Đặc sản Hà Giang ở Hà Giang - TripHunter

Đặc sản Hà Giang

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Hà Giang

Trà Shan tuyết cổ thụ (xã Cao Bồ)

Được xếp vào hạng đầu bảng trong các loại chè ở Việt Nam.
Đặc điểm trà Shan Tuyết là sạch sẽ, không có thuốc trừ sâu và thuốc kích thích, các nhà máy sản xuất trà hiện nay còn khuyến khích nhân dân trong vùng trồng xen kẽ cây gừng giữa các luống trà. 
Trà Shan tuyết cổ thụ của Hà Giang thường được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước Tây Âu nhưng chưa thịnh hành trong thị trường nội địa như trà Tân Cương - Thái Nguyên.
Giá khoảng 300.000đ - 700.000đ/kg.

Tam giác mạch

Tháng 10, 11, cao nguyên đá Hà Giang ngập một sắc tím hồng man mác của loài hoa tam giác mạch. Người dân nơi đây đã chế biến loài hoa này thành món ăn dân dã có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe như bánh tam giác mạch.
Để làm bánh này, sau mỗi mùa thu hoạch, người ta phơi hạt khô, một phần dùng để ủ tạo thành loại men, còn lại để làm bánh tam giác mạch.
Những hạt tam giác mạch nhỏ xíu, được xay nhỏ thành bột mịn rồi nhào cùng nước cho đến khi dẻo. Bột phải được xay bằng tay và thật kỹ, khi ăn mới không bị lợn cợn, bánh mịn, đẹp và dẻo. Bột nhào xong cho vào khuôn rồi đúc thành những bánh nhỏ, hấp chín trên bếp lửa.Với tiết trời lạnh trên cao nguyên, khi ghé thăm các phiên chợ vùng cao, bạn có thể gặp hình ảnh những thực khách xuýt xoa bên những bếp lửa hồng, chờ món bánh còn nóng hổi, ăn cùng thắng cố.

Thịt trâu, lợn gác bếp

Nói đến Hà Giang, món đặc sản đầu tiên không thể không nhắc đến là món thịt trâu, lợn gác bếp. Do đặc điểm dễ ăn, thơm ngon, lại có thể để được lâu, dễ bảo quản, thịt trâu, bò gác bếp luôn là món quà quý mà khách du lịch nào đến đây cũng phải mua về sau chuyến thăm tỉnh cao nguyên đá.
Thịt trâu hoặc lợn được thái dọc thớ từng miếng dài, rồi đem ướp với gia vị như ớt, gừng, đặc biệt không thể thiếu là mắc khén, sau đó được xiên vào những que to và treo lên gác bếp. Sau một thời gian, những miếng thịt sẽ se lại nhưng vẫn giữ được gia vị hòa quện trong từng miếng thịt và mang hương vị rất đặc trưng, càng ăn càng nghiện. Món ăn này giòn dai vừa thơm ngon, thích hợp cho những cuộc nhậu của đấng mày râu.

Lợn cắp nách
Lợn cắp nách có tên gọi rất đặc biệt khiến ai cũng tò mò. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì giống lợn này khá bé, người dân khi bắt lọ hay để ôm thọt vào người, hoặc treo dưới nách.
Lợn cắp nách có thể chế biến tùy theo sở thích của mỗi người. Thịt lợn có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích, có thể dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.

Măng cuốn thịt

Măng cuốn thịt có vị béo ngọt của thịt, đăng đắng của măng, thơm thơm của rau răm. Nước chấm được nấu từ mẻ, cho khoảng vài thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước vào đã có một bát nước chấm chua dịu và thơm lừng. Hương vị của măng cuốn thịt khiến du khách khó có thể cưỡng lại.

Lạp sườn

Lạp sườn là món ăn không thể thiếu ở vùng cực Bắc Tổ quốc. Lạp sườn Hà Giang có vị ngon đậm đà, chua chua ngọt ngọt, thơm ngậy của thịt, vị dai dai của lòng non bào mỏng và thơm thơm của củ gừng núi. Chế biến lạp sườn rất công phu, trước tiên đem lòng lợn non rửa sạch nhiều lần, lần cuối cùng là rửa bằng rượu sau đó phơi khô rồi thổi vào thành bong bóng để làm vỏ bọc bên ngoài. Nhân lạp sườn là loại thịt nửa nạc nửa mỡ, thường là thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn. Thịt bỏ bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, mì chính và không thể thiếu ít rượu trắng, nước gừng và một ít quả mắc mật xay nhỏ ướp cùng.

Rêu nướng
Rêu nướng là món ăn truyền thống của nguồi Tày và được xem là món ăn lạ lùng ở Hà Giang. Rêu có thể chế biến thành các món rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món rêu trộn các loại gia vị rồi đem nướng. Rêu nướng có vị ngon rất riêng, lại có tác dụng chữa bệnh.

Thịt chuột La Chí

Người dân La Chí thường coi món thịt chuột là món ăn hàng ngày, quanh năm suốt tháng cũng giống như người Kinh ăn thịt lợn vậy. Khi đến mùa lúa chín, đàn ông thường kéo nhau đi săn chuột khắp huyện. Cho tới khi mùa gặt kết thúc, chuột đồng hết chỗ ẩn nấp sẽ trốn vào rừng thì người ta lại vào rừng đặt bẫy, đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Với những con chuột như vậy, họ có thể chế biến thành vô vàn những món ăn khác nhau như: xào, nướng, hay treo gác bếp...
Món thịt chuột phổ biến ở Hoàng Su Phì.

Bánh thắng dền

Trông giống bánh trôi nước, nhưng mang hương vị đặc sắc riêng, giản dị mà tinh khiết. Nguyên liệu làm bánh từ gạo nếp nương, rất thơm và dẻo. Thắng dền có vị ngọt đặc trưng của đường hoa mai cô đặc, vị cay của gừng. Rắc thêm sợi dừa, đậu và mè.

Thắng cố

Đây là là đặc sản chỉ có vùng miền núi phía Bắc, dùng chung với rượu ngô. Nếu bạn là một người đam mê khám phá, hãy thử qua món này.
Tiếng Mông gọi thắng cố là khấu tha có nghĩa là canh xương.  Nồi thắng cố có các nguyên liệu chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, phổ biến nhất là thịt ngựa, ngoài ra một số nơi còn chế biến với bò, dê.
Chảo thắng cố nghi ngút khói là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi phiên chợ vùng cao. 

Xôi ngũ sắc

Xôi được làm từ gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng thành 5 màu khác nhau. Màu đỏ của gấc hoặc lá cơm đỏ, màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, màu vàng của lá nghệ, màu tím lá cơm đen hoặc lá cây sau…
Xôi ngũ sắc Hà Giang có vị thơm, dẻo, màu xôi đẹp tự nhiên và ý nghĩa vô cùng độc đáo. Với đồng bào dân tộc nơi đây, 5 màu sắc của xôi tạo thành một thể thống nhất, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em.
Đến bất kì chợ phiên nào ở Hà Giang, ta cũng dễ dàng kiếm được món xôi ngon, đẹp mắt này.
Giá: 5.000đ - 10.000đ
Gần cuối phố cổ Đồng Văn có hàng xôi rất ngon, bán buổi sáng.

Rượu ngô

Hà Giang có món rượu ngô làm lưu luyến người đến, nao lòng người đi. Việc nấu rượu ngô trở thành niềm yêu thích không chỉ đàn ông mà cả đàn bà, trai bản ở Hà Giang. Họ sử dụng ngô không dùng hết cho vào ủ men để vừa uống, vừa biếu khách. Rượu ngô ở cao nguyên đá có vị cay nóng, ngọt thơm. Rượu ngô có độ cồn không cao, trung bình khoảng 25-30 độ nên người uống rượu sẽ không quá lo bị say hay mệt mà cảm thấy rất khoan khoái và ấm người.

Mèn mén

Với người Mông ở Hà Giang thì mèn mén từ bao đời nay đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Người Mông quan niệm rằng con gái Mông thì phải biết thêu thùa, biết thương chồng con, chăm lo cho bố mẹ và đặc biệt phải biết nấu mèn mén.
Có thể hiểu mèn mén đơn giản là bột ngô tẻ được chế biến qua nhiều công đoạn rồi đem hấp chín. Muốn mèn mén ngon thì hấp là khâu quan trọng nhất. Người ta thường hấp lại hai lần để ngô chín kỹ và không bị dính vào nhau.

Cháo ấu tẩu

“Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang” – câu nói quả thực đã in hằn trong tâm trí mỗi người nên ai đến đây cũng phải thưởng thức hương vị món đặc sản này. Cháo ấu tẩu được chế biến từ củ ấu tẩu ngâm trong nước gạo, sau đó ninh đến lúc bở rồi đem ra tán nhuyễn nấu cùng gạo tẻ, nếp cái, chân giò. Cháo có vị béo ngậy, bùi, hơi đắng và lạ miệng, có thể ăn cùng với rau thơm, măng chua hay thịt băm.

Cam sành Bắc Quang

Cam sành Bắc Quang rộ chín vàng rực vào dịp Tết  m, trong cái rét vẫn còn miên man. Vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang.

Rau trộn

Không giống như rau trộn làm ở miền xuôi, rau trộn này có hương vị đặc trưng miền núi. Rau trộn cũng được làm từ những loại rau như cải bắp, cải ngọt hay quả đậu, tẩm ướp gia vị, nhưng có  thêm xúc xích, bánh bao và bánh lơ khảo trộn đều với nhau.

Bánh cuốn trứng

Cũng là bánh cuốn nhưng ở Hà Giang món ăn này lại không dùng cùng nước chấm như nhiều người vẫn nghĩ. Thay vào đó, khi tráng trên bếp, bánh sẽ được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bột trắng ngần bên ngoài gói lại. Khi thưởng thức, thực khách sẽ ăn kèm với một bát nước lèo thả giò trắng thơm ngon ở trong. Món ăn này ăn lạnh hay nóng đều ngon vì vị ngậy của trứng cùng hương thơm đậm đà của nước lèo.
Không chỉ khách du lịch mà người dân ở đây cũng thường xuyên chọn bánh cuốn để ăn sáng hay thậm chí là ăn trưa trong những buổi chợ phiên.

Phở chua Hà Giang

Phở chua Hà Giang có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “lường pàn” nghĩa là “phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè. Ngày xưa, phở chua hay được người dân tộc sử dụng trong các đám cỗ của gia đình và thường thì không thể thiếu. Nhưng bây giờ, phở chua không chỉ là món ăn cỗ trong gia đình mà chúng đã phổ biến được nhiều người lựa chọn là món điểm tâm. Những du khách tới Hà Giang, nghỉ chân ven đường cũng không quên lựa chọn cho mình bát phở chua để thoả cơn đói.

Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam là một đặc sản nức tiếng ở Hà Giang cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên lửa than. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương rẫy, vừa thuận tiện, lại bảo quản được lâu. 
Để nấu cơm lam, người ta cũng chế biến từ gạo nếp nương. Gạo nếp nương sau khi được ngâm, đãi kỹ được xóc một chút muối rồi cho vào ống tre, đổ nước, dùng nút chuối hoặc lá dong tươi nút đầu ống còn lại. Sau  đó, người ta cho ống tre lên bếp than hồng, xoay tròn cho đến khi hạt cơm bên trong chín đều. 
Trước khi ăn, người ta dùng dao chẻ bỏ phần ống tre đã cháy ở bên ngoài, để lại một lớp trắng phía trong. Khi ăn, hương thơm nồng nàn, độ dẻo của nếp hòa quyện với vị mặn của muối, hương thơm đặc trưng của lá chuối sẽ khiến du khách thích thú. Thú vị hơn nữa là khi dùng cơm lam với muối vừng, thịt nướng hay cá suối nướng sẽ cảm nhận vị cơm lam Bắc Mê thơm ngon và bùi hơn.

Hồng không hạt
Nếu đến Hà Giang vào mùa từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, du khách đừng quên thưởng thức hồng không hạt, một loại quả đặc trưng của vùng đất này. Đây là giống hồng địa phương, thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết đất đai và được trồng chủ yếu ở huyện Quản Bạ.
Hồng Quản Bạ không có hạt, rất thơm ngon, mát, ăn quả ngọt đậm, giòn và nhiều bột mịn, vỏ quả cứng, thịt quả chắc, rất dễ bảo quản và vận chuyển. 

Táo mèo
Bạn có thể rất dễ dàng bắt gặp những gánh táo mèo ở bất kỳ một phiên chợ nào của Hà Giang. Loài quả nhỏ, giòn, hơi chua, hơi chát này là một món quà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào H'mong. Bạn có thể mua quả tươi về ngâm cùng rượu. Rượu ngâm từ táo mèo chính là một vị thuốc hiệu quả để chữa bệnh cao huyết áp.

Mật ong hoa bạc hà

Rất nhiều du khách đến Hà Giang đều săn lùng cho bằng được mật ong hoa bạc hà chỉ có ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn với vị ngọt thanh, dịu nhẹ và thoảng mùi hương hoa bạc hà.
Mật ong bạc hà là đặc sản quý hiếm và có sức hút đặc biệt bởi loại cây bạc hà hoặc một số thảo mộc hoang dại chỉ có ở vùng cao nguyên núi đá, ở độ cao trên 1.200 mét so với mặt nước biển. Mật ong vì vậy sánh xanh, thơm ngon, được truyền tụng bởi những dược tính đặc biệt, có khả năng bồi bổ sức khỏe, công dụng chữa các bệnh về hô hấp, tiêu hóa.

Đánh giá
5.0
1
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
100.0%
Rất tốt
0.0%
Trung bình
0.0%
Xấu
0.0%
Rất tệ
0.0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận