Đặc sản Cao Bằng ở Cao Bằng - TripHunter

Đặc sản Cao Bằng

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Cao Bằng

Rau dạ hiến

Rau dạ hiến, hay còn gọi là bồ khai, thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy, thường mọc hoang ở những vùng núi đá. Đây là một thứ rau rừng không những có vị ngon, hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Dạ hiến thường được xào chung với lòng lợn hoặc lòng gà, vừa có vị thơm vừa có vị béo ngậy.

Vịt quay 7 vị Cao Bằng

Gọi là món vịt quay 7 vị vì người dân địa phương dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp. Vịt phải chọn con vừa, chắc thịt, sáng lông, làm sạch rồi ướp gia vị, rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân trước khi quay. Thịt khi chín ruộm vàng cánh gián, da óng vàng mật, thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở và dai.

Bánh trứng kiến

Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn. Nguyên liệu làm bánh gồm trứng kiến, bột nếp và lá vả trộn đều rồi đem hấp trên nồi. Trứng kiến rất béo và có hàm lượng dinh dưỡng cao nên khi làm bánh ăn rất ngon, có độ dẻo, thơm mùi lá vả và ngậy mùi trứng kiến.

Hạt dẻ Trùng Khánh

Tháng 10 - tháng 11 là thời điểm những quả dẻ chín rụng đầy mặt đất. Hạt dẻ to bằng ngón chân cái, màu vàng sẫm, bùi và thơm ngậy. Hạt dẻ có thể chế biến được nhiều món ngon: luộc, rang, sấy hoặc ninh với chân giò, thịt gà. Đây là đặc sản được nhiều du khách mua về ăn hoặc làm quà biếu.

Xôi trám Cao Bằng

Trám có hai loại là trám trắng và trám đen, trong đó chỉ có trám đen mới chế biến được thành xôi trám. Trám đen chọn trái tươi, chín mọng, đem ngâm nước ấm rồi lấy thịt trám trộn với xôi đã đồ. Xôi chín dậy màu hồng tím, có mùi thơm, vị bùi và béo ngậy. Xôi trám thường được bán tại các phiên chợ vùng cao.

Bánh áp chao

Bánh áp chao thoạt nhìn rất giống bánh rán. Bánh có cách làm đơn giản, chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị, rán trên chảo đầy dầu nóng bằng khuôn tròn. Bánh ăn nóng kèm với một số phụ gia, đỗ tương, rau thơm, rất thích hợp dùng trong những ngày giá rét.

Bánh khảo

Bánh khảo là lương khô của người Tày, Nùng và cũng là loại bánh cổ truyền không thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên của người Cao Bằng. Bánh được làm từ gạo nếp đem rang và xay bằng cối đá cho tới khi mịn. Bột bánh được gói trên tờ giấy hình vuông, gấp lại rất đẹp mắt.

Nằm khâu

Được nấu từ thịt ba chỉ và khoai, nằm khâu là món ăn đơn giản, được dùng phổ biến trong các cỗ cưới. Món ăn này phải dùng nóng mới ngon.

Miến dong đen

Được làm hoàn toàn 100% từ củ dong riềng, không sử dụng hóa chất nên sợi miến bóng đẹp, giòn, dai, có hương thơm đặc trưng của bột dong.

Lạp sườn

Lạp sườn Cao Bằng có vị ngon đậm đà của thịt, được ướp cẩn thận với nhiều loại gia vị khác nhau tạo độ thơm và đậm đà, đặc biệt không dùng chất bảo quản. Lạp sườn có thể đem hấp hoặc rán, khi ăn chấm tương ớt hoặc kèm với cơm trắng hoặc xôi.

Cá chiên sông Gâm

Đây là loại cá lăng màu đen, chủ yếu sống trong hang ngầm dưới sông Gâm nên rất khó đánh bắt. Cá chiên làm chả cá là ngon nhất. Còn phần lòng cá chiên được người sành ăn cho là thứ ngon nhất trên đời.

Bò gác bếp

Bò được tẩm ướp gia vị, nước gừng, rượu trắng rồi dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu, đem treo trên gác bếp. Khói bếp củi hun thịt chín khoảng nửa tháng là dùng được. Khi muốn ăn thì phải ngâm thịt trong nước nóng cho thịt nở ra rồi thái thành từng lát mỏng, rán trên chảo dầu nóng với gừng và tỏi băm nhuyễn, thêm ít nước om cho thịt mềm. Thịt chín có màu nâu đỏ, mềm, hơi dai, không bở.

Cá trầm hương

Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh. Loài cá này thường ăn rễ và lá mục của cây trầm hương nên thịt rất ngon, có hương thơm trầm. Cá trầm hương nướng là ngon nhất, ăn kèm với rau sống và nước mắm nguyên chất.

Ong vò vẽ

Ong vò vẽ lớn được dùng để ngâm rượu, ong nhỏ dùng để chế biến món ăn. Nhộng ong vò vẽ béo mập rất mềm và trắng mọng, xào với măng chua hoặc nấu cháo là ngon nhất.

Đậu phụ

Đỗ tương Cao Bằng có chất lượng cao và giàu chất dinh dưỡng nên khi làm đậu phụ rất thơm ngon và béo ngậy, chế biến món ăn nào cũng ngon.

Phở chua

Nước lèo phở vừa có vị ngậy của mỡ vịt, vừa thơm phức nhờ những gia vị ướp thịt trước khi quay. Khi ăn, đổ ít nước lèo vào phở là đủ để không làm mất gia vị tô phở chua. Bánh phở dẻo kết hợp với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay, vị chua của măng và vị đậm đà của các hương liệu tạo nên tô phở chua có hương vị độc đáo.

Khẩu sli

Theo tiếng địa phương, bánh khẩu sli có nghĩa là bánh gạo nếp nổ hay bánh bỏng. Bánh được làm từ gạo nếp đồ xôi đem phơi nắng rồi rang cho đến khi hạt nở phồng, giòn và xốp, phết mật đường lên bánh, cuối cùng đổ vào khuôn vuông. Khi bánh nguội, dùng dao cắt từng khúc là dùng được.

Bánh cuốn Cao Bằng

Bánh cuốn Cao Bằng ăn kèm với bát nước chấm to, trong đó là chả thái lát và vài loại rau thơm. Người Cao Bằng thường đổ hết bánh cuốn vào bát nước chấm như kiểu ăn phở hay ăn bún. Đây là cách ăn bánh cuốn độc đáo chỉ có ở Cao Bằng.

Bánh coóng phù (bánh trôi)

Bánh có cách chế biến gần giống với cách làm bánh trôi nhưng nhân bánh để lạc (đậu phộng) và vỏ bánh làm từ nếp trộn với gấc để tạo hương thơm và màu đẹp. Nước đường được làm từ mật mía và gừng già. Sau khi nấu chín, bánh coóng phù có mùi thơm của bột nếp hòa với gấc, vị ngon ngọt của nước mật mía và vị cay nóng của gừng, ăn vào rất ấm bụng. Món này được bán nhiều ở khu chợ Xanh, Phố Cũ và khu Nước Giáp.

Bánh chè lam

Đây là loại bánh cổ truyền của người Cao Bằng. Bánh làm bằng bột nếp, lạc rang, gừng và mạch nha. Dùng kèm với bánh là nước trà pha nóng rất thích hợp.

Mắc mật

Theo tiếng Tày - Nùng, mắc mật nghĩa là quả ngọt, còn có tên khác là hồng bì núi, củ khỉ hay dương tùng. Lá mắc mật là nguyên liệu tuyệt vời cho các món nướng vì hương thơm nồng nàn, kích thích khứu giác. Quả mắc mật có vị chua chua ngọt ngọt, thường được dùng để khử mùi tanh của thịt, cá và còn có thể ngâm cùng măng tươi để làm phụ liệu cho các món kho, xào hoặc nấu canh.

Rau sắng (rau ngót rừng)

Rau sắng trồng rất lâu, từ 3 đến 10 năm mới được thu hoạch với số lượng lớn. Lá rau sắng dùng để nấu canh với thịt, cá hoặc nấu suông đều cho mùi vị đậm đà, thanh mát. Quả sắng chín màu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ đem ninh với xương rất thơm ngon, có vị ngọt bùi.

Lợn sữa quay

Lợn từ 4 - 6 kg được làm sạch, nhồi lá mắc mật cùng các gia vị khác vào bụng rồi dùng cây tre xuyên từ mõm tới đuôi rồi quay trên bếp than hồng, vừa quay vừa phết gia vị và mật ong lên da lợn. Thịt vừa chín tới, thơm ngon khi bì vàng rộm, giòn tan, bốc mùi thơm quyến rũ. Món này được dùng kèm nước chấm pha theo công thức riêng, rau sống, đồ chua, ăn với cơm, bún hoặc bánh mì đều ngon.

Rượu tắc kè

Rượu tắc kè có tác dụng bổ gân cốt, tăng cường sinh lực, chữa được nhiều bệnh như thấp khớp, thần kinh, suy nhược...

Rượu Táp Ná

Được nấu từ giống ngô địa phương theo quy trình lên men và chưng cất tự nhiên nên rượu Táp Ná có hương vị đậm đà, hương thơm lan tỏa. Du khách có thể thử qua loại rượu này khi đến chợ Bó Gai, huyện Thông Nông.

Chè giảo cổ lam

Giảo cổ lam là một loại chè thân bò, mọc dại ở vùng núi đá Cao Bằng, chưa nhiều chất dinh dưỡng tốt không thua kém nhân sâm hay tam thất. Chè có công dụng chống lão hóa, giảm mỡ máu, ổn định huyết áp, phòng và ngừa một số biến chứng bệnh tim mạch tiểu đường...

Chè dây

Đây là loại tảo dược quý, có thể dùng uống và chữa bệnh viêm loét dạ dày, chứng mất ngủ, an thần...

Mận Bảo Lạc

Người Bảo Lạc quen gọi giống mận này là mận máu vì bên trong ruột có màu đỏ. Mận chín có vị ngọt rất thanh, ăn kèm với muối ớt hoặc muối tiêu.

Lê Đông Khê

Lê Đông Khê nổi tiếng là lê ngon nhất Cao Bằng vì quả to, vị ngọt mát, thịt mềm. Mùa lê kéo dài từ tháng 6 - tháng 7 âm lịch.

Mật ong Cao Bằng

Sản phẩm này được bày bán nhiều ở chợ và các điểm du lịch tại Cao Bằng. Đây là loại mật ong rừng nên giá trị dinh dưỡng rất cao, có vị thơm của hoa rừng, chế biến món ăn hay làm đẹp, làm thuốc đều tốt cho sức khỏe.

Bột nghệ đen, vàng

Bột nghệ được được chế biến từ củ nghệ tươi nguyên chất nên rất tốt. Ngoài dùng làm phụ liệu trong các món ăn, bột nghệ còn có tác dụng mau lành vết thương, bổ máu và rất tốt cho tiêu hóa, các bệnh dạ dày, gan, mật.

Cốm

Cốm Cao Bằng dẻo, dai, thơm mùi lúa nếp non, chỉ được bán vào mùa thu tại làng cốm Bản Gủn, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An. Giá trung bình mỗi gói cốm là 20.000đ.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận