Đặc sản Lai Châu ở Lai Châu - TripHunter

Đặc sản Lai Châu

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Lai Châu

Xôi tím
Màu tím đặc trưng của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là khẩu cắm – loại cây đặc biệt chỉ có ở vùng này. Cành và lá cây khẩu cắm sau khi đã luộc, chắt nước rồi ngâm với gạo nếp trong vòng 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới thì xôi mới có màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt.


Pa pỉnh tộp
Đây là đặc sản của người dân tộc Thái. Cá chép tươi được xát chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh, tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén, rau thơm rừng, ớt bột,… băm nhỏ, trộn lẫn với nhau rồi xát đều lên mình và bụng cá. Sau đó, gấp cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín tỏa mùi thơm phức, thịt mềm ngọt.


Lợn cắp nách
Lợn cắp nách được bà con dân tộc thả rông trong rừng, tự đi kiếm ăn, mỗi con chỉ vào khoảng 10kg - 15kg, thịt rất chắc và thơm ngon. Lợn cắp nách được chế biến thành nhiều món ngon như hấp, nướng, giả cầy, hầm, nấu canh,… Món nào cũng được tẩm ướp và nấu cùng các loại lá, hạt mang phong vị núi rừng, thơm ngon, dai và ngọt. Món này mang lại cảm giác lạ miệng và đặc biệt cho du khách lần đầu thưởng thức.


Cá bống vùi tro
Cá bống ở các con sông suối, chọn những con đều nhau và sơ chế sạch sẽ, tẩm ướp với các gia vị như sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén, húng, hom,… trong vòng 15 - 30 phút. Sau đó, gói cá trong lá dong và vùi vào tro nóng. Cá chín có vị béo ngậy, thịt mềm, thích hợp ăn kèm cơm nóng hoặc xôi.


Măng nộm hoa ban
Ngoài hai nguyên liệu chính là hoa ban và măng thì món ăn này còn có thịt cá suối nướng tạo nên hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc với sự kết hợp của nhiều hương vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi. Nộm hoa ban có hương thơm quyến rũ của lá hòa quyện cùng với các loại gia vị tự nhiên, vị thơm ngát của cánh hoa, vị hơi chát của cuống lá hòa quyện với vị bùi của cá suối nướng, vị thơm của giềng non, ớt, sả…


Nộm rau dớn
Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”. Đây là 1 loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài, lá nhỏ màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Để làm món nộm, người nấu chọn những cọng rau dớn non, phơi nắng cho tái rồi chõ xôi bằng gỗ đồ lên để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt và màu xanh của rau. Món nộm rau dớn có vị bùi của rau hòa cùng chút chua, cay, ngọt của các gia vị kết hợp. Ngoài làm món nộm, rau dớn còn được chế biến làm món xào, nấu canh hay luộc.


Thịt trâu gác bếp
Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Thịt phải lấy từ phần bắp của những chú trâu khỏe mạnh, vừa mới mổ xong, còn đỏ và tươi, ướp muối trắng và treo lên gác bếp. Thịt sẽ chín từ từ nhờ khói của quá trình đun nấu, các chất ngọt trong miếng thịt tụ lại và khô quắt. Khoảng một năm sau là có thể lấy xuống ăn dần. Khi ăn, đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay. 


Rêu đá
Rêu được làm sạch, tẩm ướp gia vị, dùng lá đu đủ (hoặc lá rong) gói thành nhiều lớp buộc chặt lại nướng cho cháy lớp lá bên ngoài. Khi chín, hương vị rêu hòa với tỏi và các gia vị tạo ra một vị ngon đặc biệt, gần giống như món tảo biển với vị ngầy ngậy, mềm mềm, ngon mà không ngấy.


Canh tiết lá đắng
Món ăn này người đồng bào dùng đãi khách quý để thể hiện lòng mến khách của mình. Nguyên liệu và cách nấu canh lá đắng đơn giản: phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết, rau thơm cùng với nắm lá đắng. Không chỉ là một món ăn ngon, canh lá đắng còn có tác dụng giải rượu và chữa được bệnh về tiêu hóa.


Ve sầu rán
Người ta bắt ve sầu mang cắt bỏ hết cánh, rút ruột, nhồi một hạt lạc rang vào bụng, sau đó tẩm hạt mắc khén rồi mới đem chiên. Ve sầu chiên giòn có mùi thơm khó cưỡng, giòn rụm, vàng bóng mỡ. Món này chấm với tương ớt hoặc nước mắm trong thêm ít lát ớt đều ngon.


Thịt trộn lá chua
Lá chua mọc trong rừng quanh năm. Người ta hái lá chua về giã nhỏ, thêm ớt, hạt dổi rồi trộn với thịt lợn xắt mỏng. Đây là đặc sản của người Thái Trắng.


Mật ong Mường Tè
Ong rừng Mường Tè sống chủ yếu trong rừng, sinh sản tự nhiên nên có vị ngọt và thơm tự nhiên. Ngoài làm phụ liệu cho các món ăn, mật ong còn rất tốt cho sức khỏe và quá trình làm đẹp.


Rượu nếp than
Rượu này còn có tên gọi khác là rượu nếp cẩm. Được làm từ gạo nếp qua giai đoạn chưng cất và lên men tự nhiên nên rượu nếp than có vị nồng đượm, thơm dịu. Đây ngoài là thức uống quen thuộc của người dân vùng Tây Bắc, còn là bài thuốc chữa bệnh, giúp tăng cường sức đề kháng và làm đẹp da.

 

Rượu Sùng Phài
Đây là đặc sản của người Mông, còn có tên gọi khác là rượu Mông Kê. Rượu được làm từ hạt ngô nếp, lên men bằng lá và hạt kê thuốc tạo nên hương vị thơm ngon, êm dịu. Ngoài tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, rượu Sùng Phài còn giúp giảm bệnh xương khớp và lưu thông khí huyết. 

 

Lam nhọ 
Đây là đặc sản của người dân tộc sống ở vùng núi Lai Châu. “Lam” nghĩa là nướng; “nhọ” là nhừ. Thịt trâu hoặc thịt bò đem nướng, sau đó thái mỏng trộn cùng rau củ rừng và gia vị. Sau đó, cho tất cả nguyên liệu vào ống tre nướng tiếp đến khi chín tới thì dùng que dằm cho nhuyễn, nướng thêm lần nữa đến nhừ. Lam nhọ kết dính có vị ngọt đậm và mềm nhừ, thích hợp ăn kèm với cơm trắng.


* Một số món ăn trong ngày Tết của người Dao ở Sìn Hồ:
Tiết canh trộn hạt dổi
Gan lợn xào gừng (tùng han xáo xung)
Thịt lợn nhồi gạo nếp (tùng càng nhảng) 
Thịt lợn thăn thái nhỏ xào gừng (xéo xáo)
Xương sống lợn băm nhỏ xào chín (ò búng)
Xương đầu lợn và chân giò ninh (ò nồm)
Đậu phụ nhồi thịt lợn hoặc thịt gà băm nhỏ (tì pẩu nhảng)
Canh thịt gà (chè ò thong)
Canh thập cẩm (lài sùi đòng)
Bánh chưng đen (rùa chía)
Bánh dày (rùa trông) 
Bánh mật (thiền pan) 
Bánh bỏng (mí hoa).

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận