâm TP Hà Giang khoảng 50 km về phía bắc, nằm trên đỉnh cao nhất của con đèo từ Hà Giang lên Quản Bạ, là cửa ngõ đầu tiên vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Đến cổng trời, bạn sẽ được một lần trải nghiệm cảm giác được chạm đến mây trời, bồng bềnh trong khói phủ sương mờ như chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu gặp hôm trời quang, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng cả thung lũng rộng lớn với các cánh đồng Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỉ, Bát Đại Sơn và Núi Đôi Quản Bạ từ trên cao.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Canh tác trên ruộng bậc thang là phương thức sản xuất của nhiều tộc người sống ở vùng núi rừng phía bắc nước ta. Nhưng đã đến Hà Giang, bạn nhất định phải ghé qua ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, địa bàn sinh sống của người Nùng, Mông, Dao… Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì uốn lượn bao quanh sườn núi không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là kết quả công sức lao động cần cù và sáng tạo của con người thích nghi với vùng cao nguyên đá.
Thung lũng Sủng Là
Sủng Là nằm trên tuyến quốc lộ 4C, cách huyện Đồng Văn hơn 20 km, đây được xem là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn.
Người H'Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Cuộc sống thanh bình, lặng lẽ, cùng cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây được khách du lịch biết đến nhiều hơn từ sau sự thành công của bộ phim “Chuyện của Pao”.
Rừng thông Yên Minh
Yên Minh nằm ở phía đông bắc TP Hà Giang. Theo quốc lộ 4C từ Cán Tỷ đến trung tâm phố huyện rồi qua ba xã Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải, bạn sẽ đến được cung đường hai bên thông phủ bạt ngàn. Ngắm nhìn khung cảnh rừng thông ngút trời, những trảng cỏ xanh và làn sương mù lãng đãng cùng bầu không khí trong mát sẽ khiến bạn cảm thấy như đang ở một “ Đà Lạt” thứ hai.
Hồ Noong
Hồ Noong cách trung tâm TP Hà Giang hơn 20 km. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên xanh ngắt nằm dưới chân núi Noong. Hồ được người dân địa phương ví như là con mắt thần của rừng. Điều làm nên khác biệt là trong lòng hồ Noong có những cả những gốc cây xanh tốt lẫn những gốc cây khô tạo nên bức tranh thiên nhiên thú vị.
- Tháng 4 - 10: Mùa mưa, nước hồ lên cao, bạn có thể thưởng ngoạn hồ cùng dân bản trên thuyền độc mộc hay bè mảng.
- Tháng 11 - 4: Mùa khô, nước cạn. Thời gian này, người dân bản địa thường quây vuông thả vịt và chăn trâu trên bãi cỏ xanh tươi.
Chợ phiên Đồng Văn
Chợ Đồng Văn là chợ lớn nhất của Hà Giang, nằm ngay trung tâm thị trấn. Đây là nơi trao đổi giao thương hàng hóa, nông sản của đồng bào 17 xã trong huyện với nhiều mặt hàng đa dạng. Vào chủ nhật hằng tuần, người dân ở Đồng Văn và các khu vực lân cận lại đến đây họp chợ. Đặc biệt, chợ Đồng Văn có dãy rượu kéo dài từ đầu cho đến cuối chợ, nhiều người đến chợ chỉ để mua rượu và uống rượu.
Ngày nay do sự phát triển của du lịch, chợ họp vào cả ngày thứ bảy.
Chợ phiên Lũng Phìn
Chợ phiên Lũng Phìn là phiên chợ lùi độc đáo: phiên chợ cứ luân phiên nhau họp tuần này ngày Dần thì tuần sau ngày Thân, đều đặn 6 ngày một phiên. Chợ chỉ họp trong ngày, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, 3 - 4 giờ sáng người dân các ngả đã gùi hàng về. Đến trưa chiều thì chợ tan dần. Đến với Lũng Phìn, bạn sẽ tìm được các đặc sản như mật ong bạc hà, rượu ngô, chè tuyết Lũng Phìn, gà đồi, thổ cẩm...
Ngoài ra, đây còn là một phiên chợ tình của các đôi trai gái người dân tộc quanh vùng.
Khám phá ẩm thực Hà Giang
Thịt trâu, lợn gác bếp
Nói đến Hà Giang, món đặc sản đầu tiên không thể không nhắc đến là món thịt trâu, lợn gác bếp. Do đặc điểm dễ ăn, thơm ngon, lại có thể để được lâu, dễ bảo quản, thịt trâu, bò gác bếp luôn là món quà quý mà khách du lịch cũng phải mua về khi đến cao vùng cao nguyên đá.
Thịt trâu hoặc lợn được thái dọc thớ từng miếng dài, rồi đem ướp với gia vị như ớt, gừng, đặc biệt không thể thiếu là mắc khén, sau đó được xiên vào những que to và treo lên gác bếp. Sau một thời gian, những miếng thịt sẽ se lại nhưng vẫn giữ được gia vị hòa quyện trong từng miếng thịt và mang hương vị rất đặc trưng, càng ăn càng nghiện.
Lợn cắp nách
Sở dĩ có tên gọi như thế vì giống lợn này khá bé, có thể cho vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách cho tiện.
Thịt lợn có thể dùng nướng, hấp, kho đều hấp dẫn hoặc dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặc hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.
Cháo ấu tẩu
“Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang” – câu nói quả thực đã in hằn trong tâm trí mỗi người nên khi đến đây ai cũng phải thưởng thức hương vị món đặc sản này. Cháo ấu tẩu được chế biến từ củ ấu tẩu ngâm trong nước gạo, sau đó ninh đến lúc bở rồi đem ra tán nhuyễn nấu cùng gạo tẻ, nếp cái, chân giò. Cháo có vị béo ngậy, bùi, hơi đắng và lạ miệng, có thể ăn cùng với rau thơm, măng chua hay thịt băm.
Măng cuốn thịt
Măng cuốn thịt có vị béo ngọt của thịt, đăng đắng của măng, thơm thơm của rau răm. Nước chấm được nấu từ mẻ. Cho khoảng vài thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước vào đã có một bát nước chấm chua dịu và thơm lừng. Hương vị của măng cuốn thịt sẽ khiến bạn khó có thể cưỡng lại.
Bánh cuốn trứng
Cũng là bánh cuốn nhưng ở Hà Giang món ăn này lại không dùng cùng nước chấm như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vào đó, khi tráng trên bếp, bánh sẽ được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bột trắng ngần bên ngoài gói lại. Khi thưởng thức, bạn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo thả giò trắng thơm ngon ở trong.
Phở chua Hà Giang
Phở chua Hà Giang có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “lường pàn” nghĩa là “phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè. Ngày xưa, phở chua hay được người dân tộc sử dụng không thể thiếu trong các đám cỗ của gia đình. Nhưng hiện nay, phở chua không chỉ là món ăn cỗ trong gia đình mà đã trở nên phổ biến được nhiều người lựa chọn là món điểm tâm.
Thắng cố
Thắng cố là là đặc sản chỉ có vùng miền núi phía Bắc, dùng chung với rượu ngô. Tiếng Mông gọi thắng cố là khấu tha có nghĩa là canh xương. Nồi thắng cố có các nguyên liệu chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, phổ biến nhất là thịt ngựa, một số nơi còn chế biến với bò, dê.
Chảo thắng cố nghi ngút khói là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi phiên chợ vùng cao.
Lạp sườn
Lạp sườn Hà Giang có vị ngon đậm đà, chua chua ngọt ngọt, thơm ngậy của thịt, dai dai của lòng non bào mỏng và thơm thơm của củ gừng núi. Chế biến lạp sườn rất công phu, trước tiên đem lòng lợn non rửa sạch nhiều lần, lần cuối cùng là rửa bằng rượu sau đó phơi khô rồi thổi vào thành bong bóng để làm vỏ bọc bên ngoài. Nhân lạp sườn là loại thịt nửa nạc nửa mỡ, thường là thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn. Thịt bỏ bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, mì chính và không thể thiếu ít rượu trắng, nước gừng và một ít quả mắc mật xay nhỏ ướp cùng.
Thịt chuột La Chí
Người dân La Chí thường coi món thịt chuột là món ăn hàng ngày, quanh năm suốt tháng cũng giống như người Kinh ăn thịt lợn vậy. Khi đến mùa lúa chín, đàn ông thường kéo nhau đi săn chuột khắp huyện. Cho tới khi mùa gặt kết thúc, chuột đồng hết chỗ ẩn nấp sẽ trốn vào rừng thì người ta lại vào rừng đặt bẫy, đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Với những con chuột như vậy, họ có thể chế biến thành vô vàn những món ăn khác nhau như: xào, nướng, hay treo gác bếp.
Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam là một đặc sản nức tiếng ở Hà Giang cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên lửa than. Để nấu cơm lam, người ta cũng chế biến từ gạo nếp nương. Gạo nếp nương sau khi được ngâm, đãi kỹ được xóc một chút muối rồi cho vào ống tre, đổ nước, dùng nút chuối hoặc lá dong tươi nút đầu ống còn lại. Sau đó, người ta cho ống tre lên bếp than hồng, xoay tròn cho đến khi hạt cơm bên trong chín đều. Trước khi ăn, người ta dùng dao chẻ bỏ phần ống tre đã cháy ở bên ngoài, để lại một lớp trắng phía trong. Khi ăn, hương thơm nồng nàn, độ dẻo của nếp hòa quyện với vị mặn của muối và hương thơm đặc trưng của lá chuối. Thú vị hơn nữa là khi dùng cơm lam với muối vừng, thịt nướng hay cá suối nướng sẽ cảm nhận vị cơm lam Bắc Mê thơm ngon và bùi hơn.
Rêu nướng
Rêu nướng là món ăn truyền thống của người Tày và được xem là món ăn lạ lùng ở Hà Giang. Rêu có thể chế biến thành các món rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món rêu trộn các loại gia vị rồi đem nướng. Rêu nướng có vị ngon rất riêng, lại có tác dụng chữa bệnh.
Bánh thắng dền
Trông giống bánh trôi nước, nhưng mang hương vị đặc sắc riêng, giản dị mà tinh khiết. Bánh thắng dền được làm từ gạo nếp nương. Bánh có vị ngọt đặc trưng của đường hoa mai cô đặc, vị cay của gừng, rắc thêm sợi dừa, đậu và mè.
Xôi ngũ sắc
Xôi được làm từ gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng thành 5 màu khác nhau. Màu đỏ của gấc hoặc lá cơm đỏ, màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, màu vàng của lá nghệ, màu tím từ lá cơm đen hoặc lá cây sau…
Xôi ngũ sắc Hà Giang có vị thơm, dẻo, màu xôi đẹp tự nhiên và ý nghĩa vô cùng độc đáo. Với đồng bào dân tộc nơi đây, 5 màu sắc của xôi tạo thành một thể thống nhất, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em.
Đến bất kì chợ phiên nào ở Hà Giang, ta cũng dễ dàng kiếm được món xôi ngon, đẹp mắt này với giá 5.000đ - 10.000đ.
Các nhà nghỉ, hostel tốt ở Hà Giang
Hà Giang Amazing Hostel
Địa chỉ: 123A Lý Thường Kiệt, Hà Giang
Bản Tùy Homestay
Địa chỉ: Quốc lộ 34, Bản Tùy, Hà Giang
Chopai Hostel
Địa chỉ: 06 Hà Tuyên, Hà Giang
10am’s House
Địa chỉ: 85 Minh Khai, Hà Giang
Phương tiện đi lại
Xe máy
Từ Hà Nội đi Hà Giang khoảng 300 – 320 km, đường xa và đèo dốc nhiều. Phong cảnh hai bên đường cũng không có nhiều điều đặc sắc. Chỉ có đoạn gần đến Hà Giang cảnh đẹp. Vì vậy, nếu muốn đi xe máy bạn hãy cân nhắc kỹ.
Có hai tuyến đường bạn có thể lựa chọn.
Cách 1:
Bắt đầu từ Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) – cầu Trung Hà (tới ngã 3 thị xã Sơn Tây rẽ phải, có thể đâm thẳng qua ngắm La Thành) – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu bạn rẽ tay trái, men theo con sông Thao) – thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang. Tại Tuyên Quang bạn không đi qua thành phố mà chọn hướng đường QL2 thẳng tiến tới Hà Giang.
Đi Hà Giang theo hướng này đường vắng, tiết kiệm được khoảng 30 km, không có nhiều công an. Bạn sẽ mất khoảng 9 tiếng để tới Hà Giang.
Cách 2:
Bắt đầu từ Hà Nội – đi cầu Thăng Long – rẽ sang Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang.
Tuyến đường này có nhiều xe khách chạy nên đường đông hơn tuyến trên.
Xe khách
1. Hà Nội - Hà Giang:
Để di chuyển lên Hà Giang bạn có thể đi xe khách đêm, vừa đỡ mệt lại tiết kiệm được thời gian.
- Hưng Thành
+ Giá vé (giường nằm): 220.000đ/lượt
+ Điểm xuất phát: 287 Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội
+ Điểm đến: Bến xe Thành phố Hà Giang
+ SĐT: 0974 888 555 - 0913 534 722 - (024) 3633 7575 - (024) 3633 7614
+ Website: hungthanhtravel.vn
- Hải Vân Express
+ Giá vé (giường nằm): 200.000đ/lượt
+ Điểm xuất phát: Bến xe Mỹ Đình
+ Điểm đến: Bến xe Thành phố Hà Giang
+ SĐT : 0164 4108 883
+Website: xehaivan.vn
- Cầu Mè
+ Giá vé (ghế ngồi): 150.000đ/lượt
+ Điểm xuất phát: Bến xe Mỹ Đình
+ Điểm đến: Bến xe Thành phố Hà Giang
+ SĐT: (0219) 3862 206 - 0946 445 369 - 0983 823 780 - 0946 509 479
- Ngọc Cường
+ Giá vé (giường nằm): 220.000đ/lượt
+ Điểm xuất phát: Bến xe Mỹ Đình
+ Điểm đến: Bến xe Thành phố Hà Giang
+ SĐT: 0904 36 62 79 - 0936 78 82 79
+ Website: www.ngoccuong.com.vn
2. Hà Giang - Quản Bạ/Yên Minh/Đồng Văn/Mèo Vạc
Tuyến Hà Giang – Quản Bạ
- Cường Thúy: 0915 407 522
- Thắng Phượng: 0915 185 434
- Tân Yên: 0912 369 134
Tuyến Hà Giang – Yên Minh
- Ngọc Cường
+ Địa chỉ: 222 Nguyễn Thái Học, P. Trần Phú, TP Hà Giang
+ SĐT: 0904 366 279 - 0936 788 279
+ Website: www.ngoccuong.com.vn
- Hoàng Tuyên
+ SĐT: 0912 120 566
Tuyến Hà Giang – Đồng Văn
- Cầu Mè
+ Địa chỉ: Tổ 1, thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện, TP. Hà Giang
+ SĐT: 0915 448 933
- A Sinh
+ SĐT: 0984 520 371
- Trung Yến
+ Địa chỉ: Bến xe Hà Giang, đường 19/5, P. Nguyễn Trãi, TP Hà Giang
+ SĐT: 0989 156 121
Tuyến Hà Giang – Mèo Vạc
- Hoàng Tài
+ SĐT: 0912 394 082
- Cầu Mè
+ Địa chỉ: Tổ 1, thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện, TP Hà Giang
+ SĐT: 0167 2116 226
- Ngọc Khánh
+ SĐT: 0987 382 992
- Quang Nghị
+ Địa chỉ: Tổ 10, P. Nguyễn Trãi, TP Hà Giang
+ SĐT: 0946 744 733
Lịch trình tham khảo
Bạn chỉ việc đi và tận hưởng, lịch trình để TripHunter lo nhé! Tha hồ chọn lịch trình hay tại đây: Lịch trình chi tiết Hà Giang