Đặc sản Tam Đảo ở Tam Đảo - TripHunter

Đặc sản Tam Đảo

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Tam Đảo

Lợn đồi nướng xiên

Lợn được nuôi thả trong rừng, ăn cây cỏ tự nhiên nên thịt đặc biệt thơm ngon. Thịt lợn nướng xiên phải chọn những phần nạc ngon, thái cẩn thận từng miếng mỏng và nhỏ, ướp gia vị đặc biệt của người đồng bào rồi nướng trên lửa than. Lợn đồi nướng xiên ăn cùng bánh quấn, chấm nước mắm pha cùng các gia vị đi kèm mới cảm nhận được hương vị đặc trưng của miền núi nơi đây.

Su su Tam Đảo

Su su là loài cây họ bầu và bí, dùng được cả quả lẫn ngọn. Loại su su Tam Đảo có cọng dài, lá xanh non, sợi vòi non tơ, thường dược dùng làm món luộc hoặc xào...

Chim cút nướng

Chim cút có thể chế biến thành đủ các món ăn hấp dẫn như quay, rô ti, rán, xào… Đặc biệt chim cúc nướng có mùi rất thơm, béo, ăn không ngán và vô cùng bổ dưỡng cho sức khỏe. Tại Tam Đảo, người nấu chú trọng đến gia vị tẩm ướp: dùng nhiều hương vị thơm ngon như hoa quế, lá móc mật, hoa hồi và ướp trong vòng 30 phút. Chim cút ăn ngon nhất khi vừa nướng xong, lớp da nướng vàng giòn, thớ thịt trắng dai nhưng không khó nhai, mềm nhưng không bở, ngọt nhưng không ngấy khiến những thực khách khó tính nhất cũng phải xuýt xoa.

Măng Tam Đảo

Măng ở đây chủ yếu là loại măng sặt, măng nứa, to bằng chuôi liềm và dài hơn gang tay. Măng đem luộc nguyên mụt, ngâm nước muối rồi chấm với mắm tôm, chan ớt.

Lợn mán Tam Đảo

Lợn mán là lợn rừng được nuôi trong các làng trại của người Sán Dìu. Do lợn  ăn rau củ tự kiếm được trong rừng nên thịt siêu nạc, ăn không ngấy, không hôi, càng nhai càng ngọt. Lợn mán chế biến món nào cũng thơm ngon, đậm đà, quen thuộc nhất là món thịt lợn ướp thính vì có thể để dùng lâu (khoảng 6 tháng).

Gà đồi Tam Đảo

Gà đồi Tam Đảo chủ yếu là gà tre, gà ri được nuôi thả tự nhiên trên địa hình đồi núi nên thịt rất săn chắc, da mỏng. Thịt gà luộc giòn ngọt, thơm lừng và ngọt nước. Người Tam Đảo còn biến tấu thành nhiều món như gà bọc giấy bạc, gà đắp đất, gà rắc muối nướng, lẩu gà…  

Rượu sâu chít

Tên khác: bạch trùng thảo hoặc đông trùng hạ thảo.

Sâu chít ăn nõn cây để sống, chỉ to bằng nửa ngón tay út, dài độ hai đốt tay, thân mình trắng sữa. Chít được lấy từ rừng cỏ chít mang về đổ đầy rượu ngâm chìm rồi đặt vào góc tủ. Khoảng 1 tháng sau, rượu ngả màu trắng ngà. Rượu sâu chít rất tốt cho sức khỏe: bồi bổ tinh tủy, tráng dương, trị chứng suy nhược thần kinh, đau lưng, liệt dương, thận hư…

Cá bống suối

Tam Đảo dùng phương pháp đắp đập chăn nuôi để phát triển nghề nuôi cá bống suối. Cá ở đây chỉ to bằng hai ngón tay, mình tròn lẳn, chắc mẩy, màu vàng nhạt hoặc vàng ươm. Cá bống suối có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau như cá bống chiên giòn chấm với nước mắm tỏi ớt, cá bống kho tương, tiêu… Món nào cũng hấp dẫn nhờ vị thơm ngọt, đậm đà của thịt cá.

Thịt bò tái kiến đốt

Thịt bò mới mổ cắt thành từng mảng còn nóng hổi đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Chọn loại kiến càng hung dữ càng tốt, chọc cho chúng trong tổ bung ra, bâu kín miếng thịt. Sau đó đem thịt thui trên bếp than hồng đến khi chín tái. Món này ăn kèm rau sống và chén nước chấm làm từ ngô và đậu tương, pha thêm chút đường cùng gừng thái sợi.

Bánh tro chấm mật

Bánh tro, hay bánh lảng chấm mật theo tiếng Sán Dìu, là loại bánh điển hình của người Sán Dìu. Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp, nước tro của vỏ đỗ tương và măng tre phơi khô. Gạo nếp phải là loại thơm ngon nhất, hạt trắng, tròn mẩy, hương thơm tự nhiên. Nước gio sử dụng than của ba loại cây là tầm gửi cây dọc, thân cây sương song và thân cây vừng khô. Tất cả các nguyên liệu trên hoà quyện với nhau tạo thành bánh tro thơm ngon. Bánh được buộc chặt bằng lạt giang, sau khi gói xong được đem đi luộc. Bánh không có nhân, thơm và dẻo mềm khi chấm với mật ăn ngon và rất mát. Bánh tro giúp đề phòng và góp phần điều trị bệnh cao huyết áp.

Bánh quấn Tam Đảo

“Bánh quấn” là cách phát âm chệch của từ “bánh cuốn” - loại bánh tráng nóng bằng bột gạo. Bánh quấn Tam Đảo có thể ăn kèm với trứng chiên, thịt heo luộc, cánh gà… Loại bánh quấn được ưa chuộng nhất là bánh quấn ăn cùng thịt đồi nướng để chung với nước mắm chua ngọt.

Cơm lam

Cơm lam làm từ gạo nếp nương nấu trong ống trúc hoặc ống nứa, vừa thơm vừa dẻo. Gạo được ngâm trước 2 tiếng, sau đó cho vào ống khoảng 3 phần nếp 2 phần nước lạnh và thêm một chút muối để cơm đậm đà hơn, cuối cùng đậy kín miệng ống bằng lá chuối đã hơ se và đặt trên bếp lửa nướng, trở liên tục để cơm chín đều. Khi ăn, cắt ống cơm lam từng khúc nhỏ, chấm muối vừng (muối mè) hoặc ăn kèm với món thịt rừng nướng.

Nấm hương

Khí hậu lạnh và độ ẩm không khí cao của vùng Tam Đảo chính là điều kiện thích hợp để nấm hương mọc nhiều. Không chỉ là loại thực phẩm bổ dưỡng làm nên những bữa ăn ngon, nấm hương còn có công dụng chữa rất nhiều các chứng bệnh, chống lão hóa, tăng tuổi thọ. Đến đây du khách có thể thử các món làm từ nấm hương như thịt hấp nấm hương, nấm hương nhồi chả tôm chiên, canh sườn nấu nấm, gà nấu nấm hương…

Chuối ngự Tam Đảo

Quả chuối ngự Tam Đảo chỉ nhỉnh hơn một ngón tay nhưng ruột vàng, vỏ mỏng, thơm ngon và ăn rất vừa miệng.

Xôi đen

Đây là món ăn bắt buộc phải có trong tết Thanh Minh của người dân tộc ở Tam Đảo. Xôi được làm từ lá cây lau xau (còn gọi là lau sau, xau xau) trên rừng - một loài cây quý có tác dụng chữa bệnh vô cùng tốt. Muốn món xôi có màu đen nhánh, từng hạt nếp dẻo dính, hương xôi thơm nồng, vừa thơm vừa ngậy thì đòi hỏi người nấu phải có kỹ thuật tốt. Xôi giữ được từ hai đến ba ngày mà vẫn thơm ngon như vừa mới nấu.

Cá thính

Món này còn có tên khác là cá muối chua. Cá làm sạch, xếp vào vại theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối rồi đậy lại bằng nan tre trong vòng 4 – 7 ngày. Khi cá ngấm muối thì ép cho nước chảy ra, nhồi bột thính lên mình cá, xếp cá vào vại khác trong vòng hai tuần thì dùng chế biến được món ăn. Cá thính ngon nhất là đem cá nướng trên than hoa. Cá có mùi thơm ngào ngạt của thính gạo, vị chua chua, mặn mặn, ăn kèm với cơm hoặc bánh tráng và rau sống, nước mắm rất hợp.

Bánh chưng gù

Nguyên liệu làm bánh chưng gù không gì khác bánh chưng truyền thống: gạo nếp, đậu xanh và thịt ba chỉ. Điểm đặc biệt là bánh được gói bằng lá dong và lá chít, không gói vuông mà gói gù lên như chiếc lưng gù.

Xôi trứng kiến

Xôi trứng kiến là đặc sản của người Sán Dìu. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, màu trắng sữa, thân mẩy và tròn, có thể chế biến thành nhiều món nhưng thông thường người dân ở đây sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Hành củ phi thơm cùng mỡ già, cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Xôi chín thì đánh tơi ra, trộn đều với trứng kiến, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên là dùng được.

Tương Sán Dìu

Tương được làm từ cơm nấu chín, múc ra nia, phủ lá cây rừng Mỏ Quạ lên. Sau khoảng 7 ngày, cơm lên mốc thì đem rang xay đỗ tương thật mịn với tỉ lệ 10 ca nước, 2 ca muối. Cuối cùng, đem hũ tương phơi nắng to vài ngày là dùng được. Tương Sán Dìu có vị mặn, không ngọt như tương người Kinh.

Cà ghém muối

Cà ghém (cà pháo) muối để trong vại có thể dùng trong nhiều năm. Người Sán Díu thường dùng cà ghém ăn chung với cơm nắm hoặc cháo.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận