Cẩm nang du lịch Sa Pa từ A đến Z - Mới nhất 2019 - TripHunter

Cẩm nang du lịch Sa Pa từ A đến Z - Mới nhất 2019

Đăng ngày 12/10/2018 | Bởi Admin

Giới thiệu chung

Gioi Thieu Chung Sa Pa Triphunter

Sa Pa là một khu nghỉ mát nổi tiếng mà bất cứ ai cũng muốn khám phá bởi vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng. Với phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời, cảnh sắc thơ mộng, ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên. Sa Pa có địa hình núi đồi, rừng cây xanh ngát, và đặc biệt nhất là những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, tạo nên bức tranh độc đáo của vùng đất trời Tây Bắc. Khí hậu quanh năm mát mẻ cũng trở thành một điều kiện thuận lợi để Sa Pa thu hút khách du lịch gần xa. 

Không chỉ đẹp về thiên nhiên, Sa Pa còn được nhắc đến bởi những nét đẹp văn hóa với các lễ hội đầy màu sắc, nổi tiếng nhất là chợ tình Sa Pa. Và khi đến với miền đất vùng cao này, bạn sẽ còn được thưởng thức những đặc sản như thắng cố, thịt lợn cắp nách, các loại rau rừng, rượu táo mèo,... mang hương vị đặc trưng của miền núi.

Sa Pa nằm ở phía Bắc Việt Nam, cách thị xã Lào Cai 38 km và cách Hà Nội 376 km. Nơi đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Hoa.

Thời điểm nào thích hợp đi Sa Pa?

Thời tiết Sa Pa dễ chịu, ngày nắng khô, đêm lạnh. Đến Sa Pa thời điểm nào trong năm cũng đều đẹp.
  •    Tháng 2 - tháng 4 là lúc mùa xuân về. Mùa xuân ở Sa Pa với vô số các loài hoa sẽ mang đến cho bạn sự thích thú, ngạc nhiên và thấy tâm hồn thư thả hơn. Những rừng hoa mận trắng tinh khiết hay những rừng hoa anh đào với màu hồng phấn sẽ để lại cho bạn nhiều ấn tượng khó phai.
  •    Tháng 3 - tháng 5 là lúc người dân tộc cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Khắp nơi ngút ngát một màu xanh mướt mát.
  •    Tháng 9 - tháng 11 là thời điểm đẹp nhất mà rất nhiều du khách săn ảnh. Đây là lúc ruộng bậc thang lúa chín vàng rực. Vào thời điểm này, đất trời, thiên nhiên Sa Pa như được khoác lên màu áo mới, một màu vàng óng trải rộng khắp núi rừng.
  •    Tháng 12 - tháng 2 trời rất lạnh, có thể xuất hiện băng và thỉnh thoảng có tuyết rơi. Đây cũng là mùa hoa đào nở.
  •    Các thời điểm đông khách ở Sapa:

             - 30/4, 1/5 rất đông và cái gì cũng đắt.

             - 2/9 đắt nhưng không quá đông, hơn nữa mùa này du lịch Sa Pa cực đẹp nên bạn cần đặt vé xe, đặt phòng sớm nếu đi du lịch vào thời điểm này.

             - Trung tuần tháng 7 âm lịch là mùa lễ Vu lan báo hiếu, Lào Cai có đền Ông Bảy nên rất đông.

             - Cuối tuần tháng 8, 9 vì rất nhiều khách Tây Ban Nha thường sang đoàn lớn, đặt trước cả năm.

Lưu ý:
  • Hiện nay, Sa Pa đã bị du lịch hóa và "đồng tiền hóa" nhiều, giá cả tương đối cao hơn các vùng khác. Ngoài ra, điều đáng buồn là nhiều trẻ con dân tộc nơi đây vòi tiền, bánh kẹo khi du khách chụp hình chung với chúng, thậm chí bỏ học lê la ở các chợ để xin tiền du khách. Bạn có thể cho chúng bánh kẹo, nhưng đừng cho tiền, đừng làm hỏng những tâm hồn trẻ thơ vùng cao, khi mà du lịch hóa ngày càng xâm chiếm khắp vùng đất nơi chúng sinh trưởng.
  • Những đặc sản địa phương là những món quà lưu niệm tuyệt vời nhất dành cho bạn. Trong chuyến du lịch Sa Pa, bạn có thể mua về cho mình những sản vật địa phương như nấm hương 

Những điểm đến không thể bỏ qua ở Sa Pa

Bản Cát Cát

1 Ban Cat Cat Sa Pa Triphunter

Qua chợ cũ Sa Pa, theo con đường hướng về núi Fansipan, đi bộ khoảng 2,5 km bạn sẽ tới bản Cát Cát - một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách nhất của Sa Pa. Đây là làng của người Mông với các nghề truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải. Bạn sẽ có cơ hội tham quan những ngôi nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người Mông. 

Nếu có nhiều thời gian ở lại bản Cát Cát, bạn sẽ có dịp khám phá và tìm hiểu về các món ăn độc đáo của người Mông như: rượu ngô Mông, thắng cố, thịt hun khói, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, món đậu xị...

Không chỉ có thế, nếu đến bản vào những ngày đầu năm, bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hội Gầu Tào của người dân bản. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, với mục đích cầu phúc, cầu mệnh, mang đậm nét văn hóa người dân tộc Mông.

Giá vé tham khảo: Người lớn 70.000 đồng và trẻ em 30.000 đồng.

Bản Tả Phìn

Bản Tả Phìn cách trung tâm Sa Pa 12 km về hướng Lào Cai. Bạn có thể lái xe máy đến đây để cảm nhận trọn vẹn nhất cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ. 

Đến đây, bạn còn có thể tắm lá thuốc người Dao Đỏ có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Theo truyền thống, vào những ngày cuối năm, người Dao thường lên rừng lấy những cây lá thuốc về nấu nước tắm để đón năm mới.  

Núi Hàm Rồng

2 Nui Ham Rong Sa Pa Triphunter

Núi Hàm Rồng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nằm ngay trung tâm thị trấn Sa Pa. Từ trên đỉnh núi bạn có thể ngắm được toàn cảnh thị trấn sương mù đẹp ngỡ ngàng với sắc hoa tươi thắm, mây núi bồng bềnh và cảnh hoàng hôn khi các bản làng chìm vào mộng mơ với khói bếp lan tỏa trong không gian thanh vắng. 

Cổng Trời

3 Cong Troi Sapa Triphunter

Cổng Trời là một địa điểm nổi tiếng của Sa Pa. Sở dĩ có tên như vậy là vì đây là điểm cao nhất của đường bộ Sa Pa. Cách thị trấn Sa Pa 18 km. Đường lên Cổng Trời quanh co khúc khuỷu với nhiều khúc cua gấp, nhiều đoạn đường hẹp, một bên là vách núi cao sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm. 

Đứng giữa cổng trời Sa Pa, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc và thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ô tô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc.

Chợ phiên Sa Pa

4 Cho Phien Sa Pa Triphunter

Chợ phiên là một nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng cao. Chợ phiên thường họp vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Bạn sẽ được khám phá văn hóa của nhiều dân tộc, ngắm những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ của các thiếu nữ vùng cao hay thưởng thức bát rượu ngô và lẩu thắng cổ thơm ngậy.

Nhà thờ đá Sa Pa

Nha Tho Da Sa Pa Trip Hunter

Nhà thờ đá được xem là một biểu tượng của Sa Pa. Nhà thờ nằm ở một vị trí đắc địa ngay trung tâm thị trấn với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng. Đây không chỉ là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn có phiên chợ tình độc đáo vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần.

Tu viện cổ Tả Phìn

6 Toan Canh Tu Vien Co Ta Phin Sa Pa Triphunter

Tu viện cổ Tả Phìn là tu viện người Pháp xây vào năm 1942 làm nơi ở của các nữ tu theo dòng khổ hạnh của Hội thánh Kito giáo. Năm 1945, đoàn nữ tu về Hà Nội và tu viện bị bỏ hoang từ đó đến giờ.

Thung lũng Mường Hoa

7 Thung Lung Muong Hoa Sa Pa Triphunter

Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 đồng/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa.
Thung lũng Mường Hoa có bãi đá cổ nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang. Nơi đây còn có con suối nhỏ tên là suối Hoa trải dài khoảng 15 km qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.

Suối nước khoáng Tắc Kô

Suối nước khoáng Tắc Kô là một mạch nước nằm bên đường vào khu thị trấn Sa Pa. Dòng nước trong vắt, ngọt, mát, có thể dùng giải khát và chữa bệnh. Ngay bên cạnh bờ suối có một cây đa cổ và một ngôi nhà phủ đầy rêu phong tạo nên khung cảnh thiên nhiên hư hư thực thực.

Lầu Vọng Cảnh

8 Lau Vong Canh Sapa Triphunter

Cách thị trấn 2 km và nằm trên đường xuống bản Cát Cát là Lầu Vọng Cảnh. Từ trên lầu của quán cafe này, bạn sẽ được ngắm toàn cảnh thị trấn Sa Pa, bản Cát Cát và dãy Hoàng Liên Sơn. Đây là nơi có khung cảnh đẹp nhất Sa Pa.

Cầu Mây

9 Cau May Sa Pa Triphunter

Cầu Mây được kết bằng các sợi dây mây bắc qua dòng suối Mường Hoa. Cầu Mây cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17 km về phía đông nam. Vào những ngày có sương, cây cầu được bao phủ bởi lớp sương trắng bồng bềnh, đi trên cầu như đi trên mây. Tên cầu được đặt vì lẽ đó.
Giá vé chụp hình 10.000đ/người

Khám phá ẩm thực Sa Pa

Cá hồi Sa Pa

10 Ca Hoi Sa Pa Triphunter

Loại cá hồi tại Sa Pa chủ yếu là cá hồi Vân, hay còn gọi là cá hồi Ráng có xuất xứ từ châu Á, được nuôi ở khu Thác Bạc. Đây là một đặc sản vừa ngon vừa bổ dưỡng. Cá có vị ngon đậm đà, thịt săn chắc có màu hồng đẹp, không có chút mỡ, chế biến được nhiều món ngon như gỏi, cháo, nướng, hấp, hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột và đặc biệt là lẩu cá hồi. 

Một nồi lẩu cá hổi nóng hổi với nước dùng ninh bằng xương cá nên rất ngọt kèm theo các loại củ, dứa chín thái miếng, cà chua, sốt lẩu chua cay, nhúng kèm với rau cải mèo, rau su su. Nếu đến Sa Pa du lịch, bạn đừng bỏ lỡ món ăn hấp dẫn này nhé. Một nồi lẩu cá hồi khoảng 500.000 – 600.000 đồng (3 - 4 người ăn).

Địa chỉ:
  • Nhà hàng Song Nhi - Thác Bạc, Sa Pa
  • Nhà hàng Thác Bạc - Km 12 khu du lịch Thác Bạc, Sa Pa
  • Hoa Đào - 48 Lê Văn Tám, Sa Pa

Cá tầm Sa Pa

Đây là loại cá xương sụn, da dày, thịt cá chắc, không mỡ. Một trong những món ăn được chế biến từ cá tầm rất nổi tiếng là lẩu cá tầm, ăn kèm với rau rừng, ngô chiên giòn hoặc khoai hấp, nướng.
Địa chỉ:
  •    Hoa Đào - 48 Lê Văn Tám, Sa Pa
  •    Nhà hàng Song Nhi - Thác Bạc, Sa Pa
  •    Nhà hàng Thác Bạc - Km 12 khu du lịch Thác Bạc, Sa Pa
Đồ nướng Sa Pa
11 Dac San Mon Nuong Sa Pa Triphunter
Khi màn đêm buông xuống, Sa Pa rất lạnh, vì thế đồ nướng luôn là món ăn thu hút nhiều khách du lịch nhất. Từ những loại ngô, khoai, sắn, hột gà nướng đến những món mang đậm đà hương vị Tây Bắc như thịt bò cuốn cải mèo, cá suối nướng, cơm lam… đều được trình bày bắt mắt, kích thích dạ dày của du khách. Các món ăn này được bày bán khắp mọi nơi trong khu du lịch.
Địa chỉ:
  •   Khu đồ nướng phố Cầu Mây (đường xuống chợ Sa Pa) - Phố Cầu Mây, Sa Pa
  •   Khu vực hồ Sa Pa
  •   Chợ Sa Pa

Thịt lợn cắp nách

Thịt lợn cắp nách là đặc sản chỉ có ở vùng cao. Đây là giống lợn thuần chủng và được nuôi thả rông. Chính vì thế thịt lợn cắp nách rất săn chắc, thơm và nhiều nạc. Sở dĩ có tên gọi “lợn cắp nách” là vì những con lợn này rất nhỏ, khi trưởng thành cũng chỉ có 4 - 5 kg nên kẻ bán người mua chỉ cẩn cắp nách đi là xong. Có nhiều cách chế biến lợn cắp nách thành đặc sản như tiết canh, luộc, hấp, nướng, hun khói, xào… Đặc biệt, thịt lợn cắp nách tẩm ướp gia vị rồi nướng hoặc quay nhâm nhi với rượu táo mèo là ngon nhất.
Địa chỉ:
  •    Nhà hàng Biển Mây - 031 Xuân Viên, Sa Pa
  •    Nhà hàng A Quỳnh - 15 Thạch Sơn, Sa Pa
  •    Nhà hàng Anh Dũng - 69 Xuân Viên, Sa Pa

Thắng cố 

12 Thang Co Dac San Sap Pa Triphunter

Thắng cố gồm có thịt ngựa, lòng, tim, gan, tiết ngựa và 12 thứ gia vị thảo quả và nhiều gia vị gia truyền. Trong đó, cây thắng cố là gia vị thứ 12. Món thắng cố được chế biến khá đơn giản. Thịt và nội tạng ngựa được rửa sạch, ướp gia vị. Người nấu dùng một cái chảo lớn cho tất cả nguyên liệu vào xào cho đến khi miếng thịt se lại thì đổ nước vào ninh hàng tiếng đồng hồ trên bếp than hồng rực. Các bộ phận như lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương được cho vào sau cùng và đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau.

Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa bỏ vào, ăn kèm với tương ớt Mường Khương và các loại rau như cải mèo, ngồng su hào, cải lẩu… Nếu thực khách được uống chút rượu ngô khi ăn thắng cố thì không còn gì bằng.

Địa chỉ:

  •    Nhà hàng Khám Phá Việt - 15 Thạch Sơn, Sa Pa
  •    A Quỳnh - 15 Thạch Sơn, Sa Pa
  •    Moment Romantic - 026 Mường Hoa, Sa Pa

Xôi ngũ sắc 

Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Tày, được nấu trong các dịp lễ Tết hoặc khi nhà có khách quý. Xôi gồm 5 màu chính: trắng của gạo; đỏ của quả gấc; vàng của nghệ; xanh của vỏ bưởi, lá rừng; tím của lá cơm đen hoặc lá cây sau. Các màu tượng trưng cho ngũ hành: trắng là kim, xanh là mộc, tím (thay cho đen) là thủy, đỏ là hỏa và vàng là thổ. 

Xôi được chế biến theo 2 cách: đồ từng màu xôi hoặc đồ các màu chung với nhau tạo nên màu sơn thủy. Màu xôi càng đẹp thì người Tày tin rằng cả năm sẽ làm ăn càng phát đạt, thịnh vượng.
Địa chỉ:
  •    Phố Cầu Mây
  •    Chợ Sa Pa

Gà đen nướng mật ong

Gà đen hay còn gọi là gà ác có thân hình rất nhỏ, mỗi con chỉ tầm 0.5kg và có màu đen giống như tên gọi. Thịt gà săn chắc, thơm, dai, giòn và ngon, có thể chế biến ra nhiều món ngon như rán, xào, hấp, luộc. Song món ngon nhất phải kể đến là gà đen nướng mật ong rừng. Thịt nướng ra lò nóng hổi, thơm lừng, ăn kèm với một chút lá bạc hà the the, chấm với ít muối tiêu chanh chua chua mặn mặn.


Địa chỉ:
  •    Lacasa Viet Cuisine Restaurant - 14 Cầu Mây, Sa Pa
  •    Hoàng Minh - 23 - 24 khu ẩm thực Sa Pa, Sa Pa

Cơm lam

Cơm lam được làm từ gạo nếp nương, vừa thơm vừa dẻo. Ngoài gạo, ống trúc hoặc ống nứa là thành phần không thể thiếu khi nấu cơm lam. Gạo được ngâm trước 2 tiếng, sau đó cho vào ống khoảng 3 phần nếp, 2 phần nước lạnh và thêm một chút muối để cơm đậm đà hơn. Cuối cùng đậy kín miệng ống bằng lá chuối đã hơ se và đặt trên bếp lửa.
Khi ăn, cắt ống cơm lam từng khúc nhỏ, chấm muối vừng (muối mè) hoặc ăn kèm với món thịt rừng nướng.

Rượu San Lùng

Rượu San Lùng là thứ rượu đặc sản của người Dao Đỏ xuất phát từ bản San Lùng. Rượu có màu trong suốt, mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà. Khi uống có cảm giác lâng lâng, sảng khoái mà không bao giờ bị đau đầu. Rượu có đủ các vị thảo dược của núi rừng như vị phòng chống lạnh, trừ cảm, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, đau đầu…
Địa chỉ:
  •    - Chợ phiên người Dao Đỏ
  •    - Thôn San Lùng - xã Bản Xèo (Bát Xát)

Rau cải mèo Sa Pa

14 Cai Meo Sa Pa Triphunter

Cải mèo Sa Pa thuộc họ rau có bẹ, lá dài màu xanh sẫm, viền lá khuyết nhọn, có hình dáng giống như cải bẹ xanh, cải ngọt ở miền xuôi. Đây là một loại rau sạch, mọc hoang và sống được nhiều nơi, trên mọi loại đất vùng núi. 

Cải có vị ngon và đặc biệt giòn nên phong phú về cách chế biến từ xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Món canh này rất tốt cho những ngày đông hoặc để giải rượu.

Rau su su

Su su là một loại rau được trồng nhiều ở Sa Pa, ngon có tiếng trên cả nước với vị ngọt, bùi bùi và giòn hơn ở những nơi khác. Ngọn su su được chế biến thành các món ăn ngon như ngọn su su xào tỏi, xào với thịt hun khói, làm lẩu, nộm; quả su su thì nấu canh, luộc... 

Còn đối với quả su su thì không cần gọt vỏ, chỉ cần rửa sạch, cắt thành miếng vừa ăn, luộc chín, chấm muối vừng thì mới cảm nhận hết vị ngon của nó.

Nấm hương Sa Pa

Nấm hương Sa Pa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng có vị giòn và giữ được mùi thơm tự nhiên khi xào nấu.
Nấm hương tươi có thể chế biến được rất nhiều món ngon như canh gà hầm nấm, gà xào hành nấm, súp nấm, bò xào nấm… Nấm hương khô có thể bảo quản được lâu, thích hợp cho du khách mua về làm quà. 

Nấm khô Sa Pa cánh mỏng, màu sáng chứ không sẫm như nấm trồng, mang mùi hương thơm tự nhiên, dịu nhẹ.

Hạt dẻ rừng (hạt hạnh nhân)

15 Hat De Sa Pa Triphunter

Hạt dẻ có hàm lượng dinh dưỡng rất phong phú, tốt cho sức khỏe. Đến Sa Pa, bạn sẽ được thưởng thức hai món ăn nổi tiếng làm từ hạt dẻ là hạt dẻ nướng và hạt dẻ rang bơ.

Đào Sa Pa

Đào to, căng tròn, được bao phủ một lớp lông mỏng màu cẩm thạch, pha lẫn những vết màu huyết dụ lấm chấm đen. Đào có vị chua thanh, chát chát, ngòn ngọt, mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. 

Du khách có thể bắt gặp nhiều nơi bán đào tại Sa Pa và nên mua rọ đựng đào chứ không dùng túi giấy hay bọc ni-lông vì quả đào sẽ bị dập nát, vỏ xám xịt khi được vận chuyển về tới nhà.

Mắc cọp

Mắc cọp hay còn được gọi là lê Sa Pa là một loại quả nhỏ, vỏ xù xì, khi ăn có vị chua nhẹ, thanh mát. Mùa ra quả của mắc cọp là vào tháng 9, giá tầm 20.000 đồng/kg.

Táo mèo

Hiện nay, rừng Sa Pa không còn nhiều loại táo mèo, chủ yếu mọc ở dãy Hoàng Liên Sơn. Táo mèo có kích thước nhỏ, màu hồng phấn hoặc vàng trong, mùi rất thơm và ăn có vị chua chua chát chát. 

Đây là loại quả rất tốt cho sức khỏe, chữa được nhiều bệnh. Người ta thường mua táo mèo về ngâm rượu, để dành sử dụng.

Rượu táo mèo

Đây là loại rượu dân dã nhưng độc đáo, được nhiều người ưa thích vì không những có mùi vị đặc trưng, mà còn có tác dụng an thần. Rượu có màu nâu sóng sánh, mới uống có cảm giác như nước có ga nhưng càng về sau càng ngất ngây với men say của rượu. Những bình rượu được ủ từ quả táo mèo có vị chua ngọt và chát đắng, mang hương vị rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Địa chỉ:
  •    Chợ phiên người Mông
  •    Chợ Sa Pa

Thuốc Nam, thuốc Bắc

Các gói thuốc được làm từ những loại thảo mộc khô, rất tốt cho sức khỏe, chữa được nhiều loại bệnh như mất ngủ, gan, thận, tiểu đường…

Những khách sạn, homestay có view đẹp tại Sa Pa

Sapa Jade Hill Resort 

16 Sapa Jade Hill Resort Sa Pa Triphunter

Sapa Jade Hill Resort nằm trên một ngọn đồi cao, bao quanh khu vực này là những dãy núi xanh mướt lững lờ mờ sương phủ. Có những ngày trời lạnh, bạn có thể cảm nhận được sương mù giăng ngập lối đi, rất đẹp và ảo diệu vô cùng.

Địa chỉ: Ly Village, thị trấn Lao Chải, Tả Vân, Sa Pa

BB Hotel

17 Bb Hotel Sa Pa Triphunter

Nằm ngay trên phố Cầu Mây, con phố đông đúc nhất của Sapa, BB Hotel (tên cũ là U Sapa Hotel) là một trong những khách sạn có vị trí đẹp nhất thị trấn sương mù. Khách sạn này được thiết kế theo kiến trúc cổ của phương Tây kết hợp với vẻ đẹp hiện đại, là sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp xinh đẹp xen lẫn bản sắc địa phương.

Địa chỉ: 8 Phố Cầu Mây, Sa Pa

Amazing Sapa Hotel

18 Amazing Sapa Hotel Sa Pa Triphunter

Amazing Sapa ở vị trí khá trung tâm ở Sa Pa khi rất gần các điểm đến nổi tiếng như nhà thờ đá Sa Pa và quảng trường trung tâm Sa Pa và cách hồ Sa Pa 500 m. Ngoài ra, khách sạn còn thu hút du khách bởi không gian kiến trúc và quang cảnh thiên nhiên cực đẹp.

Địa chỉ: Đông Lợi, Sa Pa

Bamboo Sapa Hotel

19 Bamboo Sapa Hotel Triphunter

Khách sạn Bamboo Sapa được xây dựng tại địa điểm có thể nói là đẹp nhất Sa Pa hiện nay. Lưng tựa lưng vào núi Hàm Rồng, hướng nhìn ra dãy núi Fansipan và thung lũng Mường Hoa thơ mộng nên chẳng có gì lạ khi khách sạn này sở hữu góc view vừa rộng, vừa đẹp.

Địa chỉ: 18 Mường Hoa, Sa Pa

Topas Ecolodge

20 Topas Ecolodge Sa Pa Triphunter

Cách thị trấn Sa Pa khoảng 1 tiếng đi xe, khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge hiện lên giữa một khung cảnh thiên nhiên đẹp tựa bức tranh với mây núi mờ ảo làm ngây ngất lòng người. Trên một ngọn đồi xanh mướt, Topas Ecolodge gồm 25 bungalow được xây bằng đá granite trắng, lợp lá cọ xinh xắn và vô cùng hài hòa với cảnh quan tươi đẹp xung quanh.

Địa chỉ: Thôn Bản Lếch, xã Thanh Kim, Bản Hồ, Sa Pa

Sali House

Cách Sa Pa chỉ 20 phút đi xe, nằm cuối bản Tả Van, Sali House sở hữu cái tên “tây tây”, dễ nhớ và thân thương như chính bản thân của nó vậy. Ở bất kỳ vị trí nào của homestay, bạn cũng có thể phóng tầm nhìn ra thiên nhiên xanh mướt.

Địa chỉ: Tả Van, Sa Pa

Phơri’s House

21 Phơri’s House Sa Pa Triphunter

Phơri’s House là một ngôi nhà nhỏ xinh nằm trong bản Tả Van, cách thị trấn Sapa chừng 10 km. Trước nhà có con suối nhỏ róc rách, vào ngày không mưa bạn có thể ra trước suối ngồi lên tảng đá to đùng dựa lưng vô đọc sách. Tầm chiều có thể đi bộ một chút lên cao hơn, ngồi bệt xuống một thửa ruộng nào đấy và ngó xuống ruộng bậc thang mênh mông dưới tầm mắt, ngắm khói lam chiều… một cảm giác bình yên không thể nào diễn tả bằng lời được.

Địa chỉ: Tả Van, Sa Pa

Phương tiện di chuyển

Tàu hỏa

 - Tuyến TP HCM - Hà Nội
+ Địa chỉ ga Sài Gòn: 01 Nguyễn Thông, P. 9, Q. 3, TP HCM
+ Điện thoại: (028) 3 9318 952
 - Tuyến Hà Nội - Lào Cai
+ Địa chỉ ga Hà Nội: 120 Lê Duẩn, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
+ Điện thoại: (024) 3 9423 697
+ Giờ chạy: Tại Hà Nội: đi 22h đến 6h30
    Tại Lào Cai: đi 21h10 đến 5h22
Tàu lên tới ga Lào Cai, các bạn có thể đón xe khách hoặc xe buýt (30.000đ) đi tới nhà thờ đá.
Nếu các bạn đã đặt khách sạn ở Sa Pa thì có thể nhờ khách sạn đưa xe xuống ga đón hoặc đặt dịch vụ này ở khách sạn.

Lưu ý:
  •   Nên đặt vé sớm, trước 10 ngày đối với ngày thường và khoảng 1 tháng đối với ngày lễ, Tết và nên đặt vé khứ hồi vì chiều Sa Pa – Hà Nội đặt vé sẽ khó khăn hơn
  •   Nên cân nhắc đặt vé giường nằm thay vì ghế ngồi vì vé giường nằm tuy có đắt hơn đôi chút nhưng sẽ giúp bạn hoàn toàn thoải mái trong suốt chuyến đi.

Xe khách

Giá vé dao động từ 220.000 – 250.000 đồng/lượt. Ưu điểm của đi xe khách là đến thẳng thị trấn Sapa chứ không dừng ở trạm nào cả, xe cũng chạy chuyến đêm như tàu hỏa. Tuy nhiên, đi bằng xe khách có thể gặp trở ngại vào mùa mưa. Ngoài ra, đường lên Sa Pa, Lào Cai có khá nhiều đèo dốc gập ghềnh.
 1. Xe Sao Việt:
    - Tại Hà Nội
+ Số 789 đường Giải Phóng: (024) 3763 8638 – (024) 3668 6358
+ Số 7 Phạm Văn Đồng: (024) 3768 7687
+ Bến xe Mỹ Đình: (024) 3995 8627
+ Bến xe Giáp Bát: (024) 8586 7815
    - Tại Sapa:
+ 69 phố Xuân Viên, thị trấn Sapa: (0214) 3509 689
+ Giá vé: 250.000đ/người
2. Xe Vietbus
    - Hà Nội:
+ 284 Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội: (024) 3627 2727
    - Sapa:
+ Số 1 Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa: (0214) 3887 733
3. Xe Hưng Thành
    - Tại Hà Nội
+ Bến xe Mỹ Đình: 0989 294 294
+ 287 Trần Khát Chân: (024) 3633 7575
+ 39 Cầu Giấy: (024) 3766 6199
+ 162B Trần Quang Khải: (024) 3927 4285
    - Tại Sapa:
+ SĐT: 0988 287 630
+ Giá vé: 220.000 đồng/lượt

Di chuyển tại Sa Pa

Thuê xe máy khi đến Sa Pa là lựa chọn phù hợp nhất để bạn có thể khám phá tất tần tật về thành phố này. Ở Sa Pa, bạn sẽ dễ dàng thuê được xe máy với giá dao động 150.000 đồng/ngày. 

Ngoài ra, nếu không rành đường cũng như tay lái không vững thì bạn có thể nhờ các bác xe ôm chở đi các địa điểm nổi tiếng với giá cả tự thỏa thuận hoặc có thể tham gia các tour du lịch ở các khách sạn mà bạn đã đặt phòng.

Lịch trình tham khảo

Bạn chỉ việc đi và tận hưởng, lịch trình để TripHunter lo nhé! Tha hồ chọn lịch trình hay tại đây: Lịch trình Sa Pa chi tiết

Bình luận (0)