Đặc sản Hải Phòng ở Hải Phòng - TripHunter

Đặc sản Hải Phòng

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Hải Phòng

Bánh đa cua

Bánh đa cua là đặc sản trứ danh của đất cảng Hải Phòng. Một chén bánh đa trải qua nhiều khâu chế biến: lựa gạo ngon xay, chỉnh lò tráng bánh, phơi nắng và sương để làm ra những sợi bánh đa ngon nhất; rồi những con cua béo ngậy, những cọng rau muống giòn ngọt xanh mướt, chả lá lốt chiên thơm nồng, chả cá đậm vị đều góp một phần vào hương vị thơm ngon của món ăn. Người Hải Phòng ăn bánh đa cua vào tất cả các bữa trong ngày.

Bánh mì que

Loại bánh này còn gọi là bánh mì cay do loại tương ớt đặc biệt không thể thiếu khi ăn kèm nhân. Bánh mì que có hình dạng đặc biệt: thuôn dài, to chỉ nhỉnh hơn đốt ngón tay. Nguyên liệu làm bánh bao gồm bột mì, muối và bột nở nhưng để làm ra bánh ngon thì phải khéo léo, tỉ mỉ. Bánh mì que ăn với pa-tê gan tự chế biến và rau thơm thái nhỏ, không thể thiếu loại tương đặc biệt “chí trương”. Bánh ngon thơm nức mùi pa-tê, giòn mềm hương bánh nướng, lại cay tê vị ớt.

Bún tôm

Nguyên liệu chủ đạo của món này là bún và tôm, có thể thay thế bằng loại hải sản khác. Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm rảo tươi hoặc tôm sú, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non hoặc chân giò. Bún ăn kèm với thì là, rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, hành lá. Những con tôm đỏ au, chắc thịt cùng nước dùng ngọt thanh đậm đà, ruốc cua giã nhỏ cộng với vị giòn ngọt của các thứ rau ăn kèm bày chung vào bát bún, tất cả tạo nên một mùi vị khó quên.

Sủi dìn

Sủi dìn tương tự bánh trôi tàu nhưng những viên bánh có kích thước nhỏ hơn. Nguyên liệu chính bao gồm bột nếp, vừng đen, dừa nạo, gừng tươi, đường cùng hương liệu đặc biệt. Sủi dìn mềm dai, dẻo thơm hòa cùng vị béo bùi của vừng đen, dừa và nước dùng ngọt thanh. Không bất ngờ khi món ăn này trở thành món quà vặt phổ biến của vùng đất Hải Phòng bao lâu nay.

Cơm cháy hải sản

Cơm cháy giòn tan, nước sốt lấy nguyên liệu hải sản tươi ngon từ biển Hải Phòng để chế biến đã làm cơm cháy hải sản mang hương vị rất riêng, thơm ngon khác biệt. Bát nước sốt có màu đỏ tươi của cà chua và vị thơm của hải sản, chấm với cơm cháy thì hết sảy, ăn tới no mà chưa cảm thấy ngán.

Nem cua bể

Nem cua bể được gói thành dạng hình vuông nên còn có tên là nem vuông cua bể hoặc nem vuông. Ngoài những nguyên liệu thông thường của món nem miền Bắc, nem cua bể có thêm thịt cua bể chắc và thơm ngon đặc biệt. Nem cua không thể thiếu nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc vai, lòng đỏ trứng gà, hành lá, miến, giá đỗ cùng các loại gia vị được tẩm ướp trong quá trình chế biến. Chiếc nem thơm ngon, giòn rụm, vẫn còn nguyên hương vị đặc trưng của cua bể, chấm với nước chấm hoặc ăn kèm bún và rau sống đều tuyệt ngon.

Lẩu cua đồng

Nước dùng lẩu cua Hải Phòng nhiều gạch, vị thơm ngon đậm đà, ăn kèm với chả cá biển và bánh đa đỏ - những nguyên liệu trứ danh của vùng đất cảng. Lẫn trong màu đỏ của cà chua, màu xanh của hành lá là riêu cua phủ kín mặt nồi, nổi vàng ruộm béo ngậy. Nồi lẩu còn có “sự góp mặt” của thịt bò, đậu chiên và chả cá, sôi lục bục trên bếp lẩu và tỏa hương thơm nức mũi.

Bún cá biển

Bún cá biển có vị thơm ngon béo ngậy, được chế biến từ cả hai loại cá: cá biển (cá thu) và cá đồng (cá trôi, cá trắm). Bát bún gồm có bún tươi, chả cá vàng rụm, dọc mùng (bạc hà) và tương ớt. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà của xương và chả cá, vị cay nồng của ớt, vị thanh mát của rau sống hòa quyện.

Các loại ốc

Ngoài các loại ốc quen thuộc như ốc dạ, ốc mít, ốc nhồi, nơi đây có vô số loại ốc biển độc lạ, hương vị khó quên. Hai cách thức chế biến ốc được chuộng nhất ở thành phố cảng là hấp và xào. Khi ăn chấm với nước mắm gừng hoặc loại nước sốt sền sệt đặc biệt đủ các vị chua-cay-mặn-ngọt. Ốc ăn kèm với cóc dầm ớt hay xoài xanh chấm muối đều ngon tới xuýt xoa.

Cua rang muối

Cua thơm ngon vùng biển này được chế biến thành nhiều món như nem cua, chả cua, cua rang me… nhưng món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hải Phòng là cua rang muối. Cua rang muối được phủ lên bề mặt lớp mịn tơi và rời, cua thơm dịu, vị mằn mặn, ngọt dịu tự nhiên, không tanh. Màu đỏ tươi, điểm xuyết những hạt muối trắng xem lẫn với rau gia vị như: mùi ta, húng, xà lách, làm món ăn ngon khó cưỡng.

Chả chìa Hạ Lũng

Hà Nội có chả cốm, Hạ Long có chả mực thì Hải Phòng có chả chìa. Chả chìa với 3 nguyên liệu chính là mực, thịt lợn và mía. Thịt phải là thịt nạc còn tươi nóng được xay nhuyễn làm chả, mực phải lấy từ vùng Cát Bà mới ngon. Xay nhuyễn các nguyên liệu cùng gia vị cho thấm, tiếp đó phết lên những dẻ mía sao cho mực và thịt lợn nạc bám phải thật chặt, bao quanh dóng mía, rồi mang vào nồi hấp chín với nhiệt độ vừa phải, nước phải đủ bốc lên cho chả vừa chín tới. Chả chín có màu sắc đẹp, không khô xác hay bị vỡ nát, mía mềm sẽ tiết ra nước ngọt quyện với hương vị của chả tạo nên vị thơm ngon, rất hấp dẫn.

Giá bể (giá biển)

Giá bẻ là loài hải sản sống ở các bãi bồi ven biển, có hình thù giống như con móng tay nhưng thân mỏng hơn, chân như giá đỗ. Món ăn thông dụng từ giá bể: giá bể xào có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ ăn; nộm giá bể cuốn bánh tráng ăn kèm rau sống và chấm nước mắm chua ngọt.

Cháo khoái

Cháo nấu cùng rau ngót hoặc lá dứa. Khi múc ra bát, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn và hành phi. Món này thường bán vào buổi chiều, giá khoảng 10.000đ/bát. Quán cháo khoái bán đông khách nhất ở Hải Phòng nằm ở chợ Cột Đèn (phường Dư Hàng, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).

Gỏi rau muống tép sông

Đĩa gỏi gồm rau muống, hoa chuối bào sợi trộn với tép sông, tỏi, ớt và nước mắm. Bên trên rắc thêm ít lạc rang và húng quế. Gõi rau muống tép sông là món ăn vặt dân dã, quen thuộc của người dân xứ Hải Phòng.

Ốc xào khế

Nguyên liệu của món ốc xào khế gồm khế chua, củ nghệ, chuối xanh, lá tía tô, lá lốt, mỡ hành hoa và ốc. Các loại rau thái ngang, bóp muối, rửa sạch, vắt kiệt nước chua. Nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước màu. Ốc luộc vừa chín tới, gỡ lấy ruột, làm sạch túi phân. Sau đó, bắc chảo dầu, cho các nguyên liệu vào xào chung theo thứ tự khế, chuối xanh, ốc, nghệ, lá lốt, lá tía tô, hành hoa, rồi nêm gia vị vừa ăn là dùng được. Món này ăn kèm nước mắm chua ngọt hoặc nước mắm gừng, có thể dùng chung với cơm nóng.

Bánh đúc tàu

Bánh đúc được làm từ bột gạo có độ mềm, dẻo, dai và vị ngọt thanh. Một phần ăn gồm bánh đúc cắt nhỏ, tôm, thịt, đu đủ rán và nước mắm giấm. Quán bánh đúc ngon ở Hải Phòng là quán nằm gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

Bánh bèo Hải Phòng

Phần vỏ bánh làm từ bột gạo; phần nhân gồm hành khô, mộc nhĩ và thịt lợn băm. Bánh bèo Hải Phòng được nhiều khách ưa chuộng nhờ có phần nước chấm đặc biệt được chế biến từ nước xương, bên trong thêm hành và miếng chả dày.

Miến trộn

Miến dong ngâm và chần qua nước sôi, sau đó xả trong nước đá để sợi miến thêm giòn. Các thành phần trộn chung với miến gồm hành tây, rau cải, cà rốt, thịt lợn nạc mềm, xì dầu và một số gia vị cần thiết. Bày miến trộn ra đĩa, thêm ít ngò và chén tương ớt là có ngay món miến trộn bắt mắt, kích thích thực khách.

Nước mắm Cát Hải

Nước mắm Cát Hải là một trong những đặc sản ẩm thực trứ danh của miền Bắc và được bình chọn là 1 trong 10 đặc sản nước chấm gia vị nổi tiếng của Việt Nam. Từ lâu nước mắm Cát Hải nổi tiếng với chất lượng thơm ngon, vị đượm, giàu dinh dưỡng và đặc biệt rất an toàn vệ sinh. Nước mắm được làm từ các loại cá biển, nhiều nhất là cá nhâm, bảo quản được lâu, dùng làm nước chấm, gia vị, kho thịt… đều thơm ngon và dậy mùi đặc biệt

Bún cá thập cẩm

Điểm hấp dẫn của món bún cá này nằm ở các món ăn kèm từ cá thu, đó là dạ dày cá, bong bóng cá, chả cá, đầu cá... Nước dùng được ninh từ xương thịt lợn và nước hấp cá nên vị rất đậm đà mà không hề có mùi tanh. Một bát bún thập cẩm có giá từ 30.000đ - 50.000đ tùy theo lượng món ăn kèm. Quán bún cá thập cẩm nổi tiếng bán ngon nhưng “chảnh”  nằm ở số nhà 234 đường Hai Bà Trưng (đường Cát Dài cũ, gần đoạn giao với đường Cát Cụt).

Bánh cuốn ruốc

Bánh cuốn được làm từ bột gạo pha nước, tráng nóng thành từng chiếc bánh mỏng trắng tinh, mềm mượt. Phần nhân bánh gồm mộc nhĩ, củ sắn, thịt băm và tiêu đã xào sơ. Điểm đặc biệt của bánh cuốn Hải Phòng là đĩa bánh ngoài rắc hành phi còn có 1 lớp ruốc màu nâu đỏ và chấm kèm là nước mắm Cát Hải pha loãng.

Tôm xỉn

Món này muốn ngon phải chọn loại tôm rảo tằm – loại tôm chỉ nhỏ bằng ngón tay nhưng rất thơm ngon và chắc thịt. Tôm rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào nồi đất, đổ rượu cồn trên 50 độ ngập phần tôm. Sau 5 phút ngấm rượu thì tôm “xỉn”, đổi từ màu trắng trong sang màu trắng đục. Châm lửa đốt tôm để sức nóng của rượu làm tái tôm. Gắp tôm ra đĩa, bóc vỏ, bỏ đầu rồi gói với bánh đa nem và rau sống, chấm nước mắm pha xì dầu và dầu hào.

Cà phê nước cốt dừa

Cà phê đặc pha với nước cốt dừa và đường đánh đều, sau đó cho thêm trân châu, dừa khô, thạch đen và ít đá. Món uống này tuy có phần chế biến hơi lạ nhưng hương vị không hề tệ. Nước cốt dừa pha với cà phê tạo nên vị ngọt đắng như cà phê sữa nhưng mùi thơm hơn. Các nguyên liệu ăn kèm làm món nước thêm lạ miệng, thú vị, gần giống với trà sữa hay tào phớ.

Thạch găng

Thạch được làm từ lá găng (lá sâm), một loại lá có màu xanh mướt, vị hơi nhẫn. Người ta vò lá găng thật nhuyễn rồi để đông tự nhiên lại thành thạch. Khi ăn, thêm ít đường hoặc nước cốt dừa và đá là có ngay thức uống giải khát thanh mát trong những ngày hè.

Cá hói nướng giềng mẻ

Cá hói (cá nâu) sống được trong tất cả các loại nước mặn -  ngọt - lợ, có thịt ngọt thơm, chứa nhiều chất bổ dưỡng nhất là phần mật cá. Cá làm sạch, tách lấy mật cho vào rượu ngâm củ sả để uống riêng, thịt cá hói khía cạnh đưa vào nướng với giềng mẻ. Cá chín dậy mùi thơm, thịt và xương dăm mềm, giòn. Cá hói nướng có thể bóc tách chấm với xì dầu đặc hoặc gói với rau sống, dưa leo, chuốt chát và đồ chua. Bạn có thể thưởng thức món này tại nhà hàng lẩu Hồng Kông (372 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng).

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận