Đặc sản Thái Nguyên ở Thái Nguyên - TripHunter

Đặc sản Thái Nguyên

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Thái Nguyên

Bánh chưng Bờ Đậu

Bánh được làm từ gạo nếp nương vùng Định Hóa và thịt lợn sạch của người dân tộc. Nước luộc bánh chưng Bờ Đậu phải lấy từ suối nguồn được người dân coi như nước giếng thần trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Thứ nước trời cho trong vắt này đã tạo cho bánh vị riêng biệt so với những vùng khác.

Cơm lam Định Hóa

Cơm lam được làm từ gạo nếp nương, vừa thơm vừa dẻo nấu trong ống trúc hoặc ống nứa. Gạo được ngâm trước 2 tiếng, sau đó cho vào ống khoảng 3 phần nếp, 2 phần nước lạnh và thêm một chút muối để cơm đậm đà hơn. Cuối cùng đậy kín miệng ống bằng lá chuối đã hơ se và đặt trên bếp lửa nướng, trở liên tục để cơm chín đều. Khi ăn, cắt ống cơm lam từng khúc nhỏ, chấm muối vừng hoặc ăn kèm với món thịt rừng nướng.

Trám đen Hà Châu

Trám là loài cây thân mộc, có thể sống trên một trăm năm, quả có lớp thịt dày, vị béo bùi, hương thơm. Quả trám có thể được làm thành nhiều món ngon như kho thịt hay gỏi trám, trong đó xôi trám là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhất. Nếu có dịp đến Thái Nguyên bạn hãy thử thưởng thức món xôi này.

Chè Tân Cương

Giống chè Tân Cương được gìn giữ qua nhiều đời, cộng thêm thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi nên cây chè rất phát triển trên mảnh đất Thái Nguyên. Búp chè xanh tươi, mập khỏe, được chế biến thủ công. Khi pha chè, nước màu vàng tươi hấp dẫn, hương thơm rất đặc biệt và vị chát rất ngon không lẫn vào đâu được.

Tương nếp Úc Kỳ

Tương đặc sánh như mật và có màu vàng sậm hấp dẫn, có hương vị đậm đà,  thơm ngon hơn những sản phẩm ở địa phương khác. Tương nếp Úc Kỳ được làm từ 3 nguyên liệu chính: gạo nếp, đỗ tương và muối trắng. Tuy nhiên, chỉ có tương làm bằng gạo nếp thầu dầu mới là ngon nhất. Đây là đặc sản được nhiều khách du lịch mua về dùng hoặc làm quà biếu.

Đậu phụ Bình Long

Đậu ở đây to bản do được ép trong khuôn lớn, có hình vuông, không quá cứng và cũng không quá mềm. Món ăn chế biến từ đậu phụ được nhiều người ưa chuộng là đậu phụ rán, chấm nước mắm chanh ớt ăn kèm rau sống. Ngoài ra, đậu phụ còn có thể đem hấp, chưng, kho hoặc nấu canh, mỗi món ăn tạo nên hương vị riêng.

Nem chua Đại Từ

Nem chua Đai Từ được làm từ thịt nạc mông, tỏi, rượu, hạt tiêu, thính và lá ổi, trước khi dùng phải nướng hoặc rán sơ. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi của lá ổi hòa quyện trong cái mềm ngọt của thịt, vị chua vừa ăn và hương thơm lừng của mùi lá nướng vùi trong than củi. Nếu có dịp về Đại Từ dự hội Núi Văn – Núi Võ tại đền thờ Lưu Nhân Chú, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều nơi bày bán loại nem đặc sản này.

Mì gạo Hùng Sơn

Được làm từ loại gạo Bao Thai (đặc sản của Định Hóa), không dùng hóa chất nên mì gạo Hùng Sơn giòn, trắng dẻo, thơm, trong lúc nấu lỡ tay quá lửa thì sợi mì vẫn không bị nát, nước vẫn trong. Người ta thường dùng mì để làm món phở nước hoặc phở xào. Ngoài ra, mì còn dùng để nấu canh với cua đồng, rau rút hoặc dùng trong các món lẩu.

Tôm cuốn Thừa Lâm

Tôm cuốn thường được dùng trong những ngày tết hoặc dâng lễ ở đình làng. Nguyên liệu làm tôm cuốn Thừa Lâm gồm tôm tươi, trứng gà rán, giò nạc, thịt lợn mỡ luộc cùng một số gia vị. Món này ăn ít ngán, khi ăn cảm nhận được vị ngọt của hành, vị béo giòn của tôm rán, vị ngậy của giò, trứng hòa quyện với nhau thật thú vị.

Bánh coóc mò

Bánh coóc mò được gói bằng lá chuối và có hình chóp dài như sừng bò. Đây là một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong những dịp đầy tháng và thôi nôi của người Tày vùng Võ Nhai. Nguyên liệu để làm bánh gồm lá dong, gạo nếp, lạc và một chút lạt mềm. Công đoạn làm bánh không phức tạp nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng đặc biệt trong công đoạn buộc lạt. Bánh có vị đậm thơm của mùi nếp hương và nhân lạc đỏ. Bánh coóc mò rất dễ ăn, không hề ngấy và phù hợp với sở thích của rất nhiều người.

Bánh ngải

Bánh ngải là một món ăn của người Tày. Nhân bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên được làm từ nếp, lá ngải, đậu và đường. Hình thù và cách làm bánh gần giống với bánh dày, chỉ khác là thêm lá ngải giã nhuyễn trộn với nếp. Lá ngải là một loại lá rừng có hương thơm là lạ và vị hăng hăng. Tuy vậy, bánh rất dễ ăn, nhân bánh béo, ngọt, không ngấy và có hương thơm dịu nhẹ. Nếu lên Phú Lương khu vực dân tộc Tày sinh sống vào dịp tết Thanh Minh, bạn sẽ được thưởng thức món đặc sản này.

Măng đắng Ngàn Me

Măng được lấy từ rừng Ngàn Me và bày bán khá nhiều ở chợ Chùa Hang, Đồng Hỷ và dọc Quốc lộ 1B đoạn qua cầu Gia Bẩy. Măng ở đây chỉ nhỏ cỡ ngón tay người lớn nhưng hương vị vô cùng đậm đà và thơm ngon. Măng đắng Ngàn Me đem luộc, chấm với muối ớt hoặc muối tôm chanh là cách làm đơn giản và ngon miệng nhất.

Xôi ngũ sắc

Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Tày và Dao, được nấu trong các dịp lễ Tết hoặc khi nhà có khách quý. Xôi gồm 5 màu chính: trắng của gạo, đỏ của quả gấc, vàng của nghệ, xanh của vỏ bưởi và lá rừng, tím của lá cơm đen hoặc lá cây sau. Các màu tượng trưng cho ngũ hành: trắng là kim, xanh là mộc, tím (thay cho đen) là thủy, đỏ là hỏa và vàng là thổ. Xôi được chế biến theo 2 cách: đồ từng màu xôi hoặc đồ các màu chung với nhau tạo nên màu sơn thủy. Màu xôi càng đẹp thì người Tày tin rằng cả năm sẽ làm ăn càng phát đạt, thịnh vượng.

Sữa chua lọ

Sữa chua được đựng trong những chiếc lọ đậy bằng những cái nắp có màu sắc sặc sỡ là điểm nhấn của món ăn này. Đây là loại sữa chua nhà làm, chỉ có 2 hương vị là sữa chua thường và sữa chua ca cao. Đoạn đường gần nhà thờ Thái Nguyên và khu chợ Thái là 2 địa điểm nổi tiếng bán sữa chua lọ ngon.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận