Đặc sản An Giang ở An Giang - TripHunter

Đặc sản An Giang

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản An Giang

Các loại mắm
Vị trí nằm ngay ngã ba sông Hậu - một trong hai nhánh của sông Mê Kông với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú, Châu Đốc được mệnh danh là xứ sở của các loại mắm với hàng trăm chủng loại mắm và khô: mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc, mắm thái,… với vị hơi ngọt đặc trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi ký.
Các loại khô
Ngoài các loại mắm, khô cá cũng là món ăn được ưa chuộng với hương vị thơm ngon cùng sự đa dạng: khô cá linh, cá sặc, cá tra,... Ngoài ra, Châu Đốc còn có món khô bò rất ngon, chia làm 3 loại gồm khô bò nâu sẫm cứng nhưng không giòn, khô bò vàng cứng và giòn và khô bò nâu xốp giòn, dẻo.
Quả mây gai và me Thái
Quả mây gai là một loại quả đặc trưng của VIệt Nam mà chỉ có ở An Giang mới có, quả màu cam, khi chín ngả màu sang màu hơi đen, vị ngọt ngọt, chua chua đặc trưng, mùi thơm giống mít và mang đậm nét đặc trưng của núi rừng. Me Thái chín mọng, ngọt lịm thơm ngon. Hai loại trái này được bày bán khắp nơi tại An Giang.
Thốt nốt
Châu Đốc An Giang được xem là xứ sở của thốt nốt. Thốt nốt - một loại cây không nhánh, giống cây dừa nhưng thân cao to hơn, trái to như trái dừa xiêm. Bên trong thốt nốt có nhân như cơm dừa nước, có nước ngọt thanh và mát, cùi thốt nốt dẻo dẻo trong trong ngon đến lạ lùng. Thốt nốt tươi là một món giải khát tự nhiên thơm ngon chẳng thua kém gì nước dừa. Đường thốt nốt Châu Đốc có màu vàng nhạt, thơm và còn có vị béo được sử dụng rất nhiều trong nấu ăn, làm cho các món ăn có vị thơm đặc biệt ngọt thanh rất đặc trưng.
Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu hay còn gọi là cây xoan nhưng sầu đâu ở đây có lá xanh hoa trắng, vị đắng ngọt đậm đà hơn lá sầu đâu hơn hẳn các vùng khác và là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Sầu đâu lấy những lá non, sơ chế cho bớt vị đắng rồi trộn chung với các nguyên liệu khác: thịt ba chỉ, khô cá sặc, tôm luộc, xoài sống, dưa leo, các loại rau thơm… Mùi thơm của thịt cá sặc nướng, vị ngọt béo của thịt ba chỉ cùng các nguyên liệu đi kèm... hòa lẫn cùng vị đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, dân dã, lạ miệng và rất tinh tế.
Xôi phồng chợ Mới
Chợ Mới nằm ở đầu nguồn sông Hậu, phù sa bồi đắp quanh năm nên hạt lúa nếp ở đây hạt tròn, vị ngon và chất lượng, kết hợp với đậu trồng trên rẫy được thứ xôi dẻo thơm ngon đặc biệt. Khi dùng, thực khách chỉ cần cắt từng khoanh vừa ăn, chiên phồng. Có thể thưởng thức xôi phồng riêng hoặc ăn kèm với món gà thả vườn luộc hay đem quay, chấm với tương ớt, xì dầu. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm nồng, miếng xôi giòn nhưng vẫn giữ được sự mềm mại của nếp, vị ngọt nhẹ của đường và mùi thơm của các nguyên liệu hòa quyện.
Tung lò mò
Tung lò mò có hình dáng giống như món lạp xưởng, đây là món ăn truyền thống của người Chăm An Giang. Người Chăm ở đây theo đạo Hồi nên không ăn thịt heo, do đó, nguyên liệu chủ yếu là thịt bò: ruột bò dùng làm bao bên ngoài, còn bên trong là thịt nạc trộn với mỡ được băm nhuyễn với tiêu, tỏi, cơm nguội và vài nguyên liệu truyền thống bí truyền của người Chăm rồi đem phơi ngoài nắng khoảng ba lần. Nướng tung lò mò lên thì lớp ruột bò bên ngoài căng cứng và rịn ra một lớp mỡ bóng và ướt, cùng một mùi thơm ngất ngây kích thích vị giác.
Bánh phồng Phú Mỹ
Nếp được chọn phải là loại nếp ngon, ngâm trong ba ngày ba đêm, đem xôi lên rồi bỏ vào cối quết, cán thành bánh, phơi nắng. Bánh có kèm các phụ gia như đậu, mè, sữa… Bánh vừa xốp, vừa mềm, vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.
Cốm dẹp An Giang
Nếu Hà Nội có cốm Làng Vòng thì người Khmer cũng có món nếp dẹp để đãi khách phương xa. Cốm dẹp được người Khmer gọi là “om bóc”, là đặc sản từ hơn 100 năm trước đến nay dùng để cúng các vị thần nhằm tỏ lòng biết ơn cho một vụ mùa bội thu và cầu nguyện cho thời tiết đất trời thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Cốm dẹp ngon nhất là ăn cách truyền thống: cho một ít cốm lên trên miếng lá chuối và dùng tay bốc ăn, cảm nhận tròn vị dẻo dai, ngọt, thơm, nồng, béo, bùi trong từng hạt cốm.
Bò bảy món núi Sam
Bò bảy món núi Sam gồm: cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, bò xào lá giang khìa bánh mì, bò lúc lắc và bò bít tết. Dù thưởng thức món nào du khách cũng đều cảm thấy thích thú vì ngon miệng. Thịt bò còn "tươi xanh", mới xả, nóng hổi, được chủ quán chế biến thành món ăn, cộng với bí quyết chế biến của những đầu bếp lành nghề đã tạo thành món ăn không thể thiếu khi tới vùng đất này.
Bánh bò thốt nốt Châu Đốc
Để làm bánh, người ta sử dụng những nguyên liệu của địa phương rất gần gũi và giản dị: gạo nàng Nhen của vùng Bảy Núi, thốt nốt già cùng đường thốt nốt là linh hồn của món ăn này. Bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm, bánh nở phồng trông như hoa nhờ gạo ngon, ủ khéo và vị ngon đậm nhưng thanh nhờ đường thốt nốt, cùng chút béo ngậy từ nước cốt dừa. Bánh có vị giòn xốp, ngọt béo của dừa, đường, hòa lẫn mùi thơm thoảng đặc trưng của đường thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được.
Bún cá Long Xuyên
Bún cá Long Xuyên hay còn gọi là bún cá Châu Đốc, vào dịp tháng 9,10 âm lịch, lúc những con cá đã trưởng thành, người ta mang về chế biến. Nước lèo được nấu bằng cá lóc hoặc cá bông, tới mùa nước nổi dùng cá linh. Tô bún được trụng nước lèo thật nóng, điểm thêm vài miếng cá ngon, ăn kèm rau thơm, giá, rau muống bào, bắp chuối xắt, bông điên điển,… Nếu đã từng thưởng thức món bún cá Long Xuyên, ắt hẳn thực khách sẽ khó quên hương vị của món ăn này.
Cá leo nướng muối ớt
Cá leo là một loài nước ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao, sinh sống nhiều ở vùng ven sông Tiền, sông Hậu, thịt cá săn chắc, thơm ngon chế biến được thành nhiều món ngon, trong đó nướng muối ớt là được thực khách ưa chuộng nhất. Cá leo phải tươi sống, ướp gia vị đầy đủ rồi nướng trên bếp than hồng cho đến khi cá chuyển sang màu vàng, tỏa mùi thơm phức. Khi ăn, chấm mắm chua cay hoặc nước chấm muối ớt vắt chanh. Bạn có thể ăn với cơm, kèm với bún hoặc cuộn bánh tráng thêm một chút rau xà lách, dưa leo,…
Cá rô mề kho rau răm
Cá rô mề sinh sống nơi ao hồ, đồng ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều.Thịt cá ngọt, béo, thơm ngon và có thể chế biến nhiều món, trong đó món cá rô mề kho rau răm rất được yêu thích. Cá rô mề kho rau răm dùng với cơm trắng và rau luộc chấm nước các kho tuyệt ngon. Cá rô mề Châu Đốc vốn dĩ đã béo ngậy, thịt ngọt và thơm, quyện trong vị rau răm hơi nồng khiến thực khách dùng với cơm hoài đến no mà không biết chán.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận