Đặc sản Mộc Châu ở Mộc Châu - TripHunter

Đặc sản Mộc Châu

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Mộc Châu

Bê chao
Đây là món ăn dân dã trong những bữa cơm hàng ngày của người Mộc Châu. Phải chọn thịt bê non loại ngon, đủ nạc lẫn mỡ và thái mỏng, chần qua nước sôi mới đem ướp gia vị gồm gừng, tiêu, sả, sa tế... Ngay khi bê chao vừa ráo mỡ, còn nóng hổi là mang ra ăn. Bê chao có vị thơm ngậy, thịt mềm, ngọt, chấm cùng nước tương ngọt quyện với gừng già khiến bữa cơm thêm ngon. Giá mỗi đĩa bê chao: từ 100.000đ - 200.000đ.
Cá suối nướng
Rất nhiều du khách ước mong được thưởng thức món cá suối nướng ở Mộc Châu. Mỗi con cá tuy nhỏ nhưng mùi vị cá thơm ngon tuyệt vời, không bị tanh, có thể ăn cả thịt lẫn xương. Cá suối vừa bắt được, rửa sạch, bỏ mật và ruột cá. Thay vì mổ bụng cá, người ta mổ ở lưng cá, hai nửa con cá sẽ dính nhau ở bụng rồi gập con cá theo chiều ngang, tiến hành ướp cùng mắc khén, sả, ớt, rau thơm rừng,... Sau đó, dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi khoảng 15 phút đến khi cá chuyển sang vàng ruộm, có mùi thơm là có thể dùng được. Cá suối nướng hợp vị nhất là chấm cùng mắm tỏi ớt hoặc tương ớt cay.
Thịt trâu gác bếp
Người Thái đen ở Mộc Châu hầu như nhà nào cũng trữ sẵn thịt trâu gác bếp và ăn dần trong các bữa ăn hàng ngày. Người Thái đen rất kỳ công trong khâu tuyển chọn nguyên liệu và bảo quản. Muốn thịt ngon thì phải chọn phần bắp của những chú trâu khỏe mạnh, vừa mới mổ xong, còn đỏ và tươi, ướp muối trắng và treo lên gác bếp. Thịt sẽ chín từ từ nhờ khói của quá trình đun nấu rồi khô quắt lại. Khoảng một năm sau là có thể lấy xuống ăn dần. Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay, khi ăn sẽ cảm thấy vị hơi hăng hắc của khói ám lâu ngày. Bạn có thể thấy khó ăn nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.
Ốc đá suối Bàng
Ốc đá suối Bàng mang đến một hương vị hoàn toàn khác lạ so với những loại ốc thông thường khác. Chúng thường xuất hiện nhiều vào các tháng mùa mưa, từ tháng 8 - 11 âm lịch. Những tháng khác thì nằm im dưới đất hoặc vùi mình ẩn dưới những lớp lá dày nên khó phát hiện. Ốc bắt về sau khi rửa sạch được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, thường là nấu canh hay luộc sả ớt. Vị ngon ngọt, giòn giòn của ốc, vị thơm của lá rừng kèm theo vị cay mặn của nước mắm sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại được.
Nậm pịa
Nậm pịa là một món ăn yêu thích của người Thái ở Mộc Châu, tuy nhiên đối với du khách thì cần có một chút dũng cảm mới dám ăn. Trong tiếng địa phương, “nậm" có nghĩa canh, "pịa" là chất sền sệt trong ruột non bò hoặc dê. Nguyên liệu tạo ra nậm pịa gồm thịt, đuôi, tiết đông, sụn, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng bao gồm lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân non của bò hoặc dê. Thưởng thức món này thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà… Nậm pịa là mồi nhậu thứ thiệt ở bản cao trong các phiên chợ ngày lạnh.
Cá hồi
Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh, Mộc Châu có điều kiện thuận lợi để nuôi loại cá đặc sản này. Cá hồi nơi này có giá trị dinh dưỡng cao, thớ săn, thịt chắc, không có mỡ, có thể chế biến thành nhiều món khác nhau: lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng… Món nào cũng rất hấp dẫn và thu hút khách du lịch phương xa. Các món ăn từ cá hồi được chấm với bát nước chấm mù tạt cay nồng, tê lưỡi nhưng không bị toát mồ hôi, không bí bách vì nóng bức. Hiện có 2 nhà hàng cá hồi nổi tiếng: tiểu khu Vườn Đào và nhà hàng cá hồi 64. Cá hồi có mức giá trung bình từ 200.000đ - 250.000đ/suất ăn.
Cơm lam
Theo tiếng Thái thì “lam” có nghĩa là nướng trực tiếp trên ngọn lửa, một cách chế biến từ xưa truyền lại, đơn giản nhưng rất hiệu quả. Cơm lam của người Thái không chỉ là món ăn cổ truyền đặc trưng, mà còn là biểu tượng của văn hóa dân gian và gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của người dân. Cơm được nấu bằng thứ gạo nếp đặc sản trồng trên nương, trên những thửa ruộng bậc thang của cao nguyên và được nấu trong các ống tre. Khi chín, cơm rất thơm, có màu trắng ngà và khi ăn rất dẻo. Cơm lam ăn kèm với các loại đặc sản khác của Mộc Châu như cá suối nướng, thịt chim nướng, lợn rừng nướng, gà nướng ngon và rất hợp vị.
Nộm Hoa Ban
Ngoài hai nguyên liệu chính là hoa ban và măng thì món ăn này còn có thịt cá suối nướng tạo nên hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc với sự kết hợp của nhiều hương vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi. Nộm hoa ban có hương thơm quyến rũ của lá hòa quyện cùng với các loại gia vị tự nhiên, vị thơm ngát của cánh hoa, vị hơi chát của cuống lá hòa quyện với vị bùi của cá suối nướng, vị thơm của giềng non, ớt, sả…
Rau cải mèo
Khí hậu mát mẻ của Mộc Châu rất thích hợp cho việc sinh trưởng, phát triển của cải mèo. Tuy có vị hơi đắng nhưng cải mèo ngon và rất giòn, lại dễ chế biến được nhiều món ngon, từ xào, nấu, luộc cho đến lẩu. Đây là món khoái khẩu của nhiều du khách và là món ngon thiết khách của người dân địa phương.
Khoai sọ mán
Loại khoai này được người Dao trồng ở vùng đất Mộc Châu. Khoai sọ mán có hương vị thơm bùi rất đặc trưng, màu vàng như nghệ, càng già màu vàng càng rõ hơn, thường được nấu với canh móng giò, xương sườn. Ngoài ra, món khoai này còn có thể hấp, chiên, nướng như khoai lang, khoai tây ăn rất lạ miệng. Miếng khoai nóng hổi chấm ăn với lạc vừng, vừa ăn vừa xuýt xoa bởi vị bùi của miếng khoai vàng ruộm.
Đào
Từ nước Pháp, nước Mỹ xa xôi, đào được mang về trồng và thuần dưỡng ở Mộc Châu. Đào có hai loại là đào trắng và đào đỏ. Loại đào đỏ có quả to và ngọt hơn, đào trắng thì có vị chua thanh rất đặc trưng cho Tây Bắc. Đến Mộc Châu vào những ngày cuối tháng 5 hằng năm, du khách sẽ bắt gặp những vườn đào Mộc Châu chín đỏ cả vùng đồi, cũng như những hàng rong bán đào tươi dọc quốc lộ với giá bán lẻ chỉ 15.000đ - 25.000đ/ kg.
Mận
Mận Mộc Châu là giống mận Tam Hoa, một trong hai giống mận phổ biến và có chất lượng tốt nhất ở nước ta hiện nay. Được trồng trên núi cao cộng với khí hậu mát mẻ quanh năm nên mận có vị giòn, ngọt và có mùi thơm rất đặc trưng, màu đỏ thắm hoặc tím đỏ. Vỏ quả thường có các chấm li ti nên gọi là Tam Hoa. Mỗi độ tháng 7, tháng 8 hàng năm, khắp các chợ của miền Bắc đâu đâu cũng hồng rực sắc màu của mận, đào. Giá mua tại vườn chỉ 15.000đ - 20.000đ/kg.
Dâu tây
Dâu tây được trồng ở Mộc Châu gồm có hai loại: nguồn gốc từ Nhật và từ Úc. Dâu tây Úc thơm hơn, nhưng quả nhỏ và có vị hơi chua. Giống dâu từ Nhật Bản quả to, ngọt nhưng lại không thơm bằng. Mùa thu hoạch dâu khoảng từ tháng 3 tới tháng 5. Du khách có thể tham quan các vườn dâu tây để tìm hiểu quy trình trồng, chụp ảnh và ăn quả ngay tại vườn, cũng như tự tay lựa cho mình vài kg dâu tây chín mọng để mua về làm quà. Giá dâu thường vào khoảng 180.000đ đến 300.000đ/kg.
Chè xanh
Các giống chè chất lượng đặc biệt cao được chăm sóc theo quy trình riêng biệt như Shan Tuyết, Ngọc Thúy, Bát Tiên,... có giá dao động từ 200.000đ - 500.000đ/kg. Hương vị chè đậm đà say đắm có một không hai, mỗi loại lại mang hương vị riêng, quyến rũ lòng người ngay lần đầu tiên thưởng thức.
Sữa bò tươi
Mộc Châu từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm từ sữa như sữa tươi nguyên chất,  sữa tiệt trùng, sữa đặc, sữa thanh trùng, sữa chua, váng sữa… Trong đó phải kể đến sữa bò tươi với mùi sữa nóng thơm phức, hương vị béo ngọt, vô cùng thơm ngon.
Cháo mắc nhung
Sau mỗi mùa gặt, mắc nhung mọc khắp trên nương. Đây là loại quả có màu xanh, bé bằng hạt đu đủ, cùng họ với cà chua, có vị ngọt, đắng và cay. Khi hái mắc nhung về, người ta rửa sạch, trộn với gạo, thêm ít nước, gừng, sả, rồi gói vào lá chuối vùi trong bếp nóng. Khoảng nửa tiếng, bạn sẽ được thưởng thức một món ăn hơi sệt, đắng, cay thơm rất lạ miệng. 
Nộm da trâu
Để có được miếng da ngon, người ta phải thái thịt thật mỏng, hơ qua lửa để da trâu từ màu đen chuyển sang màu vàng trong suốt. Sau đó, đem da trộn với rau thơm, lạc, rau mùi, ít hạt mắc khén và nước măng chua. Món ăn có vị ngọt thanh của thịt, trộn lẫn với vị đắng, chua, ngọt của các nguyên liệu nộm.
Xôi sắn
Đây là món ăn của người Thái. Sắn được lột vỏ, nạo sợi và trộn với nếp nương rồi đem đồ trong chõ gỗ đến khi thành hạt xôi dẻo, khô là có thể dùng được.
Xoài trứng Yên Châu
Xoài được trồng nhiều ở vùng Yên Châu, có kích thước nhỏ như quả trứng, mùi vị vô cùng thơm ngon, ngọt thanh, không gắt cổ như những loại xoài khác. 

Rượu chuối Yên Châu
Rượu chuối được chưng cất theo phương pháp gia truyền từ rất lâu đời của người Yên Châu. Chuối phải chọn những quả thật chín, sau đó người ta thái mỏng và đem phơi khô ngoài nắng. Rượu được chọn ngâm phải là rượu nguyên chất, ngâm khoảng 100 ngày là có thể dùng được.

Tỏi cô đơn Phù Yên
Đây là một giống tỏi quý chỉ được trồng trên đất Phù Yên. Tỏi có mùi vị vô cùng đặc biệt, không những dùng trong chế biến món ăn mà còn được ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh.

Bánh dày Hồng Ngài
Sau khi đồ nếp chín, người ta cho vào cối lớn và giã rồi vắt thành những cái bánh tròn trịa lót trên miếng lá chuối xanh. Theo phong tục của người dân Hồng Ngài, những chiếc bánh đầu tiên sẽ được mang cúng thần linh để cầu mùa màng, những chiếc còn lại sẽ đem nướng để dùng trong gia đình.

Dưa mèo
Dưa mèo là giống dưa chuột có kích thước lớn, cân nặng khoảng từ 800g – 1,5kg. Ruột trắng, nhiều hạt và cùi dày. Khi ăn có vị ngọt mát và rất giòn. Giống dưa này thường được bà con người Mông ở xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu trồng xen trong các nương ngô, nương lúa từ đầu mùa mưa (tháng 2-3) và thu hoạch cùng với ngô vào tháng 6-7.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận