Đặc sản Quảng Nam ở Quảng Nam - TripHunter

Đặc sản Quảng Nam

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Quảng Nam

Mì Quảng
Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế tác từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng biệt. Ðúng như tên gọi, mì này nguyên có nguồn gốc xuất phát từ xứ Quảng Nam. Gắp một đũa mì cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp một ngụm nước lèo cho phát ra tiếng "soạt", khi đó mới thấy cái thú, cái ngon đầy miệng. Nhìn tô mì đầy đặn, bên những chú tôm đỏ tươi là một lới rau ngò xanh xanh, dăm ba hạt đậu phộng được rải đều, làm cho ta cảm thấy vui mắt và chỉ muốn ăn ngay. Và đúng là phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng kia. Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Ðông Bắc phố cổ Hội An, ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới thật đúng “tông”. Chỉ có rau ở vùng này mới thể hiện hết nhiều mùi vị hương thơm: cay, chát, ngọt, đắng,… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.

Cao lầu Hội An
Mới nhìn cao lầu trông giống như mì nhưng không phải mì, nhìn kỹ lại giống sợi phở. Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Thưởng thức món cao lầu, bạn sẽ có cảm giác sựt sựt của sợi mì, vị hăng của rau sống, mắm, bột thơm, nước tương và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Cơm gà Hội An
Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Cuối cùng là bày cơm ra đĩa, cho gà đã xé lên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt. Với tất cả sự khéo léo tỉ mỉ trong cách chế biến của mình, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà rất riêng, mang đậm dấu ấn.

Bánh tráng cuốn thịt heo Đại Lộc
Những lát thịt heo Đại Lộc cũng được lấy từ phần mông của con heo, cũng được thái mỏng thành từng lát như cách chế biến món bánh tráng cuốn thịt heo ở nhiều nơi khác nhưng cái hay là ở chỗ, lát thịt bình thường gồm ba phần rõ rệt da, mỡ, nạc thì lát thịt ở đây lại mỡ - nạc xen kẽ một cách ngộ nghĩnh. Ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo Đại Lộc là chén nước mắm nêm được pha rất đậm đà, thơm phức và một dĩa rau sống.

Bê thui Cầu Mống Điện Bàn
Bê được chọn vừa đủ lớn để thịt không nhão. Khi thui xong bê có màu đỏ hồng, da vàng rộm. Mắm ăn kèm phải từ loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Những miếng chuối chát cùng nộm đu đủ chua chua, ngọt ngọt sẽ làm món bê thui đượm vị và bớt ngấy hơn.

Cháo lươn xanh 
Cháo lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống lúa Thăng Bình, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng. Gạo sau khi làm sạch được nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ trong một nồi riêng. Lươn bỏ vào hũ đất, cho muối sống vào chà xát nhiều lần để hết chất nhờn rồi rửa sạch bằng nước giếng. Tiếp đó, người ta bỏ ngũ tạng lươn rồi chặt từng khúc nhỏ, trộn đều với sả, dầu, đậu phộng thêm chút tiêu, hành, ớt rồi um lên bằng nồi đất. Cháo múc lên thật nóng rồi cho lươn um vàng vào ăn kèm với rau cải xanh, đĩa ngò tây, lá hành, rau răm và một cái bánh tráng giòn.

Cá chuồn núi Thành
Từ tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch), nếu bạn có dịp về biển Rạng (Núi Thành – Quảng Nam) giữa mùa rộ cá chuồn thì hãy thử qua món cá chuồn xanh nướng. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cứ cầm hẳn trên tay, bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh, tuyệt hơn nữa là cuốn cá trong bánh tráng lề (bánh tráng cuốn) kèm rau sống, chấm nước mắm ớt.

Phở sắn Quế Sơn
Để có được những tấm bánh phở thơm ngon, đảm bảo chất lượng đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn chế biến khá công phu. Người ta bào củ sắn, xắt thành lát rồi đem phơi khô, sau đó xay thành bột. Vị dai dai, bùi bùi của sợi phở sắn cùng vị ngọt của tôm thịt, giòn giòn của rau, cay của ớt xanh và béo béo của đậu phộng đã tạo nên hương vị đặc trưng, mặn mà của món phở sắn. 

Gà tre đèo Le
Các món được chế biến từ gà tre đèo Le rất đa dạng, từ nướng, hấp hành, rô ti đến luộc  nhưng ngon nhất chính là món gà nướng. Gà được nướng nguyên con, bên dưới là rau răm trộn với thịt, bên trên là hành tím đập dập và lá chanh xắt nhỏ. Món ăn này được bán khắp nơi ở Quảng Nam nhưng muốn thưởng thức đúng chất gà tre nướng thì phải ăn món này ở đèo Le.

Mực cơm biển Ngang
Mực cơm thịt dày, vị ngọt, thơm ngon, chế biến được nhiều món khá lạ miệng như mực cơm xào khóm, mực cơm chiên mắm gừng hay mực cơm nhồi thịt nhưng đặc sắc nhất và giữ trọn hương vị biển nhất vẫn là món mực cơm hấp.

Bánh mì Hội An
Bánh mì Hội An với những lát thịt lợn, pate, dưa leo, rau thơm và loại nước sốt thịt đặc trưng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Ở Hội An có những tiệm bánh mì rất nổi tiếng với cả du khách trong và ngoài nước, đó là bánh mì Phượng (Phan Châu Trinh), bánh mì Madam Khanh (Trần Cao Vân) và bánh mì bà Lành (Cửa Đại).

Bánh tổ
Đây là một loại bánh truyền thống của Quảng Nam, thường xuất hiện vào dịp Tết. Bánh được làm từ gạo nếp, gừng và đường đen. Ổ bánh chín được rắc thêm ít mè lên bề mặt. Bánh tổ có thể để được lâu, ăn dần dà cả tháng.

Mì lươn
Sợi mì làm món này là mì Quảng. Lươn làm sạch, gỡ lấy thịt, ướp nghệ tươi và gia vị rồi đem um 5 phút, sau đó thêm nước ít lá nén, hành vào sẽ có ngay 1 nồi nước lèo. Tô mì lươn ngon phải cho thêm ít đậu phộng, hành lá thái nhỏ. Rau ăn kèm món này là bắp chuối, xà lách, rau thơm, ngò, cải non,...

Cá đuối
Cá đuối có thân dẹp, hình rẻ quạt, đuôi dài, đầu nhỏ xíu, xuất hiện nhiều ở vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Thịt cá đuối chứa nhiều chất bổ, vừa béo, bùi, lại thơm nên làm món nào cũng tuyệt vời, nhất cá đuối nướng lá nghệ và lẩu cá đuối.

Bánh đập
Món ăn này đơn giản chỉ là 1 chiếc bánh tráng gạo nướng, rồi phết lên một chút dầu phụng đã phi hành tím, sau đó kẹp với 1 chiếc bánh tráng nướng khác. Trước khi ăn, thực khách phải đập 2 cái bánh lại nên có tên gọi là bánh đập. Món này ăn kèm với mắm nêm.

Bánh xèo tép
Cách chế biến món này rất đơn giản: cho tép đã xào sơ trước đó vào chảo ít dầu, sau đó đổ bột bánh xèo vào tráng đến khi bánh vàng tươi, giòn là lấy ra được. Một phần bánh xèo đầy tép trông vô cùng hấp dẫn, ăn kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt.

Bánh bèo
Phần bánh dày hơn so với bánh bèo Huế, được đựng trong chén lớn bằng lòng bàn tay. Phần nhân bánh gồm tôm thịt và nấm mèo bằm nhuyễn. Món này dùng dao tre để ăn (1 thanh tre vót hình lưỡi tre) và chấm nước mắm pha ngọt dịu.  

Chuối chần
Chuối chần được làm từ loại chuối sứ (chuối chát). Người nấu dùng dao cắt nhẹ phần thân chuối, đem ngâm nước pha ít nước cốt chanh khoảng 10 phút thì lấy ra để vào rổ cho ráo nước. Sau đó, chần chuối trong nồi nước sôi khoảng 1 phút thì lấy ra, trộn với hỗn hợp gia vị, bỏ vào hủ, ngâm khoảng 2 - 3 ngày là dùng được.

Mít hông
Múi mít trộn với ít gia vị, cho đậu xanh vào nhân, rồi đem cách thủy khoảng 30 phút thì chín, rắc thêm ít đậu phộng và dừa sợi lên mít. Mít hông ăn rất ngon bởi có vị ngọt đậm đà từ các nguyên liệu và hương thơm đặc trưng.

Cơm ghế hạt mít
Múi mít đem phơi khô khoảng 3 ngày thì được thái sợi. Cơm nấu gần sôi thì cho mít vào, trộn đều. Cơm ghế hạt mít thích hợp dùng chung với mắm cá cơm.

Canh bột báng
Bột báng đem vo sạch, ngâm với nước khoảng 15 phút rồi cho lên bếp đun sôi đến khi hạt nở to, trong suốt, tách rời từng viên. Nguyên liệu nấu chung với bột báng rất đa dạng, tùy theo sở thích từng người: chả thịt, cua, tiết, trứng cút,… Nước canh được hầm từ xương gà hoặc xương heo và trứng đánh tan. Khi nước sôi thì cho bột báng và các nguyên liệu dùng kèm vào, nêm nếm gia vị vừa ăn. Múc canh bột báng ra tô, thêm ít hành, ngò và tiêu xay là có ngay món ăn ngon, rất thích hợp dùng vào mùa mưa.

Xôi gà lên mâm
Một mâm xôi gồm: xôi có màu nghệ, thịt gà xé phay, mỡ hành và sa tế kèm theo một chén nước dùng. Điểm hấp dẫn nhiều thực khách là ở phần thịt gà béo ngậy, dai dai tạo hương vị khó quên.

Phở sắn cá lóc
Sợi phở được làm từ củ sắn nên có hương vị thơm ngon tự nhiên, ít chất béo. Nước lèo được nấu từ nước luộc cá lóc đồng tạo nên vị ngọt thanh. Tô phở sắn cá lóc ăn kèm với hoa chuối, rau húng, tía tô,... cùng ít bánh đa nướng và chén nước mắm trong.

Bánh hột xoài
Nhiều người lầm tưởng nguyên liệu chính làm món bánh này là xoài nhưng không phải, chỉ do bánh có hình dáng giống trái xoài nên dân gian gọi tên như thế. Bánh được làm từ bột nếp với phần nhân là mè giã nhuyễn, đậu phộng, bơ đậu và đường cát. Khi bánh hột xoài hấp chín có mùi thơm ngào ngạt, ăn vào ngọt lịm tận cổ họng.

Măng núi trộn
Măng được hái từ vùng núi Quảng Nam, búp to, thân trắng ngần, mùi rất thơm. Măng được xắt sợi, luộc qua nước sôi chừng 5 phút thì vớt ra rổ cho ráo nước. Nước trộn măng đơn giản được làm từ nước mắm tỏi, ớt xiêm (loại ớt trái nhỏ, hạt nhiều, thường có ở vùng đồi núi Quảng Nam) thật cay nồng. Sau khi trộn xong, rắc thêm ít đậu phộng, hành phi và rau húng lên đĩa măng để tạo hương vị đậm đà, ăn ngon miệng hơn.

Tương ớt xào
Quảng Nam là một trong những vùng trồng ớt nhiều nhất nước ta. Tương ớt xào được làm từ loại ớt sừng trâu có màu đỏ cay rất đẹp mắt và quyến rũ. Bạn có thể dùng trực tiếp tương ớt xào như 1 món ăn hoặc chế biến với các nguyên liệu khác như cà chua, cà tím, đậu hũ,... Tương ớt xào được bán ở các chợ hoặc siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Xương rồng
Đây là 1 loại cây có gai, thường sống ở vùng khô hạn như miền trung. Xương rồng loại bỏ phần gai, thái mỏng rồi đem luộc sơ để bớt nhớt. Sau đó, vớt xương rồng ra rổ cho ráo nước là có thể chế biến những món ăn như xương rồng xào với ớt, tôm, thịt, canh chua hoặc gỏi xương rồng.

Món láp
Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Ve sống ở vùng miền núi Quảng Nam. Món láp có thể được làm từ các loại thịt như thịt gà, heo, dê,... Với cách chế biến như món dê tái, bò tái của người Kinh, thịt láp chỉ cần hơ lửa nhẹ rồi băm thật nhuyễn, trộn gia vị và lá rừng là dùng được.

Zờ rá
Đây là đặc sản của người Cơ Tu sống ở Quảng Nam. Theo tiếng Cơ Tu, zờ rá chỉ hành động đập, giã, làm vỡ vụn một thứ gì đó. Nguyên liệu làm món này gồm các loại rau, lá rừng, tiêu, ớt, thịt tươi sống như kỳ nhông, gà rừng, cá suối, óc hươu nai, trâu. Các nguyên liệu được bỏ vào ống cây lồ ô, đổ thêm ít nước, nấu trên bếp lửa. Khi thấy thức ăn chín nóng thì lấy móc gai của cây mây rừng xộc mạnh, làm nhuyễn nguyên liệu. Để lửa riu riu, thường xuyên đổ thêm nước đến khi món ăn tỏa mùi thơm là dùng được. Món này chỉ ngon khi ăn nóng.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận