Đặc sản Nam Định ở Nam Định - TripHunter

Đặc sản Nam Định

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Nam Định

Phở bò

Phở ở đây cũng giống vùng khác gồm bánh phở, thịt bò, nước phở và một số gia vị. Điểm khác biệt là bánh phở Nam Định sợi nhỏ, mềm, không khô cứng và nước dùng có hương vị đặc trưng từ công thức bí truyền của mỗi gia đình.

Xôi xíu

Xôi xíu được đồ từ loại gạo nếp dẻo thơm, ăn cùng với lạp xưởng, thịt xá xíu và nước sốt sệt sệt thơm lừng, đậm đà, có vị cay nồng của hạt tiêu. Món này giá bình dân khoảng 15.000đ, bán tập trung ở phố Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ…

Bánh cuốn làng Kênh

Làng Kênh nổi tiếng với làng nghề làm bánh cuốn. Bánh được làm từ gạo dẻo ngâm nước trong thời gian nhất định, thêm ít bột dong để bánh không cứng khi để lâu. Đĩa bánh cuốn gồm bánh cuốn nóng hổi vừa tráng, vài lát chả lụa, chả quế, giá luộc, húng quế, chan ngập nước mắm chua ngọt.

Bún chả

Thịt được dùng để nướng chả là loại thịt nạc mềm, được tẩm ướp gia vị kỹ càng rồi đem nướng trên than củi (than hoa). Những miếng chả được quạt vừa chín vẫn còn giữ nguyên màu thịt, chỉ có một lớp rộp mỏng nổi lên ở mặt miếng chả. Chả ăn với bún, dưa góp, hành tây và rau húng cùng chén nước mắm chua ngọt.

Bánh xíu báo

Bánh xíu báo (xíu páo) là một trong những thức quà dân dã thơm ngon của người Hoa sống ở Nam Định. Hình dáng bánh giống bánh bao chiên nhưng nhân như bánh nướng và vỏ ngoài tựa bánh pía. Nhân bánh gồm thịt xá xíu xắt hạt lựu trộn với mộc nhĩ, mỡ lợn, tiêu, gia vị và nửa quả trứng gà luộc. Bánh dùng nóng là ngon nhất.

Bún đũa

Bún đũa gần giống bánh canh ở miền Nam nhưng sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không hề nhũn. Bún có vị ngọt đậm và chua thanh, thơm dậy mùi của cua đồng, thường ăn kèm với rau muống, rau cải và rau kinh giới.

Bánh gối

Bánh gối Nam Định có hình dáng và cách chế biến hoàn toàn khác bánh gối Hà Nội. Nhân bánh làm bằng thịt nạc vai xay nhuyễn, mộc nhĩ, nấm hương thái chỉ, miến dong cùng một ít su hào hoặc củ đậu và thêm một quả trứng gà luộc. Vỏ bánh làm bằng bột mì nhồi kỹ với trứng và muối. Bánh gối mềm, có màu vàng ruộm, phồng xốp, ăn kèm tương ớt và dưa đu đủ thái sợi.

Nem thính

Nem được làm từ thịt nạc mông giã nhuyễn trộn với bì lợn và thính gạo, gói bằng lá chuối. Nem thính thường được gói trong lá đinh lăng, lá sung, chấm nước mắm pha với đường, chanh và ít lát ớt.

Chè bưởi

Chè bưởi Nam Định thơm ngon với cùi bưởi giòn, đậu xanh thơm, ngọt bùi, ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy. Chè được múc vào từng chén nhỏ và làm lạnh để giữ được hương vị của món chè. Đến Nam Định, thực khách có thể thưởng thức chè trên phố Nguyễn Du dù đã truyền qua mấy đời nhưng hương vị chè bưởi cho đến tận bây giờ vẫn không thay đổi.

Kem xôi

Xôi ở đây được làm theo kiểu xôi vò truyền thống, tơi nhưng vừa mềm vừa dẻo, thơm bùi và có vị mằn mặn chứ không biến tấu cầu kì như những nơi khác. Xôi ăn kèm với kem tươi mát, ngọt lịm cùng chút dừa non sấy khô là một sự kết hợp hoàn hảo.

Bánh mì pa-tê

Bánh mì bán ở Nam Định là loại bánh mì giòn, nhân gồm pa-tê gan, trứng ốp-la, hành phi, chút đu đủ xanh trộn chua ngọt, rau mùi, tương ớt và mỡ hành. “Bánh mì chân cầu”, “ Bánh mì Nguyễn Du” là những thương hiệu bánh mì quen thuộc ở thành phố Nam Định mà ai cũng biết đến.

Bún cá Nam Định

Bát bún cá Nam Định gồm những sợi bún trắng trong, cá chiên, đậu hũ, cà chua, nước dùng ngọt thanh và đặc biệt không thể thiếu rau cần, thì là, dọc mùng, hành hoa chẻ dài. Ăn kèm món này là đĩa rau sống và chén nước mắm trong.

Bánh bột lọc

Điểm khác biệt của bánh bột lọc Nam Định so với những nơi khác là phần nhân bánh chỉ có thịt, mộc nhĩ, không có tôm hay tép. Bánh to hơn loại thường một chút, khi hấp xong sẽ đem chiên giòn. Món này chấm nước mắm chua ngọt và ăn cùng đu đủ muối.

Bánh bèo

Bánh bèo Nam Định chỉ có bột gạo đổ vào khuôn lá chuối vuông vuông như chiếc thuyền và hấp chín, rắc hành phi lên trên. Khi ăn, cắt bánh bèo thành những miếng nhỏ vuông, chấm nước mắm chua ngọt.

Lục tàu xá

Đây là món ăn bắt nguồn từ ẩm thực Trung Hoa.  Lục tàu xá là tiếng Quảng Đông, nghĩa tiếng Việt là đậu xanh nát nhuyễn. Đậu xanh nấu cùng nước sôi đến khi chín nhừ, nhiều nơi còn cho thêm bột khoai và bột báng, sau đó thêm đường, muối, nêm vừa ăn là dùng được. Món ăn này có tính mát, rất thích hợp để giải nhiệt, giảm sốt.

Cháo sườn Thành Nam

Gạo nấu cháo sườn phải lựa loại gạo dẻo thơm, xay với một chút nước xương và lọc qua rây. Nước nấu cháo phải hầm chung với xương lợn và sườn dẻ tươi. Cháo chín múc ra bát nóng hổi, thơm phức, rắc thêm ít tiêu, ngò và hành. Người dân Thành Nam thường thêm ít nước mắm vào bát cháo và dùng bánh quẩy chấm nước cháo.

Đậu hoa

Đây là cách gọi của người Nam Định dành cho món tào phớ (tàu hủ nóng). Đậu hoa được múc ra chén sành, thêm ít nước cốt, nước đường và gừng, ăn khi còn nóng là ngon nhất.

Bún giả cầy Nam Định

Bún giả cầy là món ăn được nhiều người dân Nam Định yêu thích chỉ xếp sau phở. Thịt ba chỉ đem nướng xém phần da rồi cắt khúc, ướp gia vị, mẻ, riềng, mắm tôm và ớt trong một giờ. Sau đó, bỏ thịt vào nồi có ít dầu nóng, đảo sơ cho thịt săn lại, thêm nước ngập hai phần ba mặt thịt, ninh đến khi chín mềm là dùng được. Múc thịt ra chén, dùng chung với bún, rau mùi và hành tây ngâm dấm.

Cá nướng úp chậu

Cá chép hoặc cá trắm cỏ được làm sạch, cắt khúc, ướp gia vị để ngấm khoảng 30 phút. Sau đó, đặt cá vào một chậu nhôm, xung quanh xếp gạch và lót một lớp rơm, lá chuối bên dưới đốt cháy trong vòng 5 tiếng. Cá chín có phần da vàng ươm giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức. Cá nướng úp chậu có thể bảo quản trong tủ lạnh hoặc treo gác bếp trong một tuần. Khi ăn chỉ cần nướng lại trên bếp than hoa.

Kẹo Sìu Châu

Khi xưa, cửa hàng kẹo đặt trước đền Triều Châu nên người dân quen gọi là kẹo Triều Châu. Dần dần, nhiều người đọc chệch thành kẹo Sìu Châu. Nguyên liệu làm kẹo gồm lạc, vừng, đường và mạch nha. Kẹo có hình dáng gần giống kẹo lạc, giòn, thơm bùi và ngọt thanh. Món này thích hợp dùng kèm với trà nóng.

Bánh nhãn Hải Hậu

Bánh có hình dạng tròn, màu vàng như long nhãn nên người dân địa phương gọi là bánh nhãn. Nguyên liệu làm bánh gồm bột nếp, trứng gà, đường và mỡ lợn. Bột nếp trộn với trứng gà rồi đem vo thành từng viên nhỏ, chiên trong chảo ngập mỡ. Nước đường nấu chảy bọc phía ngoài viên bánh cho thật khéo. Bánh ngon và độ ngọt thế nào phụ thuộc nhiều vào lớp đường này.

Chè kho

Cách nấu chè khá đơn giản: đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn, trộn với nước đường rồi nhào thật đều tay. Chè có màu vàng tươi, thêm ít vừng bên trên, dùng kèm với trà nóng rất hợp.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận