Đặc sản Lạng Sơn ở Lạng Sơn - TripHunter

Đặc sản Lạng Sơn

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Lạng Sơn

Vịt quay Lạng Sơn

Vịt quay là món ngon trứ danh vùng đất xứ Lạng. Vịt phải là con vừa lớn tới, không già quá mà cũng không quá non. Sau khi sơ chế, người nấu nhồi nhiều loại gia vị hái trong rừng, trong đó đặc sắc nhất là lá mắc mật vào bụng vịt rồi đem quay. Phần nước từ bụng con vịt được dùng để làm nước chấm. Khi ăn phải dùng tay xé mới ngon, thịt có vị béo, không ngấy, ngọt mặn và có chút gì như nhân nhẩn chát đắng của lá rừng.

Đào Mẫu Sơn

Giống đào này được đồng bào dân tộc trồng dưới các khe sâu của vùng núi Mẫu Sơn. Đào có màu xanh trắng, bên ngoài vỏ là lớp lông tơ mềm mịn, trái to, vị ngọt thanh, hương thơm tự nhiên, cùi giòn tan và chắc thịt. Hàng năm, cứ đến mùa đào Mẫu Sơn là lượt du khách đến đây tham quan nhiều hơn do kết hợp chiêm ngưỡng và thưởng thức thứ quả thơm ngon này.

Bánh áp chao

Bánh áp chao thoạt nhìn rất giống bánh rán. Bánh có cách làm đơn giản, chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị, rán trên chảo đầy dầu nóng bằng khuôn tròn. Bánh ăn nóng kèm với một số phụ gia, đỗ tương Quảng Uyên, rau thơm, rất thích hợp dùng trong những ngày giá rét.

Phở chua

Nước lèo phở vừa có vị ngậy của mỡ vịt, vừa thơm phức nhờ những gia vị ướp thịt trước khi quay. Khi ăn, đổ ít nước lèo vào phở là đủ để không làm mất gia vị tô phở chua. Bánh phở dẻo kết hợp với độ béo của thịt ba chỉ, vịt quay, vị chua của măng và vị đậm đà của các hương liệu tạo nên tô phở chua có hương vị độc đáo.

Lợn quay lá mác mật

Lợn quay kèm với lá mác mật, trộn đều với gia vị tạo nên hương vị đậm đà và hương thơm vô cùng nồng nàn. Thịt quay vừa chín tới khi bì vàng rộm, giòn tan, bốc mùi thơm quyến rũ. Món này được dùng kèm nước chấm pha theo công thức riêng, rau sống, đồ chua, ăn với cơm, bún hoặc bánh mì đều ngon.

Bánh cao sằng

Bánh được làm từ loại gạo tẻ vừa trắng vừa thơm, nhân làm bằng thịt lợn băm nhỏ và hành khô xào lên. Bánh được hấp gần chín thì rưới nước thịt kho, nước dừa đặc và hành phi lên trên để tạo vị béo ngậy, mùi thơm. Khi ăn đổ ngập nước chấm vào bánh sẽ ngon hơn.

Nem nướng Hữu Lũng

Nguyên liệu làm nem gồm thịt lợn, bì lợn và chút thính trộn lẫn. Nem lên men khoảng 3 ngày rồi đem nướng trên bếp than hoa là dùng được ngay. Món ăn kèm với lá đinh lăng cùng nước chấm chua ngọt.

Măng

Măng Lạng Sơn chủ yếu là măng nhỏ, có vị chua chát nhẹ và ngọt. Món măng nứa xào với lá mắc mật và măng ớt là 2 món ăn được nhiều người lựa chọn khi muốn thưởng thức măng Lạng Sơn. Món ăn này có thể ăn cùng cơm, phở hoặc bất cứ món ăn gì hàng ngày.

Mắc mật

Theo tiếng Tày - Nùng, “mắc mật” nghĩa là “quả ngọt”. Loại quả này còn có tên khác là hồng bì núi, củ khỉ hay dương tùng. Lá mắc mật là nguyên liệu tuyệt vời cho các món nướng vì hương thơm nồng nàn, kích thích khứu giác. Quả mắc mật có vị chua chua ngọt ngọt, thường được dùng để khử mùi tanh của thịt, cá và còn có thể ngâm cùng măng tươi để làm phụ liệu cho các món kho, xào hoặc nấu canh.

Cây hồi

Cây hồi là một loại cây quý đặc trưng của Lạng Sơn, được trồng chủ yếu trên địa bàn các huyện Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia… Hồi Lạng Sơn có hàm lượng tinh dầu rất cao, là loại dược liệu quý trong đông y và gia vị độc đáo không thể thiếu trong các món ẩm thực phổ biến của vùng đất xứ Lạng. Sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như Pháp, Canada, Trung Quốc…

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Công đoạn làm bánh không khác gì với bánh cuốn thông thường. Chỉ khi bánh chín, người làm bánh dùng đũa tre chia lá bánh ra 2 phần rồi đập trứng vào. Bánh cuốn trứng ăn kèm với thịt nạc kho được chà nhuyễn thành sợi và nước mắm chua ngọt.

Khâu nhục (Nằm khâu)

Món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, dần dà được người Tày - Nùng biến tấu trở thành đặc sản địa phương. Theo tiếng Hoa, “khâu” nghĩa là “hấp đến mềm gục”, “nhục” nghĩa là “thịt”, khâu nhục là món thịt hấp đến chín nhừ. Bánh thường được dùng vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi hay tân gia. Khoai được chọn làm bánh phải là loại khoai môn bên trong lòng khoai có vân màu tím, mang đi chiên vàng. Thịt ba chỉ mang luộc sơ, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vừa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. Công đoạn cuối cùng là xếp 1 miếng khoai, phía trên là 1 miếng thịt và nhân, rồi đem cách thủy khoảng 5 tiếng là bánh chín. Bánh dùng chung với trà nóng rất thích hợp.

Ngồng cải

Đây là một thứ thân non của cây, có hoa màu vàng, vị rất đắng. Ngồng cải hấp thịt bò là món ăn quen thuộc của người Lạng Sơn. Ngoài ra, ngồng cải còn có thể nấu canh, xào và luộc.

Rau bò khai

Tên khác: rau hiến, dạ yến, khau hương, phắc hiến (Tày), lò châu sói (Dao). Đây là loại rau thân leo, ngọn nhỏ mềm như sợi bún nhưng giòn, có vị bùi và ngọt. Rau bò khai thường dùng xào chung với thịt bò hoặc luộc ăn chung với bánh đa giòn.

Rau sau sau

Rau sau sau có vị bùi, chát,  ngọt và hương thơm nồng nàn rất đặc biệt. Món rau sau sau luộc chấm kèm với nước chấm Xà Đúc, đặc sản của vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình) là sự kết hợp vô cùng hoàn hảo.

Na Chi Lăng

Na được chuyển từ núi cao xuống chân núi bằng ròng rọc nên còn được gọi là “na đu dây”. Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc.

Hồng Bảo Lâm

Đây là giống hồng không hạt được trồng từ lâu đời ở xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc. Hồng ăn giòn, màu vàng đậm, mùi thơm, vị ngọt đậm.

Quýt Bắc Sơn

Giống quýt trồng ở Bắc Sơn có 2 loại là quả dẹt và quả tròn. Quýt Bắc Sơn ít hạt, có vị ngọt chua thoảng hương thơm núi rừng. Khi chín, quýt có màu vàng ươm.

Bánh coóng phù (bánh trôi)

Bánh có cách chế biến gần giống với cách làm bánh trôi nhưng nhân bánh để lạc (đậu phộng) và vỏ bánh làm từ nếp trộn với gấc để tạo hương thơm và màu đẹp. Nước đường được làm từ mật mía và gừng già. Sau khi nấu chín, bánh coóng phù có mùi thơm của bột nếp hòa với gấc, vị ngon ngọt của nước mật mía và vị cay nóng của gừng, ăn vào rất ấm bụng.

Bánh ngải

Nhân bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên được làm từ nếp, lá ngải, đậu và đường. Hình thù và cách làm bánh gần giống với bánh dày, chỉ khác là thêm nguyên liệu lá ngải giã nhuyễn trộn với nếp. Lá ngải là một loại lá rừng có hương thơm là lạ và vị hăng hăng. Tuy vậy, bánh rất dễ ăn, nhân bánh béo, ngọt, không ngấy và có hương thơm dịu nhẹ.

Lạp sườn hun khói

Được làm từ thịt lợn bản và tẩm ướp bằng một loại gừng chỉ mọc trên đá của vùng này nên lạp sườn có mùi thơm rất đặc biệt, đó là mùi của nắng vùng cao, khói bếp, thoảng mùi gừng, rượu, mắc mật. Lạp sườn có thể đem hấp hoặc rán, ăn cùng tương ớt hoặc ăn kèm với cơm trắng, xôi.

Rượu Mẫu Sơn

Đây là đặc sản của đồng bảo dân tộc Dao ở Mẫu Sơn. Rượu được chưng cất ở độ cao 800m - 1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, cách thức chưng cất được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Màu rượu trong vắt như nước suối thượng nguồn, khi uống sẽ cảm nhận được vị đậm đà, không quá cay nồng, cũng không quá nhạt, thoảng nhẹ hương thơm phụ liệu từ cây rừng.

Ếch hương Mẫu Sơn

Thường sống trong những khe núi, sông suối của vùng Mẫu Sơn, ếch hương có mùi thơm đặc trưng, không tanh như ếch đồng, nặng 500g/con, đùi to như đùi gà ri. Món ăn nào chế biến với ếch hương cũng thơm ngon và bổ dưỡng, nhắm thêm chút rượu thì không còn gì bằng.

Bánh giò gấc

Nguyên liệu và các công đoạn làm bánh giò không có gì khác với bánh giò thông thường, chỉ khác là bột nếp trộn với gấc tạo nên món bánh giò có màu quả gấc trông rất hấp dẫn. Món này ăn nóng mới ngon, chấm kèm ít tương ớt. Du khách có thể thưởng thức bánh giò gấc tại khu chợ phiên của người Tày - Dao ở xã Trấn Yên (Bắc Sơn – Lạng Sơn).

Đánh giá
5.0
1
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
100.0%
Rất tốt
0.0%
Trung bình
0.0%
Xấu
0.0%
Rất tệ
0.0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận