Đặc sản Phú Thọ ở Phú Thọ - TripHunter

Đặc sản Phú Thọ

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Phú Thọ

Bánh tai

Bánh có tên ngộ nghĩnh này là do hình dáng chiếc bánh rất giống với tai. Nguyên liệu để làm bánh chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và gia vị. Bánh chín thơm mùi bột cùng mùi ngầy ngậy của nhân thịt. Bánh tai dễ ăn, bột bánh dẻo, mát, giòn, béo mà không ngán. Do làm bằng bột tẻ nên bánh rất lành, không bị đầy bụng, là một món ăn thích hợp vào buổi sáng.

Trám om kho cá

Trám được chọn kho cá là loại trám nhà, quả to, mỡ, cùi dày. Khi kho chọn cá tươi ngon, xắt từng khúc rồi xếp một lớp cá, một lớp trám, cho thêm lớp tương ngon, kho đến khi cạn nước. Vị chua của trám ngấm vào làm cá kho có vị chua thanh; vị ngọt của tương, chất đạm của cá làm trám mất vị chua và chát thường thấy. Trám om kho cá ăn kèm với cơm trắng rất ngon.

Rau sắn

Rau sắn có thể chế biến thành nhiều món ngon như muối, nộm, nấu chung với canh cá, dưa sắn kho cá… Dù có chế biến theo cách nào thì mỗi món ăn đều dậy mùi thơm ngon và có hương vị đặc trưng, thế nhưng ngon nhất phải kể đến là rau muối chua nấu móng giò hoặc cá. Món này hầm càng nhừ càng ngon, vị béo, ngọt của chân giò và cá sẽ ngấm vào rau sắn; vị chua từ rau sắn thấm sâu vào chân giò.

Rêu đá

Rêu được lấy về, làm sạch, tẩm ướp gia vị, dùng lá đu đủ (hoặc lá rong) gói thành nhiều lớp buộc chặt lại nướng cho cháy lớp lá bên ngoài. Khi chín, rêu hòa với tỏi và các gia vị tạo ra một vị ngon đặc biệt, gần giống như món tảo biển với vị ngầy ngậy, mềm mềm, ngon mà không ngấy.

Xôi nếp gà gáy

Nếp gà gáy thân dài, hạt to, khi đem đồ xôi chín nhanh, dẻo thơm. Ăn kèm với xôi là muối vừng hoặc gà đồi nướng.

Thịt chua

Thịt dùng làm món thịt chua phải là loại lợn được chăn thả tự nhiên, nuôi lớn hoàn toàn bởi những sản vật của núi rừng nên thịt rất chắc, thơm ngon và ngọt thịt. Thịt được sơ chế rồi thêm chút muối, ướp trong thính gạo, sau 2 – 3 ngày thịt sẽ lên men, dậy hương thơm đặc trưng của núi rừng. Thịt chua ăn kèm với bánh tráng, lá sung, lá ổi, lá đinh lăng... và chấm cùng tương ớt hạt tiêu.

Cơm nắm lá cọ

Bên cạnh nón mành cọ, lá cọ, xứ Phù Ninh còn có một đặc sản là cơm nắm lá cọ. Cơm nấu chín, nắm tròn lại rồi lăn nhuyễn, cho vào tàu cọ non, túm lại cho chặt. Cơm thơm mùi gạo quyện với hương cọ, chấm với muối vừng, muối sả hoặc ăn kèm sườn lợn rang muối.

Tằm cọ

Đây là món ăn đặc biệt từ khâu nuôi tắm cho đến chế biến: tằm nuôi trên thân cọ trong khoảng một tuần rồi được nướng trên lò đất nung chứa than hoa đốt từ thân cây cọ già. Khi chín, tằm cọ vàng ươm, đượm màu cánh gián, tỏa mùi thơm quyến rũ. Món ăn có vị bùi, béo ngậy, ngọt ngào của tằm cọ. Thực khách chấm tằm cùng với muối ớt, nhắm với chút rượu sắn, càng ăn càng ngon.

Xáo chuối Lâm Thao

Đây là một món ăn dân dã song lại rất được ưa chuộng trong những bữa tiệc cưới, khao họ, đám giỗ… Xáo chuối có mùi thơm lừng của riềng, vị ngọt của tương, chuối, xương và tiết lợn. Món này ăn ngon nhất khi còn nóng.

Bưởi Đoan Hùng

Được xem là một trong những giống bưởi ngon nhất, buổi Đoan Hùng nổi tiếng với những tép trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất. Giống bưởi này còn quý ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm mà ăn vẫn ngọt, ngon như thường. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, nằm trên khu vực ngã ba sông của con sông Lô và sông Chảy, quanh năm phù sa bồi đắp cùng kỹ thuật trồng của người dân đã tạo ra loại bưởi ngon đặc biệt.

Chè con ong

Nguyên liệu nấu chè con ong gồm nếp, mật mía chứ nấu đường kính thì hạt xôi vẫn trắng và không đẹp. Nếp được đem nấu thành xôi, rồi hòa cũng bánh mật nấu trong nước đường, khuấy liên tục đến khi nồi chè đậm một màu nâu óng thì chè vừa chín, cho thêm gừng già nhỏ vào. Vì có màu sắc giống như màu mật ong nên người dân đã đặt tên cho món ăn này là chè con ong. Nhiều vùng còn gọi món này là xôi vị vì hình dáng món ăn giống như xôi ướp đường.

Cọ om

Cách chế biến món ăn này rất đơn giản: nấu nồi nước sôi liu riu, đun quả cọ nhỏ lửa khoảng 5 - 10 phút, om cho đến khi có màu nâu sậm, áng mỡ nổi quanh nồi thì đổ ra rổ, để ráo nước là có thể ăn. Đây là thứ quả nhiều du khách muốn thưởng thức khi đến Phú Thọ.

Lạp vịt

Lạp vịt là đặc sản của vườn quốc gia Xuân Sơn. Vịt được làm sạch, lọc xương, thái mỏng, trộn với hoa chuối xắt mỏng và gia vị, trong đó đặc biệt là có hạt và lá dổi - loại lá hiếm có của vườn quốc gia Xuân Sơn. Tất cả nguyên liệu được bỏ vào ống giang, đậy kín và đun trên lửa đến khi không còn thấy sôi và sủi bọt nữa thì lấy lạp vịt ra ăn. Vị ngọt của thịt hòa cùng vị chát của hoa chuối và mùi gia vị tạo nên món lạp vịt vừa quen như món gỏi vịt lại lạ lạ vì khâu chế biến khác biệt. Đây là món ăn bạn phải thử qua khi có dịp đến vườn quốc gia Xuân Sơn.

Mắm cáy rau lang

Mắm cáy là loại mắm dân dã, được làm từ con cáy (gần giống con cua) ở các bãi ven sông. Rau lang là loại rau hương đồng gió nội, thường tự mọc ven sông hoặc trong vườn nhà. Rau lang chọn đọt non, đem luộc vừa chín, gắp ra khỏi nồi nước, để ráo. Mắm cáy đem kho cho đến khi nước sền sệt, nêm vừa ăn là được. Gắp cọng rau lang chấm ít mắm cáy ăn kèm với cơm thì còn gì bằng, đúng chất món ăn thôn quê.

Cua đồng làng Lời - Lâm Thời

Làng Lời có nhiều cua đồng béo ú, trắng hồng, thịt ngọt, nhiều gạch và mỡ cua vàng ngậy nên chế biến món ăn nào cũng ngon và bổ dưỡng.

Chè (trà) Phú Thọ

Phú Thọ nổi tiếng với chè khô và chè tươi có vị đắng tự nhiên, hương thơm nồng nàn. Một số loại chè nổi tiếng: chè đen, chè xanh, chè ô lông, chè ướp hương... Khi đến tham quan các vườn chè hoặc cửa hàng chuyên bán đặc sản Phú Thọ, bạn sẽ có dịp thưởng thức một số loại chè nổi tiếng.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận