Thị xã Gò Công được xem là “đất lành” của những ngôi nhà cổ, nổi bật trong số đó phải kể đến ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải còn gọi là Nhà đốc phủ Hải - một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX gắn với giai đoạn nhiễu nhương của đất nước.
Nhà đốc phủ Hải là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với những nét chạm trổ cầu kỳ, khoáng đạt thể hiện sự vương giả của gia đình chủ nhân còn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Sau nhiều đợt tu bổ và xây dựng, hiện ngôi nhà là một tổ hợp kiến trúc gồm nhà chính ở phía trước (533.26m²), hai nhà vuông ở hai bên (196.4m²), lẫm lúa hay kho thóc ở phía sau bao quanh một sân trời ở giữa tạo thành hình chữ Khẩu.
Ngôi nhà là một công trình chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khuôn đủ đề tài thể loại của thế kỷ XIX và một số ở đầu thế kỷ XX. Vài khung có niên đại lâu hơn kết hợp chặt chẽ hài hoà từ ấp quả đến đầu hồi, khuôn bao, đến các chấn gạch, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài còn khá nguyên vẹn. Tiền sảnh nhà làm theo kiểu châu Âu, trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn; trên đố và vòm cửa trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc thể hiện nhiều đề tài khác nhau. Các tủ, bàn, ghế phong cách cũ chạm nổi theo kiểu Louis đều hoàn chỉnh và bằng gỗ quý hay bằng cẩm thạch, đá hoa, hai chiếc ché gốm màu hoa văn rồng nổi.
Là một công trình dân dụng được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Nhà Đốc phủ Hải là sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc Đông - Tây, thể hiện sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt, trở thành một trong những ngôi nhà địa chủ thời phong kiến tiêu biểu nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.