Đặc sản Quy Nhơn - Bình Định ở Quy Nhơn - Bình Định - TripHunter

Đặc sản Quy Nhơn - Bình Định

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Quy Nhơn - Bình Định

Bún chả cá Quy Nhơn
Nồi nước dùng được nấu từ xương cá tươi, tạo vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh. Chả cá được làm từ những loại cá tươi: cá thu, cá mối, cá rựa, cá chuồn,… Sự hòa quyện giữa bún, chả cá, nước lèo và rau ăn kèm cùng vị chua của chanh, cay của ớt làm thành tô bún ngon, đậm đà hương vị miền biển.

Mắm nhum Mỹ An
Để làm mắm nhum, người ta lấy thịt nhum, rắc một ít muối hạt lên trên, vùi vào bếp tro hoặc để ngoài nắng từ 10 - 15 ngày. Mắm nhum khi chín thì nhuyễn tan, sền sệt, có màu đỏ đục, thơm rưng rức. Vị mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, thực khách ăn cách gì cũng cảm thấy ngon. Người dân biển lại thích ăn mắm nhum với bún tươi hoặc bánh tráng, rau sống và thịt ba chỉ.
 
Bún tôm Châu Trúc
Nguyên liệu chính gồm có tôm tươi và bún gạo. Khi ăn có thể cho thêm chút muối ớt, ớt bột, nước mắm nhĩ dầm ớt xanh. Bún tôm thường ăn kèm bánh tráng nướng giòn rụm.

Bánh hỏi Diêu Trì
Đây là món ăn thường được dùng cúng giỗ hay cưới hỏi, lễ lạt. Bánh được làm từ gạo tám thơm, xay bằng cối đá cho ra hỗn hợp nước sền sệt, hấp chín rồi ép thành sợi. Khi ăn, cho thêm chút dầu phộng hoặc dầu dừa đã khử hành chín và lá hẹ xắt nhỏ. Món này ăn kèm với cháo lòng và đĩa lòng heo.

Nem chợ Huyện
Được làm từ thịt và bì, ủ men, nem chợ Huyện gồm nem tươi và nem chua. Nem tươi nướng ăn ngay, thêm tỏi giã, nướng liu riu trên lửa. Nem chua gói bằng lá vông bên trong, lá chuối bọc bên ngoài. Sau khi gói được ba ngày là dùng được, ăn kèm với tỏi. Du khách tới đây có thể mua những xâu nem chua về làm quà cho bạn bè và người thân.
 
Rượu Bàu Đá
Trước khi trở thành một trong những loại rượu nổi tiếng trên cả nước, rượu Bàu Đá được dùng trong các buổi yến tiệc của vua chúa ngày xưa. Rượu ngon nhờ nguồn nước của vùng và công đoạn nấu nhiều công phu. Rượu không gây nhức đầu, uống đến đâu thấy ấm người đến đó, có mùi thơm lan tỏa hương lúa và đọng lại dư vị ngọt ngào thoang thoảng men cay.

Gié bò
Món gié được nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò, có vị đắng và hôi. Để khử vị đắng, người nấu phải bỏ thêm lá dong rừng và ớt chín. Đầu tiên, nấu huyết, phổi, gan bò rồi vớt ra để riêng, nước cốt đó mang đi nấu với ruột non để thành món gié. Để tăng hương vị, người ta còn bỏ thêm các loại rau thơm như húng, ngò tàu và giá luộc. Gié ngon nhất khi ăn nóng. Mùi thơm của rau, vị đắng của nước gié, chua của lá dong, cay nồng của ớt khiến thực khách mê say. Vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu Bàu Đá nổi tiếng tại đây thì tuyệt vời không sao kể hết.
 
Bún Song Thần
Bún Song Thần có thể được làm từ bột đậu xanh, đậu trắng hay đậu đen, nhưng làm bằng bột đậu xanh là ngon nhất. Để có được những miếng bún Song Thần trắng, sáng và thơm ngon đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ của người làm bún. Bún mua về nấu canh với tôm, cua hay thịt nạc đều ngon tuyệt hoặc đem xào với thịt lại càng thơm ngon. Nếu để lâu, sợi bún vẫn dai, chẳng hề đóng cục như loại bún thường.
 
Bánh ít lá gai
Trong các mâm cỗ ngày lễ, tết trọng đại của người dân địa phương tại đây không thể thiếu bánh ít lá gai. Bánh mặn được làm bằng bột nếp trong có nhân tôm thịt; bánh ngọt được làm bằng bột nếp quết với nước cốt lá gai, bên trong có nhân dừa, đậu xanh hoặc kết hợp cả hai. Bánh để được khoảng 4 ngày. Vì có tính hỗ trợ tiêu hóa rất tốt nên bánh thường được dùng sau những bữa ăn như là món tráng miệng. 

Cua huỳnh đế
Cua huỳnh đế được xem là vua của các loài cua bởi thịt cua thơm ngon. Cua có màu trắng, mùi thơm, nhai kỹ có vị bùi, ngọt, mằn mặn, rất bổ dưỡng cho sức khỏe. Cua có thể chế biến các món như: hấp, luộc, rang me, rang muối, nướng,... nhưng ngon và đơn giản nhất là món hấp, ăn với muối tiêu ớt xanh hoặc luộc lấy thịt nấu cháo.
 
Chả cá Quy Nhơn
Được làm từ những con cá thu bóng bẩy, tươi ngon, thịt ngọt, chứa nhiều dưỡng chất, chả cá Quy Nhơn có độ dai vừa phải, mềm và giòn. Chả cá hấp và chả cá chiên là 2 thành phần quan trọng xuất hiện trong nhiều món ăn Bình Định quen thuộc như bún, bánh mì, bánh cuốn,...

Mắm cá thu
Nổi tiếng có mùi thơm dễ chịu, vị đậm đà, ăn rất ngon, mắm cá thu thường được cắt khúc chưng cách thủy với nấm đông cô, thịt heo xay, gừng, ớt và hành lá. Khi chín, mắm có màu vàng kem, dậy mùi thơm phức, hấp dẫn vô cùng, ăn kèm là rau sống, dưa leo, bánh tráng hoặc cơm nóng.

Bún sứa nước lèo - lẩu sứa
Sứa bắt về được rửa sạch nhớt, ngâm với nước lá ổi hoặc phèn chua trong 1 ngày cho sứa se lại và mất đi mùi tanh. Sau đó xả trong nước lạnh và đem thái nhỏ. Nồi nước lèo hay lẩu được nấu từ sứa, thịt băm nhuyễn nên nước rất ngọt. Khi ăn chỉ cần thêm bún, sứa, chả và rau vào nồi nhúng hoặc chan ngập nước vào tô là có ngay món ngon từ sứa. 

Gỏi sứa
Sứa vừa mới vớt về được sơ chế, trộn chung với chút rau thơm, xoài, khế, rưới chút nước mắm ngon và nêm nếm cho thật vừa khẩu vị, rắc thêm ít đậu phộng. Vị ngọt mềm, sần sật của thịt sứa hòa lẫn vào nguyên liệu đi kèm, ngon và mát.

Tré
Tré nhìn giống nem nhưng hương vị hoàn toàn khác biệt. Ăn tré là cảm nhận cái vị thơm bùi của mè cùng vị chua thanh. Tré là một món ăn gần giống như nem nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Thành phần chủ yếu là thịt heo, tai heo, riềng, mè trộn lẫn với nhau. Trong gói lá ổi, ngoài bọc lá chuối. Tré chỉ là món ăn chơi, nhưng đã trở thành một món đặc sản nổi tiếng của Bình Định và một số tỉnh miền Trung.

Bánh xèo tôm nhảy
Nguyên liệu chính của món ăn này gồm bột bánh xèo, tôm, thịt bò, giá sống và một vài loại rau bản địa. Đặc biệt, tôm phải là loại tôm tươi, tốt nhất được bắt ở đầm Thị Nại. Bánh xèo tôm nhảy dùng kèm với bánh tráng dẻo, rau sống, dưa leo, xoài xanh và chén nước mắm chua ngọt.

Các loại cá:
Cá chua

Từ “chua” trong tên gọi cá chua không có ý chỉ vị chua trong thịt cá, “chua” theo cách hiểu của người ngư dân là biểu thị sự gian khổ trong lao động. Cá chua chủ yếu sống trong môi trường nước lợ, mình dẹt, da trắng, nhiều xương, thịt săn chắc, vị đậm đà. Nhiều món ngon làm từ cá chua như món kho, hấp, nấu mẩn, nấu chua với lá giang,...

Cá bống Lại Giang
Vùng sông Lại Giang có loài cá bống mập mạp, trắng tinh, chắc thịt và ngọt. Cá bống làm món kho tiêu là ngon nhất, thường ăn kèm với cơm nóng và rau sống hoặc dưa leo, đồ chua.

Cá niên An Lão
Vùng An Lão là nơi cư trú của nhiều cá niên, loại cá có mình trắng, to cỡ 2 ngón tay. Ngoài món cá nướng quen thuộc, gỏi cá niên là món ăn được nhiều người yêu thích. Cá làm sạch, xắt lát, vắt chanh trộn với lá dớn non, đọt non cây lộc vừng, thêm chút ớt xanh và đậu phộng rang. Nước sốt được làm từ nước luộc đầu cá, lòng cá băm nhuyễn, nước mắm, chanh, tỏi, ớt nấu trên lửa riu riu. Rưới phần nước sốt lên gỏi là có ngay món gỏi cá niên ngon mê ly.

Cá rựa
Đây là loại cá thân tròn, mình dài, sắc da không trắng mà xanh. Cá được chế biến làm nhiều món ngon như gỏi, chả cá, món kho, xào, ngon nhất là món cháo cá rựa. Cháo có vị ngọt lịm, béo bùi và thơm lựng.

Cá chẻm đầm Thị Nại
Loại cá này có hình dáng và kích thước như cá chép. Phần ngon nhất của cá chẻm là lòng cá, thường được chế biến làm món xào. Lòng cá chẻm xào hành cùng rau củ rất ngon: gan cá bùi mà ngọt, mỡ cá béo, thơm ngậy, bao tử cá giòn giòn, dai dai. Muốn ăn được cá chẻm ngon bạn phải tìm đến khu vực đầm Thị Nại, nơi có nguồn cá tươi ngon và được bán với giá rẻ.

Chình mun Châu Trúc
Chình mun Châu Trúc là loài cá da đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng quý hiếm vì có giá trị bổ dưỡng rất cao. Món súp cá chình mun Châu Trúc được sánh ngang với súp bào ngư, vi cá. Ngoài ra, cá chình mun thường được nấu măng hoặc lá giang có tính chất giã rượu, hoặc ngâm nguyên con chình mun vào rượu để chữa đau lưng, trị thận.

Cá bò
Đây là loại cá có mình dẹp, da dày màu xám trắng, con to nhất cỡ bằng hai bàn tay người lớn xòe ra. Thịt cá không những thơm, ngọt và dai như thịt gà mà còn có tác dụng bồi bổ, chữa được chứng lao lâu ngày, lở loét dầm dề, đái gắt. Canh cá bò có 2 loại: canh chua hoặc canh ngọt. Ngoài ra, còn làm món kho, ăn giải nhiệt rất tốt. Với những người bị bệnh phải điều trị lâu dài, ăn cá bò thường xuyên sẽ có khả năng hồi phục sớm.

Trứng cá chuồn rán
Cá chuồn có thân dài, mình dẹt, kích thước nhỏ. Thịt cá rất béo và dai. Cá đẻ trứng ở ngoài nên người dân thường dùng dụng cụ vớt trứng mang về chế biến. Trứng cá chuồn rán là món ngon nức tiếng ở cù lao Xanh. Trứng rán giòn rụm, ăn đến đâu phát ra tiếng vỡ lụp bụp đến đó với đủ vị béo, bùi và ngọt. Món này ăn kèm với bánh tráng, rau sống và nước mắm.

Gỏi cá diếc
Cá diếc chọn con nhỏ như đầu ngón tay, ngâm trong nước khoáng hoặc nước bia để tẩy sạch bùn. Sau đó, tiếp tục đem ngâm trong nước giấm lần cuối trước khi thành gỏi. Gỏi cuốn bánh tráng và rau sống, chấm nước mắm nhĩ pha chanh, ớt, gừng, tỏi giã nhỏ. Muốn thưởng thức món ăn này, bạn phải đến xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn.

Gỏi da cá nhám
Phần da cá nhám được xem là một nguyên liệu quý trong chế biến món ăn, ngon nhất là món gỏi. Trộn da cá nhám đã qua sơ chế với các loại rau mùi, măng tre luộc, đậu phộng rang giã nhỏ là có ngay món gỏi da cá nhám. Khi ăn, thực khách mới rưới thêm nước sốt lên đĩa gỏi thì ăn mới ngon. 

Bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn
Bánh tráng được làm bằng củ mì bào nhuyễn trộn với nước cốt dừa, bề mặt nổi lên cơm dừa và hạt mè. Bánh nướng trên lửa than sẽ căng phồng, nước dừa cứ ứa ra như lớp mỡ, dậy mùi béo ngậy, thơm phức.

Chim mía Phú Phong
Đồng mía Phú Phong là nơi cư trú của nhiều chim mía. Loại chim này có dáng như chim sẻ, màu lá úa, thịt rất ngon. Chim mía thường được ướp gia vị rồi đem nướng, chấm với muối ớt chanh là ngon nhất. Chim mía mà có thêm rượu Bầu Đá nhâm nhi thì cứ gọi là đệ nhất mỹ thực.

Phở Bình Định
Phần nước lèo và các nguyên liệu khác tạo nên món phở cũng tương tự như những nơi khác: xương bò, thịt bò, hành, giá, ngò gai, rau quế. Tuy nhiên, phở Bình Định là loại phở khô được làm từ bánh tráng Phù Cát xắt nhỏ ra nên khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được mùi vị khác lạ, độc đáo hơn phở nơi khác.

Bún dây Hoài Nhơn
Đây là đặc sản của huyện Hoài Nhơn. Bún được làm từ bột gạo tự làm đem luộc đến khi thành cục thì bỏ bột vào khuôn có những lỗ nhỏ. Người nấu ép mạnh vào khuôn để tạo nên những cọng bún dây. Món ăn đơn giản chỉ là tô bún dây rắc thêm ít đậu phộng giã nhuyễn và mỡ hành, chan nước mắm chua ngọt.

Đuông dừa
Đuông nằm trong thân dừa để khoét ngọn và sinh trứng, ăn củ hủ dừa để sinh tồn nên là món ăn dân dã và rất giàu chất dinh dưỡng. Nhiều món ăn thơm béo, ngon miệng chế biến từ đuông: tẩm bột chiên giòn, nướng, đuông hấp xôi, cháo đuông,... Gây tò mò, hấp dẫn và không kém phần “kinh dị” nhất là món “đuông tắm nước mắm”: cho đuông vào tô nước mắm và ăn sống, cực kỳ béo và ngon.

Bánh tráng khoai lang
Bánh được làm từ khoai lang xay nhuyễn, trộn với đường, gừng mè, có nơi cho thêm sữa. Tiếp đó, dùng khuôn ép cho bánh có hình tròn, đem phơi nắng vài ngày là dùng được. Bánh tráng khoai lang có thể ăn sống hoặc nướng lại. Nhiều nơi ở Bình Đình bán món đặc sản dân dã này, nhưng nếu muốn mua đặc sản chính gốc bạn có thể tìm đến các sạp bánh ở Tam Quan hoặc Hoài Nhơn.

Bún rạm Phù Mỹ
Món ăn này yêu cầu sợi bún phải tươi, vừa được ép ra từ máy ép trên nồi nước gạo đun sôi. Rạm xay nhuyễn chắt lấy nước như riêu cua, đem đun sôi, nêm gia vị. Món ăn gồm 1 tô nước rạm và 1 tô bún kèm đậu phộng, rau sống và xoài xanh, ăn bún đến đâu thì chan nước rạm đến đó. Hiện tại, bún rạm được bán ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định nhưng muốn thưởng thức đặc sản chính gốc bạn có thể đến huyện Phù Mỹ.

Gà nướng lu xôi cháy
Gà ngon đã ướp gia vị được cho vào lu, nướng khoảng 1 tiếng thì thấy lớp da giòn bóng, thịt bên trong mềm vừa phải. Món này ăn kèm với xôi cháy và kim chi. Bạn có thể thưởng thức gà nướng lu xôi cháy ở các quán trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Giá một phần gà khoảng 150.000đ.

Bánh cuốn Tây Sơn
Đây là món ăn dân dã của vùng đất Tây Sơn, giờ đã ngày càng phổ biến, được nhiều người yêu thích. Một cuốn bánh gồm có thịt nướng xiên, rau, trứng vịt luộc, đậu hũ chiên, chả ram, nem nướng, chả ram, nem chua được xắt nhỏ, khéo léo cuốn với bánh tráng. Món này ăn kèm nước mắm chua ngọt. 

Mắm ruốc Vũng
Vũng là Vũng Nồm và Vũng Bắc - 2 thôn làm nghề mắm ruốc lâu đời thuộc xã Nhơn Lý. Ruốc Vũng được làm từ ruốc tươi, chế biến tự nhiên nên có màu đỏ tươi và dậy mùi. Mắm ruốc Vũng được nhiều người ưa chuộng, là món quà quen thuộc được du khách mua về biếu người thân, bạn bè. 

Bánh hồng
Được làm từ nếp thơm và đường, bánh hồng vừa chín có màu trắng trong. Sau đó, người nấu rưới thêm lớp bột nếp khô lên bánh để tạo màu hồng. Bánh hồng ăn ít ngán, vừa thơm lại dẻo và dai. Đây là món tráng miệng quen thuộc trong các bữa tiệc ở Bình Định.

Đánh giá
5.0
1
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
100.0%
Rất tốt
0.0%
Trung bình
0.0%
Xấu
0.0%
Rất tệ
0.0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Kim Hồng avatar
Tôi rất thích

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận