Kinh nghiệm phượt Hà Giang bằng xe máy siêu chi tiết
Nói đến Hà Giang người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp hùng vĩ của rừng núi nơi địa đầu của tổ quốc. Núi rừng Tây Bắc luôn để lại cho khách vãng lai những cảm xúc khó tả khi ngang qua miền đất này. TripHunter chia sẻ cho bạn kinh nghiệm phượt Hà Giang bằng xe máy siêu chi tiết ngay sau đây.
1. Hà Giang ở đâu?
Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam. Nơi đây có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Hà Giang có rất nhiều những thắng cảnh nổi tiếng phải kể đến như cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, Mèo Vạc, núi đôi Quản Bạ, dinh họ Vương… và nơi đây còn có những lễ hội rất đặc sắc của các dân tộc
2. Phượt Hà Giang mùa nào đẹp nhất?
Nếu bạn chưa đến Hà Giang lần nào thì có thể sắp xếp lịch đi phượt Hà Giang từ Hà Nội theo khoảng thời gian mà mình rảnh rỗi bởi Hà Giang là một điểm đến mà theo như dân phượt đánh giá là “mùa nào cũng đẹp”. Nhiều du khách thích đến Hà Giang dịp cuối năm tầm từ khoảng tháng 9 đến tháng 3 bởi trong khoảng thời gian này, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của Hà Giang vào mùa lúa chín, mùa hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa đào, hoa mận.
- Trước và sau Tết âm lịch: đến Hà Giang mùa này, bạn sẽ được cảm nhận không khí vui tươi nơi ruộng đồng, ngắm nhìn hoa đào, hoa lê ê ấp rồi nở rộ.
- Tháng 6-8: thời tiết mát mẻ, có nắng, là thời điểm cực thích hợp để bạn khám phá những cao nguyên đá hùng vĩ, bạt ngàn.
- Tháng 9: mùa lúa chín vùng cao. Hà Giang chìm ngập trong sắc vàng rực, không khí lao động hăng say và ánh mắt vui tươi của đông bào dân tộc.
- Tháng 10-11: mùa hoa tam giác mạch. Khoảng tuần thứ 3 của tháng 10 cho đến đầu tháng 11 là thời gian hoa nở đẹp nhất.
- Tháng 12: đến Hà Giang cảm nhận cái lạnh tê tái cùng tuyết rơi nơi vùng núi phía Bắc hun hút. Bạn có thể nhấp nháp một chén rượu ngô đậm, ngồi bên bếp lửa hồng, húp một bát cháo nóng,…còn gì tuyệt hơn nữa?
3. Đi phượt Hà Giang bằng xe máy cần chuẩn bị gì?
- Theo kinh nghiệm phượt Hà Giang bằng xe máy của Triphunter, ban chỉ nên dừng ở Tp Hà Giang để đảm bảo an toàn. Khi lên đến Tp Hà Giang cũng khoảng 4-5h chiều, lúc này nếu di chuyển tiếp lên Quản Bạ thì khả năng cao sẽ gặp thời tiết sương mù ở ngay đoạn Quyết Tiến.
- Chỉ nên tự lái xe đi lại ở Hà Giang nếu bạn đi xe máy khá vững, tốt nhất là có kinh nghiệm đi xe máy đường núi bởi ở Hà Giang có nhiều các đoạn cua tay áo, rất nguy hiểm khi xuống dốc.
- Nếu thuê xe máy ở Hà Giang, hãy luôn nhớ kiểm tra xe trước khi nhận. Xe phải có ít nhất 1 gương trái (khuyến khích nên có 2 gương để có tầm nhìn phía sau tốt).
- Hãy sử dụng mũ bảo hiểm kín ít nhất 3/4 đầu để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không dùng những loại mũ bảo hiểm rẻ tiền, chất lượng thấp. Hãy nhớ, tính mạng các bạn là trên hết.
- Nếu xuất phát từ Tp Hà Giang, hãy đổ đầy xăng ở Tp Hà Giang, Yên Minh, Đồng Văn và đổ thêm một ít ở Quản Bạ trong ngày về, bạn sẽ không bị thừa quá nhiều xăng khi trả xe.
- Vào những ngày có nhiều sương mù, mưa phùn, các bạn tuyệt đối không đi trên đường quá muộn (khoảng 5-6h chiều), tốt nhất hãy cố gắng đến điểm kết thúc hành trình khi trời vẫn còn sáng. Hà Giang có một số đoạn đường mà khi mù tầm nhìn vô cùng hạn chế, rất nguy hiểm khi di chuyển.
- Vào mùa cao điểm, luôn đặt phòng khách sạn/nhà nghỉ/homestay cũng như vé xe khách giường nằm trước thời điểm đi khoảng 5-7 ngày để đảm bảo được giữ chỗ. Gần đến ngày đi hãy gọi điện xác nhận lại.
- Giấy tờ tuỳ thân: giấy phép lái xe, CMND, thẻ ATM,…là những thứ bạn cần mang theo trong bất kì hành trình nào.
- Đồ dùng cá nhân: do điều kiện vùng núi khắc nghiệt và cơ sở vật chất còn thiếu thôn, bạn nên chọn những trang phục phù hợp, thoải mái, ít bám bẩn, nên mặc nhiều lớp để dễ dàng thay đổi theo thời tiết. Thời tiết Hà Giang thay đổi thất thường, buổi tối trời thường lạnh, bạn nên chuẩn bị thêm áo khoác, áo mưa, găng tay, và đồ bảo hộ đầy đủ khi đi xe máy nhé.
4. Lịch trình phượt Hà Giang bằng xe máy
Từ nội thành Hà Nội đi đến Láng - Hòa Lạc, theo hướng Đại lộ Thăng Long. Sau đó đi theo hướng Quốc lộ 21 lên Sơn Tây. Từ Sơn Tây qua cầu Trung Hà đến Cổ Tiết rồi qua cầu Phong Châu đi đường 32 đến địa phân tỉnh Phú Thọ bạn rẽ trái vào QL2. Sau đó, bạn tiếp tục chạy thẳng đến vòng xuyến tại quốc lộ 2C, Hàm Yên, Tuyên Quang. Đến đây, bạn cứ tiếp tiếp tục cuộc hành trình như hướng dẫn ở tuyến đường thứ nhất là sẽ tới được tỉnh Hà Giang.
Từ thành phố Hà Giang 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc
- Huyện Quản Bạ cách 56,5 km
- Huyện Yên Minh cách 97 km
- Huyện Đồng Văn cách 127 km
- Huyện Mèo Vạc cách 150 km
Đây là các huyện chính sẽ diễn ra Lễ hội hoa tam giác mạch 2019.
5. Lưu ý khi đi phượt Hà Giang
- Mang theo quần áo ấm, nên là áo khoác có mũ để dễ thích nghi với thời tiết ở hai huyện vùng cao là Đồng Văn, Mèo Vạc.
- Mang theo một túi thuốc nhỏ gồm dầu gió, cao dán, thuốc cảm cúm, thuốc nhỏ mắt.
- Mang theo áo mưa và bơm xe chuyên dụng (loại bơm nhỏ, chuyên dành cho du lịch)
- Mang theo một ít lương khô, bánh quy sẵn tiện trong ba lô, phòng trường hợp đói, mệt trên đường đi.
- Lưu sẵn trong danh bạ điện thoại các số cần thiết: Quán ăn, nhà nghỉ trong kế hoạch, số điện thoại của người dẫn đoàn (nếu đi theo nhóm), công an Hà Giang.
- Ngoài ra, trước chuyến đi cần chuẩn bị tốt tinh thần - sức khỏe, người cầm lái nên là người có kinh nghiệm. Trong hành trình, nên chạy xe tốc độ vừa phải, chạy chậm trong những đoạn đường có cảnh báo nguy hiểm. Mưa bão thì nên tạm dừng hành trình.
6. Phượt Hà Giang đi chơi ở đâu?
Hà Giang có cực nhiều cung đường và địa điểm đẹp mà chỉ có trải nghiệm bằng xe máy bạn mới có thể thưởng thức được hết vẻ đẹp của nó. TripHunter sẽ liệt kê một số địa điểm cụ thể sau đây.
6.1 Đèo Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pì Lèng (Mã Pí Lèng) đi qua ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc) thuộc tỉnh Hà Giang – là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng. Đỉnh Mã Pì Lèng có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Con đèo này là 1 trong “tứ đại đỉnh đèo” ở Tây Bắc và cũng là 1 trong những cung đường đèo đẹp nhất Việt Nam – niềm mơ ước chinh phục của bất kỳ phượt thủ chính hiệu nào.
Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là dốc Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc.
6.2 Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam.
Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
6.3 Rừng thông Yên Minh
Yên Minh cách thành phố Hà Giang khoảng 100km về phía Đông Bắc, men theo quốc lộ 4C chạy từ Cán Tỷ lên trung tậm phố huyện qua ba xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải có một cung đường đẹp như mơ khiến bạn tựa như đang đứng giữa Đà Lạt mông mơ vậy.
Cung đường đẹp rừng thông Yên Minh bắt đầu từ đoạn xã Na Khê cho đến Thị trấn Yên Minh, đoạn quốc lộ 4C với hai bên đường bạt ngàn thông.
6.4 Dốc Thẩm Mã
Tương truyền rằng ngày xưa người dân cho ngựa thồ hàng đi từ dưới chân dốc lên, con ngựa nào mà lên đến đỉnh còn khỏe thì người dân sẽ giữ lại nuôi nên đoạn dốc có tên là Thẩm Mã. Đây là đoạn đèo đầu tiên mà các bạn cần chinh phục để bước chân tới mảnh đất cao nguyên Đồng Văn. Sau khi vượt qua con dốc này, các bạn sẽ tới Phố Cáo.
6.5 Sủng Là
Từ Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Nơi đây có thể coi là xã vùng cao đẹp nhất toàn cao nguyên đá Đồng Văn.
Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian.
6.6 Thị trấn Phố Bảng
Con đường cứ vòng vèo mãi từ dãy núi này sang dãy núi khác, nắng cứ nhảy nhót nơi lưng chừng trời và thung lũng thăm thẳm không một bóng người cho mãi đến khi bất ngờ Phó Bảng hiện ra bằng một thung lũng hoa hồng. Sau những dải mây hoa hồng, Phó Bảng nhỏ nhắn nằm khép mình bên những dãy núi đá tai mèo. Cả thị trấn chỉ có vài chục nóc nhà, nằm rải rác trên con đường chính và một vài nhánh nhỏ.
Những ngôi nhà trình tường có tuổi đời đã hơn trăm năm, cánh cửa gỗ cũ kỹ dán những câu đối chữ Hán đã cũ màu, tường nâu rêu mốc, mái ngói âm dương. Cuộc sống giản dị trôi qua từng ngày.
6.7 Dinh họ Vương
Khu dinh thự của vua Mèo, tên dùng trong các văn bản là Dinh thự họ Vương, hay còn được gọi với tên Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
6.8 Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng.
Cột cờ Lũng Cú thực chất chưa phải là Cực Bắc của Việt Nam, điểm cực thực sự này nằm ở dưới dòng sông Nho Quế, nơi mà phải mất cả ngày đường cùng với sự dẫn dắt của những người am hiểu bạn mới có thể đến. Hiện nay, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 3km đã có một mốc cực Bắc mang tính biểu tượng khác được xây dựng nằm tại bản Xéo Lủng.
6.9 Cột mốc 428
Mốc 428 tuy chưa phải là điểm cực Bắc, nhưng nó là cột mốc xa nhất về hướng Bắc của Tổ quốc, đây là cột mốc biên giới Việt Trung nhất với điểm cực Bắc. Cột mốc cách dòng sông Nho Quế tầm 500m theo đường chim bay. Sông Nho Quế là con sông chung của Việt Nam và Trung Quốc nên nó đồng thời là ranh giới của 2 nước.
6.10 Mốc cực Bắc
Tại bản Xéo Lủng (cách cột cờ Lũng Cú khoảng 3km), một điểm cực Bắc được xây dựng mang tính biểu tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là điểm có thể đến gần nhất so với cực Bắc của Tổ Quốc. Đứng trên Đài vọng cảnh (mô phỏng Chùa Một Cột) bao quát dải biên cương của chóp nón Cực Bắc, nơi đây sông Nho Quế bắt đầu chảy vào Việt Nam.
Chinh phục mốc 428 và Mốc cực Bắc là 1 trong số những trải nghiệm tuyệt vời ở Hà Giang chắc chắn bạn không thể nào quên.
6.11 Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, Đồng Văn, Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm.
Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến.
6.12 Chợ Đồng Văn
Chợ Đồng Văn là khu chợ cổ, nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, đây là trung tâm giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hoá và văn hoá lớn nhất ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn
Mỗi tuần chợ họp một phiên duy nhất vào ngày Chủ nhật. Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ của trang phục người Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô…, đổ về từ các ngả núi xuống chợ.
6.13 Chợ tình Khâu Vai, Mèo Vạc
Chợ Khau Vai (Khau Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn gọi là chợ Phong Lưu, chợ tình Khau Vai, có từ gần 100 năm nay. Có nguồn nói là từ năm 1919.
Chợ nằm ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, Việt Nam và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là chợ tình Phong Lưu nổi tiếng với sự độc đáo “độc nhất vô nhị” trên vùng Cao nguyên đá nơi địa đầu cực bắc.
6.14 Nhà của Pao
Nhà của Pao nằm ở thôn Lũng Cẩm, thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang Đây là ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, người dân tộc Mông. Ngôi nhà 2 tầng trong “Chuyện của Pao” giống như ngôi biệt thự giữa cao nguyên đá
Ngôi nhà “tứ đại đồng đường” đã được đạo diễn Ngô Quang Hải chọn làm bối cảnh quay phim “Chuyện của Pao”, chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Những ngôi nhà ở đây xây theo lối trình tường, niên đại trên dưới 100 năm. Dân tộc sinh sống chủ yếu là người Mông chiếm 85%.
Nhà của Pao bây giờ trở thành một điểm du lịch không thể bỏ qua đối với du khách mỗi lần đến Đồng Văn (Hà Giang). Bên trong khuôn viên của ngôi nhà bày bán nhiều hàng hóa, đồ lưu niệm do người dân tự làm.