Cẩm nang du lịch Côn Đảo từ A đến Z - Mới nhất 2019 - TripHunter

Cẩm nang du lịch Côn Đảo từ A đến Z - Mới nhất 2019

Đăng ngày 17/12/2018 | Bởi Admin

Giới thiệu chung

du_lịch_côn_đảo_1_triphunter

Một ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN với hệ thống nhà tù khét tiếng phi nhân đạo, những hình thức tra tấn tù nhân quá rùng rợn và tàn bạo cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Khi sự thật về chuồng Cọp kiểu Mỹ được phơi bày, cả thế giới đã phải rúng động và bàng hoàng! Nơi đây đã giam cầm nhiều thế hệ đồng bào ái quốc và chiến sĩ yêu nước, chỉ trong một thời gian ngắn bị gông cùm xiềng xích, lao động khổ sai, bị bỏ đói, đánh đập dã man, ăn ngủ cùng với phân thải của chính mình, khi bị nhốt trong ngục tối, khi không mảnh vải che thân phơi nắng phơi sương, khi bị tạt nước bẩn, rải vôi bột… người thương tật vĩnh viễn, kẻ hóa điên, hoặc bị hành hạ cho đến chết. Có dịp đến với hòn đảo đau thương này, bạn nhất định phải ghé thăm hệ thống nhà tù tàn khốc một thời, để bàng hoàng, để đau xót, để phẫn nộ, và để cảm phục thế hệ cha ông Việt Nam anh hùng...


Một THIÊN ĐƯỜNG NGHỈ DƯỠNG chinh phục trái tim của bất cứ du khách nào đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Khép lại quá khứ đau thương, Côn Đảo chuyển mình phát triển, cuộc sống thanh bình, non xanh nước biếc, xóa tan những ấn tượng u ám mà hệ thống nhà tù khét tiếng đọng lại trong tâm trí chúng ta. Biển trong xanh sạch đẹp, con người rất hiền hòa, cuộc sống chậm rãi, từ tốn. Không chặt chém du khách, không bán hàng rong, không kì kèo trả giá, bạn có thể “quăng” xe không sợ mất cắp… Ngoài ra, những hoạt động vui chơi giải trí gắn liền với biển cả cũng mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm lý thú: câu cá, câu mực đêm, lặn ngắm san hô…

Thời điểm nào thích hợp đi Côn Đảo?

Thời điểm thích hợp nhất để khám phá Côn Đảo là từ tháng 3 đến tháng 9, biển êm, nắng đẹp.
Vé tàu đi Côn Đảo rất rẻ nhưng cũng rất khó mua, bạn có thể chọn đi máy bay. Tuy nhiên, dù đi tàu hay máy bay thì cũng tuyệt đối tránh đi vào mùa bão, vì khi gặp thời tiết xấu thì sẽ bị delay chuyến bay, còn đi tàu thì bạn sẽ bị say sóng dữ dội

Những điểm đến không thể bỏ qua ở Côn Đảo

Vịnh Đầm Tre

du_lịch_côn_đảo_2_triphunter

Nằm ở phía bắc Côn Đảo, cách sân bay khoảng 3 km là vịnh Đầm Tre – một vịnh kín gió, ăn sâu vào đất liền, cảnh quan thơ mộng, phong cảnh hữu tình, thiên nhiên trong lành. Vịnh được thiên nhiên ưu đãi với sự phân bố đa dạng các hệ sinh thái của một vùng biển nhiệt đới hải đảo: cỏ biển, rừng ngập mặn, hệ sinh thái các rạn san hô…

Từ cầu tàu 914 đi về hướng sân bay Cỏ Ống khoảng 12 km, nhìn sang tay phải sẽ thấy bảng chỉ dẫn đi vịnh Đầm Tre. Bạn đừng đi vào tay phải vì ngõ cụt, cũng đừng rẽ trái qua sân bay mà hãy quay ngược lại khoảng vài chục mét, bên tay trái có đường mòn đất đỏ dẫn xuống bãi biển Dong rồi từ đây đi thẳng hướng biển theo hướng bắc. Qua hết bãi biển sẽ thấy đường mòn dẫn ra vịnh Đầm Tre. Đi thêm khoảng 3 km nữa theo đường mòn là đến nơi. Đường đi khá vắng lặng và hoang vu.

Lưu ý:

  • Có thể gặp bầy khỉ hú hét khi đi qua lãnh thổ của chúng, lúc đó bạn phải giữ bình tĩnh và chớ có hành động nào chọc giận chúng.
  • Đường đến vịnh Đầm Tre không có trên bản đồ nên cần hỏi người dân địa phương cả về đường cũng như tình hình thủy triều. Đường ra vịnh Đầm Tre chỉ đi được khi triều rút do nhiều đoạn bờ biển sẽ ngập vào lúc nước biển dâng.
  • Việc cắm trại qua đêm phải thông báo với trạm bộ đội biên phòng ngay trong khu vực vịnh.
  • Rừng có lá khô nhiều, không nên hút thuốc lá hoặc đốt lửa, tránh gây cháy rừng.
  • Vịnh Đầm Tre là một địa điểm hoang vắng, không có hàng ăn quán xá. Bạn nhớ mang theo nước và đồ ăn nhẹ.

Bãi Đầm Trâu

du_lịch_côn_đảo_3_triphunter

Bãi Đầm Trâu được ví von với cái tên rất mỹ miều là “nàng tiên ngủ quên”, nơi đây sở hữu khung cảnh đẹp nên họa, nên thơ nhưng lại chưa được biết đến nhiều. Cách trung tâm thị trấn 14km và sân bay Cỏ Ống 12km, Đầm Trâu là điểm đến lý tưởng cho các chuyến dã ngoại, tắm biển, ngắm san hô và trải nghiệm hành trình phiêu lưu, khám phá miền đảo xa, note ngay địa điểm này vào cẩm nang du lịch Côn Đảo của bạn nhé.

Bãi Suối Nóng

Bãi Suối Nóng là một bãi biển tuyệt đẹp ở Côn Đảo. Từ bãi Đầm Trầu, du khách có thể vượt một đoạn ngắn đường rừng để đến được bãi Suối Nóng. Nơi đây vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ và ít người biết đến với bãi cát trắng phẳng lì và một hệ sinh thái rừng ngập mặn hiếm có ở các hòn đảo khác.

Bãi tắm An Hải

Bãi tắm An Hải nằm sát trung tâm huyện đảo nên rất thuận tiện cho du khách đến đây tắm biển, dạo bộ hay cắm trại. Do được bao bọc bởi rặng núi nên khu vực này sóng lặng, biển dịu êm. Bãi biển rất sạch với làn nước trong xanh in đáy cát, dải cát trắng trải dài mịn màng cùng hàng dương cổ thụ xanh mát.

Rừng nguyên sinh Ông Đụng

du_lịch_côn_đảo_4_triphunter

Cách trung tâm thị trấn khoảng 4 km, rừng nguyên sinh Ông Đụng nằm trong khu vực vườn quốc gia Côn Đảo. Đi ngang qua cây cầu Ma Thiên Lãnh nổi tiếng là bạn đã bắt đầu đi vào rừng nguyên sinh. Không khí mát lạnh của cây rừng và núi đá, thỉnh thoảng văng vẳng tiếng chim hót líu lo hay tiếng sóc chuyền cành sẽ khiến tinh thần bạn thật khoan khoái. Xuống xe và tản bộ một đoạn ngắn xuyên qua rừng nhiệt đới, bạn sẽ đến bãi biển Ông Đụng ở bờ bên kia của đảo. Một bãi biển êm đềm như mặt hồ với những mỏm đá và tán cây xanh hiện ra trước mặt.

Núi Thánh Giá

Núi Thánh Giá được coi là “nóc nhà của Côn Đảo” với diện tích khoảng 2 ha, cao 577 m so với mực nước biển. Núi có tên là Thánh Giá là bởi ngọn núi này có tới chín tháng sương mù che phủ và trước kia có hình thù giống như một cây thánh giá, nhưng do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh nên hình thù ấy không còn như xưa.

Để chinh phục núi Thánh Giá, du khách phải leo trên một con đường chênh vênh, vắt vẻo. Lên tới nơi, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh quần đảo Côn Sơn với mênh mông biển cả, núi rừng bao bọc cùng thảm thực vật phong phú, và hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, mây mù bao phủ xung quanh. Nơi đây còn nổi tiếng với những truyền thuyết về tình yêu, tương truyền rằng những cặp đôi nắm tay nhau ngắm mặt trời lặn trên đỉnh núi sẽ được bên nhau trọn đời.

Hòn Bảy Cạnh

Nằm về phía đông đảo Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ hai trong 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo với những bờ biển dài tuyệt đẹp, rừng ngập mặn, những bãi san hô muôn màu và nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm. 
Ngoài chiêm ngưỡng hệ động thực vật phong phú, lặn ngắm san hô đa dạng, du khách còn có thể đi bộ lên núi để tham quan hải đăng Bảy Cạnh (còn gọi là đảo Đèn hay hải đăng hòn Chớp) và nhìn ngắm cảnh biển bao la từ trên cao. Đặc biệt, du khách có thể có cơ hội xem rùa đẻ trứng tại khu vực hồ ấp trứng rùa biển - bãi Cát Lớn trong mùa rùa sinh sản từ tháng 4 – 9 hàng năm, cao điểm vào tháng 7 tới tháng 9.

Nhà tù Côn Đảo

du_lịch_côn_đảo_5_triphunter

Nhà tù Côn Đảo được xem là “địa ngục trần gian” thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù… Nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật cộng sản và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa, và sau đó lại được Mỹ sử dụng để giam cầm tù binh trong cuộc chiến chống Mỹ.

Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp”. Khu “chuồng cọp” là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất. Tù nhân ở đây bị giam trong những căn phòng chỉ rộng 5m², không có giường nằm. Người tù bị cùm chân và phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống rất kém, lại thường xuyên bị tra tấn để hỏi cung. Khu này dành cho những tù binh quan trọng không chịu khai báo, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí của tù nhân. Để tránh bị dư luận phản đối, khu “chuồng cọp” được Mỹ xây biệt lập và được giữ bí mật, trong một thời gian dài không ai ở bên ngoài biết đến sự tồn tại của nó.

An Sơn Miếu

Tên gọi khác: Đền thờ bà Phi Yến

Miếu bà Phi Yến hay còn được gọi là An Sơn Miếu, là một ngôi miếu cổ được xây từ năm 1785, (sau đó được xây dựng lại vào năm 1958) để thờ bà Phi Yến, vợ thứ của vua Nguyễn Ánh. Năm 1861, Pháp sau khi chiếm đảo đã quyết định di toàn bộ dân vào đất liền để xây nhà tù. Ngôi miếu bị đổ nát dần. 
Năm 1958, nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ. Ngôi miếu này rất linh thiêng đối với những người dân trên đảo và nó gắn liền với một câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, giàu lòng yêu nước.

Bảo tàng Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo là công trình đầy ý nghĩa và là nơi gìn giữ các giá trị lịch sử, minh chứng cho thời kỳ bi tráng nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Với gần 2.000 tư liệu, các hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề lớn gồm phản ánh các tội ác của chế độ thực dân và đế quốc; về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam trong suốt 113 năm; về sự phát triển của Côn Đảo ngày nay cũng như việc phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo như một di sản của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam.

Xem thêm: Bí kíp du lịch Côn Đảo 2019 bạn nhất định phải biết

Khám phá ẩm thực Côn Đảo

Cá thu một nắng

du_lịch_côn_đảo_6_triphunter

Cá thu Côn Đảo có cái tên "cá thu một nắng" bởi vì sau khi đánh bắt, ngư dân sẽ rửa nước muối rồi phơi cá chỉ trong một lần nắng và không tẩm ướp thêm chất bảo quản nào. Vì vậy, đặc trưng của cá là không có mùi tanh của cá tươi, nhưng lại cũng không khô cứng như cá khô phơi nắng nhiều lần. 
Có rất nhiều món ăn được chế biến từ cá thu một nắng như kho, rán... đặc biệt cá thu sốt cà chua là món ăn được ưa thích nhất, ăn kèm với cơm rất ngon miệng và tuyệt vời.

Tôm hùm đỏ

Tôm hùm đỏ còn có tên gọi khác là tôm hùm lửa bởi màu đỏ sậm rất đặc trưng của loài tôm vùng này. Tôm hùm đỏ Côn Đảo không to nhưng thịt cua rất dai, ngọt và săn chắc. Thịt tôm hùm không chỉ ngon, mà ở dọc sống lưng và đầu của nó còn có một lớp gạch tôm rất giàu dinh dưỡng, mỗi khi mùa đông tới lớp gạch này còn dày hơn. 
Tôm hùm đỏ có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau như sushi, hấp, gỏi, nướng hay làm cháo. Đây cũng được xem là một trong những món ăn không thể bỏ qua khi đi du lịch Côn Đảo

Cua mặt trăng

du_lịch_côn_đảo_7_triphunter

Cua mặt trăng là một loại cua có hình dáng kỳ lạ, trên lưng có nhiều đốm đỏ đậm pha màu hồng tươi. Cách chế biến cua mặt trăng phổ biến nhất là luộc hay hấp chín, khi đó thịt cua chấm với muối tiêu chanh thực sự rất tuyệt. 
Ngoài ra người dân cũng có rất nhiều cách chế biến khác hấp dẫn cũng không kém như làm lẩu, nấu canh, nấu bún hay dùng thịt cho vào bánh canh. Mỗi cách chế biến đều đem lại những hương vị độc đáo riêng biệt, thơm ngon, ngọt ngào hơn bởi hương vị vốn dĩ đã rất đặc biệt của loài cua này.

Ốc vú nàng

du_lịch_côn_đảo_8_triphunter

Tên gọi ốc vú nàng được truyền miệng nhau là do hình dáng của loài ốc này giống với đôi gò bồng đảo của phụ nữ, đây là một trong những món ăn hấp dẫn nhất từ tên gọi cho đến hương vị. Ốc vú nàng có hình chóp nhọn thẳng, với thịt bên trong ốc trắng nõn và đầy đặn.

Ốc vú nàng dù được chế biến bằng cách nướng, luộc, xào hay làm gỏi... cũng đều hấp dẫn. Tuy nhiên theo nhiều du khách, ngon nhất vẫn là ốc vú nàng nướng mỡ hành. Chấm nhẹ thân ốc vào chén nước mắm chua ngọt là bạn có thể cảm nhận cái ngọt ngon, giòn giòn của ốc, nhấn nhá cùng vị cay của ớt, đậm đà của nước mắm.

Cá mú đỏ

du_lịch_côn_đảo_9_triphunter

Cá mú đỏ là một trong những đặc sản của Côn Đảo không thể bỏ qua. Cá có tên gọi khác là cá song và là loại cá được ưa chuộng nhất trong các loại cá biển ở Côn Đảo với những thớ thịt dai ngọt và rất thơm, thường được chế biến thành các món sốt, nướng và gỏi rất hấp dẫn.

Cháo hàu

Cháo hàu là món ăn du khách thường truyền tai nhau nhất định phải thử khi đến Vũng Tàu nói chung và Côn Đảo nói riêng.

Nguyên liệu chính của một bát cháo hàu là gạo ngon, hạt tròn mẩy, thêm một chút gạo nếp để tạo độ đặc và sánh. Hàu tươi được đánh bắt từ biển, sau đó làm sạch, tẩm ướp gia vị và xào qua cho ngấm. Khi cháo chín, người nấu đổ hàu đã xào vào rồi nêm gia vị cho vừa ăn.

Mắm nhum

Đây được mệnh danh là loại mắm quý tộc, bởi để đánh bắt và làm ra được một hũ mắm nhum chất lượng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Dưới triều Nguyễn, mắm nhum còn là một trong những lễ vật dâng lên triều đình hàng năm.

Mắm nhum được dùng để chấm các món luộc hay bánh tráng cuốn. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt nhum, thêm chút vị mặn mòi của biển, chua chua, bùi béo thú vị.

Mắm hàu

Là loại nước chấm không thể thiếu trong các bữa ăn, khách du lịch khi ra thăm đảo thường mua mắm hàu mang về làm quà cho người thân và bạn bè

Mứt hạt bàng

du_lịch_côn_đảo_10_triphunter

Bàng ở Côn Đảo là loại cây rừng, lá và quả rất to. Tết đến, người dân còn có thể gói bánh chưng bằng lá cây bàng. Người dân nơi đây đến mùa sẽ thu hoạch quả bàng đem phơi cho khô vỏ, sau đó đem ra chẻ lấy hạt, sau đó đem rang với muối hoặc đường tùy ý. Mứt hạt bàng là đặc sản nổi tiếng của Côn Đảo. Hương vị mứt thường giòn, bùi, thơm và ngậy một cách rất thú vị, là món quà đặc sản mang đậm dấu ấn nơi này.

Những khách sạn đẹp đầy đủ tiện nghi ở Côn Đảo

Six Senses Côn Đảo

du_lịch_côn_đảo_11_triphunter

Six Senses Côn Đảo nằm trong trung tâm của biển Đất Dốc. Nơi đây là một địa điểm được biết đến với lối kiến trúc độc đáo, sáng tạo, phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp, thích hợp cho việc nghỉ dưỡng, vui chơi, dã ngoại.

Địa chỉ: Bãi biển Đất Dốc, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

Poulo Condor Boutique resort & spa

Địa chỉ: Suối Ớt, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

Côn Đảo resort

Địa chỉ: 8 Nguyễn Đức Thuận, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

Tân Sơn Nhất Côn Đảo resort

Địa chỉ: 6 Nguyễn Đức Thuận, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

Côn Đảo Camping hotel

Địa chỉ: 2 Nguyễn Đức Thuận, Côn Đảo, Bà Rịa, Vũng Tàu

Uyen’ house homestay

Địa chỉ: Phạm Văn Đồng, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

Xem thêm: 5 khách sạn ở Côn Đảo cho kỳ nghỉ trong mơ

Phương tiện di chuyển

Máy bay

Từ sân bay Tân Sơn Nhất bạn có thể bay thẳng ra sân bay Cỏ Ống ngay tại Côn Đảo, cách di chuyển này tốn kém nhưng nhanh chóng và đỡ mệt. Chỉ mất khoảng một giờ là đến nơi. Hiện chỉ có Vietnam Airline khai thác đường bay này. Máy bay loại nhỏ, chỉ tầm gần 70 hành khách, cảm giác không dễ chịu như đi các loại máy bay lớn khác. Nếu đi vào mùa biển động rất dễ bị hoãn chuyến bay, và cũng dễ bị “say” máy bay.

Xe khách

Bạn nên chọn hãng xe Hoa Mai. Hãng sử dụng xe 14 chỗ có máy lạnh, khoảng 1 tiếng có 1 chuyến.
Giá vé tham khảo: 85.000 đ/vé. Bạn nói nhà xe cho xuống ở ngã ba vào cảng đi Côn Đảo. Ngay đầu đường là khu chợ nhỏ, ở đây bạn có thể mua một ít đồ ăn tối, cùng bánh kẹo, trái cây lặt vặt rất tiện lợi. Từ đầu đường 30/4 đi vào khoảng chục căn, để ý phía bên phải buổi chiều có một xe bán bánh mì phá lấu, chim cút rất ngon. Bạn đi bộ thẳng vào 1km là đến cảng. Sẽ có nhiều xe honda "dụ" bạn đi với giá cao.
Lưu ý khi đi chiều ngược lại từ cảng Cát Lở và Sài Gòn rất dễ gặp xe Hoa Mai giả. Xe giả sẽ gắn bảng tên "Hoa Mai" rồi vào tận cảng đón bạn, sau khi ra đường lớn thì tháo bảng tên xuống. Còn xe Hoa Mai thật thì bạn phải ra ngoài đường 30/4 mới đón được.

TP HCM:

+ Địa chỉ: 50 Nguyễn Thái Bình, Q. 1, TP HCM

+ SĐT: (028) 3821 8928

Vũng Tàu:

+ Địa chỉ: 2A Trưng Trắc, Vũng Tàu

+ SĐT: (0254) 3531 982 – (0254) 3531 981 – (0254) 3531 980

Tàu thủy

Ở cảng Cát Lở (Vũng Tàu) hàng ngày có tàu ra du lịch Côn Đảo, giá vé tầm 80.000đ - 300.000đ, tuy nhiên thời gian di chuyển khá lâu (tầm 11h - 14h), bạn nên cân nhắc kỹ xem mình có chịu nổi say sóng không.

TripHunter lưu ý:

  • Đi tàu cho dù khỏe đến đâu vẫn rất dễ say sóng, đặc biệt là những khi biển động, ngay đến nhân viên trên tàu đi biển lâu năm vẫn có thể bị say. Vì thế, bạn nên tìm hiểu và hạn chế ăn những thức ăn dễ gây say sóng trước khi lên tàu.
  • Nên mua vé giường nằm, uống thuốc say sóng trước khi lên tàu.
  • Còn nếu chỉ mua được ghế ngồi thì hãy mang theo võng, cực kỳ hữu ích (tranh thủ lên tàu sớm để “xí” chỗ mắc võng nhé), mỗi khi tàu lắc lư thì võng cũng đu đưa theo, hạn chế cảm giác say sóng.
  • Trên tàu khá ít chỗ mắc võng nên thường các hành khách ghế ngồi sẽ nằm ngủ dưới sàn. Nếu là dân phượt thì trong trường hợp này bạn có thể mang theo túi ngủ nhé! Loại võng-túi ngủ 2 trong 1 là lý tưởng nhất nhé, còn chỗ mắc võng thì mắc ngay, không thì trải túi ngủ xuống sàn ngon giấc.
  • Nên mua vé nằm tầng hầm dưới khoang giữa tuy hơi ngột ngạt nhưng đỡ say, nằm nghiêng và co người lại nhé sẽ hạn chế say sóng.

Xem thêm: Bỏ túi bí kíp đặt vé tàu cao tốc đi Côn Đảo mới nhất 2019


Tàu Côn Đảo 9 - Tàu Côn Đảo 10:

+ Địa chỉ: Phòng vé tàu biển: 1007/36 đường 30/4, P. 11, Vũng Tàu

+ SĐT: (0254) 3838 684 (Vũng Tàu ); (0254) 3830 619 (Côn Đảo)

Thuê xe máy di chuyển tại Côn Đảo

Một số địa chỉ cho thuê xe máy bạn có thể tham khảo:
Trạm xe Thảo Liên

+ Địa chỉ: 3 Võ Thị Sáu, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

+ SĐT: 0919 432 559

Công ty TNHH Dã Ngoại Xanh - Green Adventour

+ SĐT: (0254) 3781 7577 - 0938 5000 30

Cafe Côn Sơn

+ Địa chỉ: Tôn Đức Thắng, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

+ SĐT: (0254) 3630 670 – 0908 099 919

Lịch trình tham khảo

Bạn chỉ việc đi và tận hưởng, lịch trình để TripHunter lo nhé! Tha hồ chọn lịch trình hay tại đây: Lịch trình chi tiết Côn Đảo

Xem thêm: Du lịch Côn Đảo tự túc từ A đến Z - năm 2020

Bình luận (0)