Cẩm nang du lịch Hội An từ A đến Z - Mới nhất 2019
Giới thiệu chung
Phố cổ Hội An cách TP Đà Nẵng 30 km về phía nam, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Được biết đến là khu phố còn giữ nguyên vẹn nét cổ kính của một thương cảng châu Á, Hội An thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những ai thích hoài niệm và yêu sự cổ kính. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kể từ đó, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hội An ngày một đông. Và cũng kể thời điểm này, Hội An dần trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất không chỉ của riêng Việt Nam và châu Á mà còn trên cả thế giới. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Thời điểm nào thích hợp để đi Hội An?
Ngày 14 âm lịch hàng tháng: Vào ngày này, phố cổ Hội An sẽ tắt đèn điện và thắp đèn lồng thay thế từ khoảng 7h - 9h tối, cùng với đó là các lễ hội thả hoa đăng, chơi các trò chơi dân gian như đập niêu, hát bài chòi,...
- Tháng 2 - 4: Thời điểm lý tưởng đến Hội An. Thời tiết lúc này hầu như không mưa và khá dễ chịu.
- Tháng 10 - 12: Mùa mưa ở Hội An. Nước sông Thu Bồn dâng cao, phố cổ ngập lụt, người dân phải đi lại bằng thuyền. Đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị ở Hội An.
Thông tin cần lưu ý:
1. Khi bạn muốn vào khu vực di sản, bạn hãy mua vé ở quầy phục vụ của Văn phòng Hướng dẫn tham quan Hội An. Với vé tham quan này, bạn được quyền thăm viếng 4 điểm, tương ứng với 4 ô trong tổng số 22 điểm tham quan.
2. Nếu bạn đi theo nhóm (8 người trở lên) thì nhóm của bạn sẽ được Văn phòng này cung cấp một Hướng dẫn viên miễn phí trong vòng 2 giờ.
3. Bạn nên ăn mặc đứng đắn và tỏ ra nghiêm túc khi tham quan các di tích. Những người làm việc ở đây có thể không nói gì với bạn nhưng họ rất lấy làm khó chịu khi bạn đi đứng, nói cười tùy tiện trong di tích của họ.
4. Lúc nào và bất cứ ở đâu bạn cũng phải tỏ ra sạch sẽ, gọn gàng và lịch sự để không làm mất đi vẻ đẹp của một di sản văn hóa thế giới như Hội An.
5. Bạn không nên tặng quà, dù nhỏ (như bút viết, bánh kẹo hoặc tiền lẻ) cho trẻ em vì như thế bạn đã vô tình tạo những thói quen xấu cho các em.
6. Các nhà hàng, cửa hiệu luôn sẵn sàng phục vụ bạn tận tình. Vì thế, bạn không nhất thiết phải nghe những người dẫn mối hoặc theo họ đến nơi mua sắm vì có thể bạn phải trả công cho họ mà vẫn không biết qua những thứ bạn mua sắm
7. Nếu bạn là người mở hàng cho một cửa hiệu nào đó, bạn nên mua một thứ gì đó, dù nhỏ. Làm như thế, bạn đã tạo được niềm tin cho người bán hàng rằng chị (anh) ấy sẽ mua may bán đắt trong ngày.
8. Vé có thời hạn trong 24 giờ, được thăm quan 3 điểm tùy chọn và cảnh quan phố cổ.
Giá vé tham quan đô thị cổ Hội An:
- Khách nội địa: 80.000 đồng/người/lượt.
- Khách nước ngoài : 120.000 đồng/người/lượt.
Miễn lệ phí hướng dẫn cho đoàn từ 8 khách trở lên, liên hệ thuyết minh viên tại nơi bán vé.
Văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An
Địa chỉ: 12 Phan Chu Trinh, Hội An
Điện thoại : (0235) 386 2715
Những điểm đến không thể bỏ qua ở Hội An
Nhà cổ Tấn Ký
Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng cách đây hơn 200 năm và mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ. Chủ nhà hiện nay vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh, đồng thời cũng là vật chứng về sự giao lưu văn hóa Hoa – Nhật – Việt phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ XVII hiện vẫn được lưu giữ tại đây. Nhà cổ Tân Ký là ngôi nhà cổ đầu tiên được vinh dự cấp bằng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990 và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhà cổ Phùng Hưng
Nhà cổ Phùng Hưng được xây dựng cách đây hơn 100 năm trong thời kỳ phát triển của đô thị Hội An, là một trong những mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc xưa. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là một người Việt buôn bán phát đạt, giao lưu rộng rãi; do đó đặt tên cho ngôi nhà là Phùng Hưng có nghĩa là hưng thịnh, với mong muốn gia đình luôn làm ăn phát đạt. Xưa kia, đây là tiệm bán các mặt hàng lâm thổ sản như quế, tiêu, muối, các mặt hàng lụa tơ tằm, đồ sứ, thủy tinh,… Chủ nhân hiện nay là con cháu thuộc thế hệ thứ tám vẫn còn sống và bảo quản nhà cổ.
Nhà cổ Quân Thắng
Nhà cổ Quân Thắng là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại cách đây hơn 150 năm và mang phong cách kiến trúc Trung Hoa. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng từ kiểu dáng kiến trúc đến cách bài trí nội thất khắc họa được lối sống của những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ sinh động và tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện.
Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến được xây dựng vào năm 1697 nổi tiếng bởi vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm và không gian rộng lớn cùng kiến trúc đặc sắc kiểu Trung Hoa. Đây là nơi thờ thần, Tiền Hiền (người có công khai khẩn vùng đất) và hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến.
Hội quán Quảng Đông
Hội quán Quảng Đông được xây dựng vào năm 1885, ban đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, đến sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền hiền (người có công khai khẩn, lập đất). Việc sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán một vẻ đẹp đường bệ.
Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán tổ chức lễ hội lớn và thu hút được rất đông khách tham quan.
Chùa Cầu
Chùa Cầu là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Hội An. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Đến Hội An mà chưa ghé thăm chùa Cầu thì coi như chưa đến.
Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được xem như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi gây ra những trận động đất. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía bắc, nhô ra giữa cầu nên từ đó người dân địa phương gọi là chùa Cầu. Đây là công trình kiến trúc duy nhất được coi là có gốc tích Nhật Bản còn lại.
Phố đèn lồng Nguyễn Phúc Chu
Có thể nói, phố Nguyễn Phúc Chu là nơi mà những chiếc lồng đèn lung linh rực rỡ sắc màu nhất gắn liền hình ảnh gắn liền với đô thị cổ Hội An. Hầu như khắp phố cổ nhà nào cũng treo đèn lồng. Đèn lồng vừa dùng để thắp, để trang trí, vừa là cách để giữ cái hồn rất riêng của phố cổ.
Thả đèn lồng hoa đăng trên sông Hoài
Thả đèn lồng hoa đăng trên sông Hoài là một nét đặc trưng không thể thiếu của Hội An. Những chiếc đèn nhỏ gắn với mong ước về may mắn và hạnh phúc cho gia đình và người thân.
Dọc sông Hoài, đặc biệt khu vực chùa Cầu có nhiều người kinh doanh dịch vụ làm và thả đèn hoa đăng với giá tầm 10.000đ/3 chiếc.
Nếu đến Hội An vào dịp lễ hội hoa đăng, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh lung linh ấn tượng tuyệt vời trên bờ sông Hoài.
Chợ đêm Nguyễn Hoàng
Nằm ngay bên bờ sông Hoài đối diện với chùa Cầu, khu chợ đêm Nguyễn Hoàng là nơi tham quan và giải trí khá lý tưởng cho du khách. Khu chợ đêm mở cửa từ 17h - 23h hàng ngày trên tuyến đường Nguyễn Hoàng và La Hối dài gần 300 m. Chợ bày bán rất đa dạng các loại hàng hóa, từ đèn lồng Hội An truyền thống với đủ màu sắc và kiểu dáng, những mâm tò he xinh xắn, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gốm Thanh Hà, vải vóc, lụa là… cho đến những đặc sản địa phương như cao lầu, mỳ Quảng, nem lụi…
Làng mộc Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu) nằm đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia sông Thu Bồn. Các nghệ nhân làng Kim Bồng đã từng được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Bàn tay khéo léo của người thợ Kim Bồng đã dựng lên những công trình mộc vĩ đại, đậm chất nghệ thuật mà ngày nay nhiều người vẫn có thể nhìn thấy ở những ngôi nhà trong phố cổ Hội An hoặc tại Hoàng thành cố đô Huế.
Làng gốm Thanh Hà
Thanh Hà là một ngôi làng nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy quy trình làm ra những sản phẩm gốm tinh tế từ bàn tay điêu luyện, chuyên nghiệp và khéo léo của nghệ nhân. Không chỉ có thế, bạn sẽ còn được hướng dẫn để tự tay chế tác một tác phẩm cho riêng mình.
Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An
Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An hình thành năm 1989 với hơn 212 hiện vật bằng gốm, sứ, đồng, sắt, giấy, gỗ… được trưng bày liên quan đến các giai đoạn phát triển của đô thị Hội An.
Biển Cửa Đại
Cách trung tâm Hội An khoảng 5 km, bãi biển Cửa Đại yên bình và mang nét trầm tĩnh như chính cái hồn của phố cổ Hội An. Đây là một trong những bãi biển đẹp nhất miền trung Việt Nam.
Biển An Bàng
Bãi biển An Bàng nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3 km về phía đông, có chiều dài khoảng 4 km với cảnh quan tự nhiên trong lành và thảm thực vật khá đa dạng. Biển An Bàng từng được chọn vào top 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Bãi biển An Bàng sở hữu vẻ mộc mạc, hoang sơ và tĩnh mịch.
Cù lao Chàm
Cù lao Chàm là một hòn đảo hoang sơ với tám hòn đảo nhỏ trải dài theo hình cánh cung xanh mướt. Tại đây bạn có thể trải nghiệm dịch vụ lặn biển ngắm san hô, đốt lửa trại, ngủ homestay ở nhà dân và thưởng thức hải sản tươi - ngon - bổ - rẻ. Những ai lần đầu đến với cù lao Chàm chắc chắn đều bị hòn đảo này quyến rũ bởi màu xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với sắc biếc xanh của biển bằng dải lụa cát trắng mịn màng, lấp lánh dưới ánh nắng vàng.
Dịch vụ ở cù lao Chàm chưa phát triển nhiều, do đó nếu bạn đi tự túc và muốn tắm nước ngọt thì phải vào nhà dân hỏi, việc lưu trú qua đêm thì nghỉ tại homestay.
Phương tiện đến cù lao Chàm:
- Ca nô: Chi phí hơi cao nhưng bạn chỉ mất khoảng 15 - 20 phút để đến được đảo. Thuê ca nô tại Cửa Đại.
- Tàu cao tốc (dạng vé lẻ): Vé được bán ở các văn phòng tại bến tàu đi cù lao Chàm và thường bán để đi ghép với đoàn tour do họ tổ chức.
- Tàu gỗ:
+ Thuyền vận tải (khoảng 9h sáng xuất phát tại bến Cửa Đại và 11h30 từ đảo trở về, 01 chuyến/ngày với giá vé 30.000 đồng/người).
+ Nếu đi bằng tàu chợ thì bạn nên có mặt lúc 7h. Bến tàu ở cuối đường Nguyễn Hoàng (từ chùa Cầu bạn đi qua một cái cầu, rồi rẽ phải và hỏi người dân sẽ thấy đường Nguyễn Hoàng, đi tiếp đến cuối đường là nơi tàu đón khách). Thời gian đến cù lao Chàm khoảng 10h30 - 11h30, tùy thuộc vào lượng hàng hóa cần vận chuyển hôm đó. Khoảng 13h tàu sẽ xuất bến từ cù lao Chàm để trở về Hội An, do đó nếu bạn muốn đi trong ngày thì sẽ ko tham quan được nhiều. Bạn có thể ở lại một đêm và trở về vào hôm sau.
Các dịch vụ chỉ có ở Hội An
Dịch vụ “giày nóng”
Dịch vụ "giày nóng" là dịch vụ đặt may giày hẹn giờ lấy theo yêu cầu.
Các shop tại khu phố giày này có thâm niên gần 20 năm, chuyên bán hàng giày dép thủ công, mẫu mã đa dạng với giá cả cũng khá bình dân. Những đôi giày dép du khách đặt mua đều được làm hoàn toàn bằng thủ công, kể cả khâu đo chân. Vì thế mà mỗi đôi giày vừa có kích thước chuẩn xác, vừa độc đáo lại đảm bảo yếu tố “không đụng hàng” theo ý của du khách. Bạn có thể chọn mẫu theo catalogue hoặc hàng mẫu trưng bày trên kệ còn màu sắc, chất liệu, kích cỡ đều được phục vụ tận tình theo yêu cầu. Tùy vào độ tinh xảo, chất liệu và mẫu mã mà thời gian chế tác một đôi có thể từ 1 - 2 tiếng.
May đồ thời trang lấy ngay
Hội An có rất nhiều điều hấp dẫn khách du trong và ngoài nước, một trong số đó là những cửa hiệu cắt may quần, áo, giày, dép, túi xách… lấy ngay trong ngày. Tạp chí Forbes đã từng vinh danh một trong những tiệm “may nóng” ở Hội An bởi dịch vụ độc đáo và cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Chỉ sau khoảng 4 giờ, bạn có thể nhận được món đồ theo ý muốn. Thậm chí, du khách có thể để lại số đo và địa chỉ, cửa hiệu sẽ gửi sản phẩm đến tận nơi cho du khách. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể đặt hàng qua mạng, chỉ cần cho số đo, loại vải, loại áo quần cần may... và tới hẹn đến lấy. Giá cả dịch vụ may mặc tại Hội An không cao hơn so với những nơi khác, giá chỉ dao động từ 15 – 100 USD.
Khắp Hội An có hơn 100 hộ kinh doanh hình thức này nên bạn có thể dễ dàng tìm được một chỗ ưng ý.
Khám phá ẩm thực Hội An
Mì Quảng
Ðúng như tên gọi, mì này nguyên có nguồn gốc xuất phát từ xứ Quảng Nam. Gắp một đũa mì cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp một ngụm nước lèo cho phát ra tiếng "soạt", khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon đầy miệng. Nhìn tô mì đầy đặn, bên những chú tôm đỏ mọng là một lới rau ngò xanh xanh, dăm ba hạt đậu phộng được rải đều, làm cho ta cảm thấy vui mắt và chỉ muốn ăn ngay. Và đúng là phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng kia. Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Ðông Bắc phố cổ Hội An. Ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới thật đúng “tông”. Chỉ có rau ở vùng này mới thể hiện hết nhiều mùi vị hương thơm: cay, chát, ngọt, đắng… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
Địa chỉ:
-
Quán Bà Minh - Khu Cẩm Hà, Hội An
- Gánh hàng rong của Chị Hà - Đường Thái Phiên, Hội An
Cao lầu
Cao lầu là món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì, nhìn kỹ lại giống sợi phở. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Thưởng thức món cao lầu, bạn sẽ có cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
Địa chỉ:
-
Cao lầu Bà Bé - trong chợ tại đường Trần Phú, Hội An. Quán bán từ 14h00 hàng ngày.
- Cao lầu Trung Bắc - 87 Trần Phú, Hội An
- Cao lầu Thanh - 26 Thái Phiên, Hội An
Cơm gà
Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà sau khi luộc sẽ được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Cuối cùng là bày cơm ra đĩa, cho gà đã xé lên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt.
Địa chỉ:
- Cơm gà Bà Buội - 22 Phan Chu Trinh, Minh An, Hội An. Quán chỉ bán từ 11h đến khoảng 19h là hết cơm, nếu muốn ăn thì nhớ đến sớm nhé.- Cơm gà Hương - 56 Lê Lợi, Hội An
- Cơm gà Ty - 27 Phan Chu Trinh, Hội An
Bánh bao – Bánh vạc
Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu và cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa bánh. Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An.
Địa chỉ: Quán Hoa Hồng Trắng - 533 Hai Bà Trưng (Nhị Trưng), Hội An
Bánh mì Hội An
Cách đây không lâu, David Farley - phóng viên đài BBC chuyên viết về du lịch và ẩm thực đã nhận xét “bánh mì ở Việt Nam kì diệu nhất thế giới” trong bài “Có phải bánh mì Việt Nam là bánh kẹp ngon nhất thế giới?” sau khi ăn tổng cộng 15 ổ bánh mì ở nhiều tiệm khác nhau trên khắp Việt Nam. Một trong số đó có bánh mì Hội An.
Địa chỉ:
-
Bánh mì Phượng - Phan Chu Trinh, Cẩm Châu, Hội An
- Bánh mì Madam Khanh - 115 Trần Cao Vân, Minh An, Hội An
Bánh đập
Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua.
Địa chỉ: Quán Bà Già - Thôn 1, xã Cẩm Nam, Hội An.
Bánh xèo Hội An
Bánh xèo cũng là một trong những món ăn vặt khá nổi tiếng ở vùng đất phố Hội này. Ở phố cổ Hội An vào mùa lạnh thì bánh xèo là loại bánh thịnh hành nhất.Làm sao có thể quên được vị giòn tan của bột gạo, vị béo bùi của nước cốt dừa, mùi thơm của bột nghệ hòa lẫn các loại rau thơm, cùng thịt bò, tôm, mực. Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay.
Địa chỉ: Quán Giếng Bá Lễ (Ba Le Well) - 45/51 Trần Hưng Đạo, Hội An
Bánh bèo Hội An
Bánh bèo có mặt khắp Hội An, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những vùng ven phố Hội như Cẩm Châu, Cẩm Nam… với những quán lá nhỏ đơn sơ mà mát mẻ, ấm cúng. Khách vào quán, người chủ sắp nhiều chén bánh lên khay, múc nhưn đổ vào, thêm dầu mỡ, tương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn. Tùy theo khẩu vị của người ăn mà có thể thêm tí nước mắm hay tí ớt vào.
Chè bắp
Hội An có nhiều nơi bán chè bắp nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là chè bắp Cẩm Nam. Bắp để nấu chè là loại bắp sữa (bắp non) được trồng trên những bãi bồi ven sông. Nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm mà những bãi bồi này luôn màu mỡ, khiến trái bắp có những hương vị ngọt, thơm đặc trưng của phố Hội.
Địa chỉ: Quán Bà Già - Thôn 1, xã Cẩm Nam, Hội An
Nước mót
Đây là món nước giải khát rất dễ chịu khi bạn đã đi dạo mỏi chân trong khu phố cổ. Đó thực chất là nước trà thảo mộc và sả chanh với cánh sen. Một món nước dân dã nhưng hương vị lại vô cùng đặc biệt, dễ dàng xua tan cái nóng của trưa hè.
Địa chỉ: Mót Hội An - 150 Trần Phú, Hội An
Bánh xoài
Bánh xoài cũng được bán rất phổ biến trên vỉa hè trong khu phố cổ. Bánh có hình giống như quả xoài, được làm từ bột nếp, đậu phộng và đường. Đậu phộng ngào đường được bao bởi lớp vỏ bột nếp đã hấp chín và giã nhuyễn. Sau đó, bánh được phủ một lớp áo bột nếp trắng bên ngoài cho khỏi dính.
Địa chỉ: Các quán dọc khu phố cổ
Bánh tổ
Đây là một loại bánh truyền thống của Quảng Nam, thường xuất hiện vào dịp Tết. Bánh được làm từ gạo nếp, gừng và đường đen. Ổ bánh chín được rắc thêm ít mè lên bề mặt. Bánh tổ có thể để được lâu, ăn dần cả tháng.
Những khách sạn, homestay cực đẹp tại Hội An
Maison Vy
Maison Vy nằm cách Hội quán Triều Châu 700 m, cách Hội quán Hải Nam 800 m và cách trung tâm TP khoảng 1,5km. Chất hiện đại xen lẫn với vintage ở Maison Vy là một trong những điều thu hút du khách đến đây.
Địa chỉ: 544 Cửa Đại, Cẩm Châu, Hội An
Hotel Royal Hoi An Mgallery
Cả tòa nhà cao được sơn với 2 màu trắng - vàng nổi bật là đặc điểm nhận diện dễ nhất của Hotel Royal Hoi An. Phía trước khách sạn là dòng sông Thu Bồn thơ mộng. Ngoài ra, từ khách bạn bạn có thể dễ dàng di chuyển đến tham quan tại chùa cầu Nhật, nhà cũ của Tân Kỳ và làng Trà Quế.
Địa chỉ: 39 Đào Duy Từ, P. Cẩm Phổ, Hội An
La Residencia Luxury Boutique Hotel
Khách sạn này là sự kết hợp giữa lối kiến trúc đương đại của châu u và những đường nét rất duyên dáng, cổ điển. La Residencia Luxury Boutique Hotel được mệnh danh là nơi gợi lên lịch sử và bản sắc văn hoá của khu phố cổ. Chính vì thế, điều đầu tiên bạn có thể cảm nhận được ngay khi bước vào đây là sự nhẹ nhõm, gần gũi nhưng không hề kém tiện nghi.
Địa chỉ: 35 Đào Duy Từ, Phường Minh An, Hội An
Vĩnh Hưng Library Hotel
Đúng như tên gọi là thư viện, nơi đây có rất nhiều sách, trong phòng cũng có một giá sách con con. Khách sạn Vĩnh Hưng có những khoảng được bày biện và trang trí theo lối vintage.
Địa chỉ: 96 Bà Triệu, P. Minh An, Hội An
Maison De Tau
Maison De Tau là tiếng Pháp, dịch ra nghĩa là "Nhà của tau", đây là một homestay mới ở Hội An, nơi mà nhiều người tới ở đã để lại nhận xét rất yêu rằng "mình tìm được nhà mình ở Hội An rồi".
Địa chỉ: 47/23 Nguyễn Đình Chiểu, P. Tân An, Hội An
Phương tiện di chuyển
Máy bay
Tại Hội An hay Quảng Nam không có sân bay nên bạn phải bay đến Đà Nẵng, sau đó đi open bus/xe máy đến Hội An. Các hẫng hàng không Vietnam Airline, Jetstar và Vietjet Air đều có chuyến bay đến Đà Nẵng, nên sẽ vô cùng thuận tiện nếu bajh kết hợp du lịch Đà Nẵng với Hội An.
Xe khách
1.Xe khách từ Hà Nội tới Hội An:
– The Sinh Tourist:
+ Giờ xuất bến: Hà Nội 18h00, Hội An 7h45 – 13h30
+ SĐT: (024) 3926 1568 – (0235) 3863 948
– Hạnh Cafe:
+ Giờ xuất bến: Hội An 8h00 – 14h00
+ SĐT: 0905 395 368
2. Xe khách từ Sài Gòn tới Hội An:
– The Sinh Tourist:
+ Giờ xuất bến: Sài Gòn 7h15 – 20h00, Hội An 19h00
+ SĐT: (028) 3838 9593 – (0235) 3863 948
– Hạnh Cafe:
+ Giờ xuất bến: Sài Gòn 8h00-20h00-20h30-21h30, Hội An 18h30
+ SĐT: 0905 395368
– Thiên An:
+ SĐT: (028) 6651 6657 – 0938 208090
Xe máy
Giá thuê dao động khoảng 80.000 - 120.000 đồng/chiếc tùy loại xe. Người cho thuê cũng sẽ hỏi bạn thuê xe đi nội thành hay ngoại thành, để cung cấp loại xe phù hợp, và giá cả có thể cũng khác nhau.
Một số điểm cho thuê xe máy:
- Công ty xe máy Trường Đạt: có nhận giao xe tại khách sạn và sân bay.
+ Địa chỉ: K65/86 Tô Hiến Thành (rất gần khu biển Mỹ Khê)
+ SĐT: 0969 722 744 (A. Tuấn) - 0969 822 844 (A. Đạt)
- Công ty Anh Tuấn Motorbike: là cơ sở cho thuê xe máy lớn nhất Đà Nẵng với hàng trăm đầu xe. Được giảm giá nếu thuê dài ngày.
+ Địa chỉ: 143/16 Nguyễn Tiểu La (gần sân bay Đà Nẵng)
+ SĐT: 0905 708 090 (A. Tuấn) - 0988 000 835, 0988 000 875 (Hoàng Anh)
- Công ty xe máy Lê Trường: khuyến mãi cafe, bản đồ, nước suối cho khách.
+ SĐT: 0988 007 001 (A. Trường)
- Công ty cho thuê xe máy Đạt Phát:
+ Địa chỉ: 75 Huỳnh Tấn Phát, Hải Châu, Đà Nẵng
+ SĐT: 0947 080 083 (A.Cường) - 0988 603 020( A.Thường)
- Công ty xe máy Bình Minh:
+ Địa chỉ: 82 Thạch Lam, Sơn Trà, Đà Nẵng (gần bãi biển Mỹ Khê)
+ SĐT: 0986 862 986 – 0938.006.843 (Anh Khoa)
TripHunter hướng dẫn bạn đường đi: TP Hội An cách Đà Nẵng khoảng 30 km, từ đây có 2 hướng để đến được Hội An.
1. Theo QL1 về phía nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km. Vào Hội An theo đường Huỳnh Thúc Kháng có thể ghé thăm Tháp Chàm Bằng Anh ở Vĩnh Điện.
2. Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ trung tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, ghé thăm Ngũ Hành Sơn, đến Hội An khoảng 30km.
Lưu ý: Trong phố cổ Hội An thường có những giờ cấm xe máy, nếu bạn di chuyển bằng xe máy có thể gửi ở các bãi gửi xe rồi đi bộ, hoặc thuê xe đạp, xích lô để đi trong phố cổ.
Xe buýt
- Xe khởi hành từ bến xe khách Đà Nẵng đến bến xe khách Hội An (cách trung tâm phố cổ chưa đầy 1 km).
- Tuyến muộn nhất là gần 17h50. Mỗi chuyến cách nhau 20 phút.
- Giá vé 20.000 đồng/người.
Di chuyển tại Hội An - Xe đạp
Hội An khuyến khích người dân và khách du lịch tham gia giao thông xanh, cụ thể là xe đạp. Đến Hội An, bạn sẽ thấy nhiều xe đạp lưu thông trên đường hơn bất cứ thành phố du lịch nào khác ở Việt Nam.
Phố xá Hội An tĩnh lặng, nhỏ nhắn, rất phù hợp thong dong đạp xe du ngoạn phố cổ.
Một số địa chỉ cửa hàng cho thuê xe đạp:
- Cửa hàng anh Lê Văn Trung:
+ Địa chỉ: 15/1 Trần Hưng Đạo (đối diện khách sạn Hội An)
+ SĐT: 0905 892 315 (Anh Trung)
+ Số lượng xe tại cửa hàng: 50 chiếc
+ Giá thuê xe 1 ngày: số lượng thuê từ 1 đến 10 chiếc: 30.000đ/chiếc
số lượng thuê từ 10 đến 50 chiếc: 25.000đ/chiếc
- Cửa hàng chị Nguyễn Thị Kim Loan:
+ Địa chỉ: 129 Trần Hưng Đạo (trước khách sạn Thiện Trung)
+ SĐT: 0905 710 907 (chị Loan)
+ Số lượng xe tại cửa hàng: 30 chiếc
+ Giá thuê xe 1 ngày: 1 USD
- Cửa hàng cho thuê xe đạp trước Khách sạn Hướng Dương:
+ Địa chỉ: 397 Cửa Đại
+ Giá thuê xe 1 ngày: thỏa thuận
+ Số lượng xe tại cửa hàng: 40 chiếc
Lịch trình tham khảo
Bạn chỉ việc đi và tận hưởng, lịch trình để TripHunter lo nhé! Tha hồ chọn lịch trình hay tại đây: Lịch trình chi tiết Hội An