Đặc sản Yên Bái ở Yên Bái - TripHunter

Đặc sản Yên Bái

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Yên Bái

Xôi ngũ sắc
Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Tày, được nấu trong các dịp lễ Tết hoặc khi nhà có khách quý. Xôi gồm 5 màu chính: trắng của gạo; xanh của vỏ bưởi, lá rừng; tím của lá cơm đen hoặc lá cây sau; đỏ của gấc; vàng của nghệ. Các màu tượng trưng cho ngũ hành: trắng là kim, xanh là mộc, tím (thay cho đen) là thủy, đỏ là hỏa và vàng là thổ. Xôi được chế biến theo 2 cách: đồ từng màu xôi hoặc đồ các màu chung với nhau tạo nên màu sơn thủy. Màu xôi càng đẹp thì người Tày tin rằng cả năm làm ăn sẽ càng phát đạt, thịnh vượng.

Cốm Tú Lệ
Cốm được làm từ lúa nếp non Tú Lệ. Lúa tuốt vỏ, đãi qua nước, đem rang trên chảo gang đúc đến khi từng hạt cốm có độ mềm dẻo, mùi thơm. Khi cốm nguội, cho từng mẻ vào cối giã, giã đều khoảng 10 lần là được. Cốm Tú Lệ có hương vị đậm đà, thanh mát. 

Bánh chưng đen
Đây là đặc sản của người Thái ở Mường Lò. Bánh được gói bằng lá dong rừng theo hình trụ hoặc gấp lá như bánh tẻ dưới xuôi. Để tạo ra màu đen của bánh, người ta lấy gạo nếp nương ngâm với lá cây núc nác. Phần nhân còn lại gồm thịt lợn rừng hoặc lợn cắp nách. Bánh hấp khoảng 3 tiếng là dùng được, có thể cắt thành từng khoanh nhỏ hoặc ăn nguyên cả chiếc.

Mật ong rừng
Mật ong rừng Mù Cang Chải có chất lượng rất tốt. Mật sánh đặc, màu vàng óng và chứa nhiều công dụng với sức khỏe. Nguồn mật ở đây được ong rừng lấy từ sơn tra, thảo quả, màng mủ, đào, mơ, mận, nếp nương… nên có hương vị rất đặc trưng.

Thịt trâu gác bếp
Để cho ra đời những miếng thịt trâu thành phẩm ngon, người Thái đen phải rất kỳ công trong khâu tuyển chọn nguyên liệu và bảo quản. Thịt phải lấy từ phần bắp của những chú trâu khỏe mạnh, vừa mới mổ xong, còn đỏ và tươi, ướp muối trắng và treo lên gác bếp. Thịt sẽ chín từ từ nhờ khói của quá trình đun nấu, các chất ngọt trong miếng thịt tụ lại và khô quắt. Khoảng một năm sau là có thể lấy xuống ăn dần, thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay. Du khách sẽ cảm thấy vị hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.
Muồm muỗm rang Mường Lò
Muồm muỗm một loại côn trùng cùng họ với cào cào, châu chấu, thường sinh sôi, nảy nở và phát triển rất nhanh ở các cánh đồng lúa vào mùa thu hoạch. Người ta thường đi bắt muồm muỗm vào buổi đêm, khi chúng bị thu hút bởi ánh đèn điện mà xuất hiện rất nhiều. Loại côn trùng này có thể chế biến thành nhiều món ngon nhưng ngon nhất là muồm muỗm rang giòn. Người nấu đổ dầu vào một cái chảo to, bật lửa lớn, khi dầu sôi thì cho muồm muỗm vào rang, cho gia vị, lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều, vừa chín tới là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm.
Lạp xưởng Yên Bái
Vẫn những nguyên liệu chế biến lạp xưởng quen thuộc: thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng như cách làm ở những vùng khác nhưng lạp xưởng Yên Bái có khâu sấy thịt rất kỳ công. Nhiên liệu sấy thịt phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi thì mới có thể tạo ra thành phẩm thơm ngon, hương vị đậm đà.
Măng sặt
Măng sặt có kích thước nhỏ, thân thon, vỏ trắng nõn, dù chế biến món ăn gì vẫn thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài nấu sườn, luộc, măng sặt có thể dùng xào với cà chua ăn cùng cơm trắng.
Mắc khén
Đây là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người đồng bào dân tộc miền núi. Mắc khén là một loại cây dại, có tinh dầu và hương thơm. Người ta thu hoạch quả mắc khén đem về rang nóng rồi giã thành bột mịn với ớt khô, muối rang và rau mùi. Vậy là có một thứ bột gia vị ngon trong chế biến món ăn.
Bánh chuối Lục Yên
Đây là món ăn quen thuộc của người Tày vùng Lục Yên. Điều đặc biệt ở món ăn này là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường thì còn lại tất các phụ gia đều từ chuối. Thế nên món bánh thơm nồng và đậm vị chuối, rất dễ thưởng thức.
Sơn trà (táo mèo)
Đây là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, dáng cao, thân khỏe, cành nhiều gai, quả chín rộ từ tháng 9 đến tháng 10. Quả sơn trà có kích thước nhỏ như quả táo rừng, vỏ màu hồng trắng hoặc vàng trong, hương thơm tự nhiên, vị ngọt, giòn, hơi chua và chan chát. Loại quả này ngoài ăn trực tiếp còn thể chế biến thành nhiều món ngon: ô mai sơn trà, rượu sơn trà, nước giải khát sơn trà,... có tác dụng rất tốt trong việc chữa ợ chua, tiêu chảy, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, bệnh về đường huyết và tim mạch.
Rượu thóc La Pán Tẩn
Đây là đặc sản của người Mông xã La Pán Tẩn (Mù Căng Chải). Rượu thóc La Pán Tẩn nổi tiếng được nấu theo quy trình chưng cất và lên men tự nhiên, nồng độ rượu từ 40 độ - 50 độ nhưng uống say không bị nhức đầu, chóng mặt. Rượu có vị êm say, thơm, ngọt, không nồng đắng, để càng lâu hương vị rượu càng thơm ngon.
Dế chiên giòn
Mùa dế bắt đầu từ tháng 7 âm lịch khi nhãn Mường Lò chín rộ. Dế được bắt về làm sạch, rửa bằng nước sôi hoặc măng chua, sau đó ướp gia vị, chiên trên chảo mỡ đang sôi. Khi dế chín vàng rụm và tỏa mùi thơm đặc trưng thì vớt ra đĩa, rắc lên 1 ít lá chanh thái chỉ, rưới nước ớt hoặc nước măng chua cho món ăn thêm đậm đà. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận độ giòn tan ở phần đầu và đùi dế, độ dai dai, bùi bùi của phần bụng. Món này có thể ăn kèm cóc xanh, xoài xanh, đồ chua,... Ngoài ra còn có món dế chiên bột, phần bột trộn chung với dế đã ướp gia vị rồi đem chiên như dế chiên giòn.
Rau dớn
Đây là 1 loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, cành dài, lá nhỏ màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Rau dớn thường mọc dại ở những nơi có độ ẩm cao như bờ sông, suối hay trên các tảng đá vùng núi cao. Rau thường được đem luộc, xào tỏi ăn kèm cơm trắng hoặc nhúng lẩu. Khi chín, rau dớn tiết ra nhựa nhớt rất nhiều, có vị ngọt hòa lẫn với vị đăng đắng. 
Ruốc tôm Mường Lò
Món ruốc tôm được làm từ tôm nõn giã nhỏ và thịt lợn thăn băm nhuyễn ướp với các loại gia vị của vùng Mường Lò rồi đem rang trên chảo dầu nóng. Ruốc tôm có vị ngọt thanh, mằn mặn, rất hợp ăn kèm với xôi ngũ sắc hoặc cơm lam.
Măng vầu cuốn thịt
Đây là loại măng có thân nhỏ, không gai, củ to tròn và rất ngọt, mọc ở rừng hoặc trên núi. Món măng vầu cuốn thịt được nhiều người yêu thích bởi cách chế biến đơn giản, ăn rất ngon. Măng được bóc lấy lớp lá non cuốn với phần nhân gồm củ măng thái mỏng, băm nhuyễn trộn với thịt băm ướp gia vị. Sau đó để măng vầu cuốn thịt lên nồi nước sôi đun lửa vừa phải đến khi măng mềm và chín là có thể lấy ra dùng được ngay. Món này chấm với nước mắm trong, ăn kèm cơm nóng rất ngon.
Rêu suối Mường Lò
Người Thái lấy rêu từ suối Mường Lò, đem rửa sạch rồi trộn với những hạt tiêu rừng, hạt sen, hạt dổi, hạt mắc khén cùng ớt, tỏi, gừng, sả, lá chanh, ít thịt mỡ. Sau đó gói bằng lá dong, buộc lạt tre túm hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo trên một thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm đến khi lá dong cháy tí tách thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa. Khi chín, gói rêu chảy mỡ và nước xanh, tỏa hương thơm ngào ngạt đậm hương vị núi rừng.
Ngoài ra còn có món rêu gói lá lốt hoặc lá chanh. Nguyên liệu được gói lại, kẹp trên thanh tre, đem nướng giòn rồi rán với mỡ lợn. Món này theo tiếng dân tộc Thái có tên là “cay pỉnh”.
Măng chua héo
Tiếng dân tộc Tày gọi măng chua héo là “nó xổm héo”. Những chiếc măng có màu trắng, thân to, vị he khi vừa mới hái được đem bóc vỏ, rửa sạch, thái mỏng, ngâm nước lã trong chum từ 20 đến 25 ngày là thành măng chua. Sau đó đem vắt ráo nước và phơi nắng cho khô là được món măng chua héo. Món này thường được dùng trong bữa cơm của người Tày hoặc dùng để đãi khách quý, làm quà biếu khách.
Xôi nếp trứng kiến
Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn, có thể chế biến thành nhiều món nhưng thông thường người dân ở đây sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Người ta phi thơm hành củ cùng mỡ già, cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Xôi chín thì đánh tơi ra, trộn đều với trứng kiến, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên là dùng được.
Món mọoc
Mọoc giống như mọc trong bún mọc ở miền xuôi nhưng được chế biến theo cách khác. Đây là đặc sản của người Tày, thường được dùng trong các bữa ăn hàng ngày và trong mâm cỗ. Nguyên liệu làm món mọoc gồm hoa chuối rừng (mắc pi đông), thịt lợn ba chỉ, cá, tôm, bột gạo, lá lốt rừng, lá bánh tẻ, hạt dổi, sả, gừng và gia vị. Các nguyên liệu được thái chỉ và băm nhuyễn, sau đó gói bằng lá dong và xếp vào chõ xôi. Sau khi đồ xôi khoảng 1 tiếng thì xếp mọoc ra nong cho nguội. Món này chấm nước mắm hâm nóng có nêm hạt dổi, ăn ghém cùng rau sống.
Vịt Lục Yên
Đây là loại vịt bầu, thịt chắc, dai, thơm ngon. Người dân Tày thường làm các món ăn như vịt luộc, quay, nướng, hấp cách thủy và làm mọc đều rất ngon.
Thịt mắm cơm đỏ 
Đây là đặc sản của người Tày ở Lục Yên. Cây cơm đỏ được rửa sạch, phơi nắng cho ráo nước rồi thái nhỏ. Thịt lợn ba chỉ cũng thái nhỏ, ướp muối, trộn đều với cây cơm đỏ, củ giềng thái chỉ, một ít rau răm và rượu nếp cái thơm, để vào chum buộc thật kín bằng ni lông. Sau khoảng 6 ngày là thịt mắm đã săn lại, có màu đỏ tươi, lớt phớt những sợi giềng thái nhỏ, vị đậm đà, hòa quyện với hương nồng của nếp cái thơm.
Cá sỉnh Nậm Thia
Cá sỉnh trông giống như cá trôi Ấn Độ, môi đen xanh và dày, có bộ lườn săn chắc béo ngậy, thường chỉ ăn rêu đá. Món ngon dễ chế biến nhất từ cá sỉnh là pa kính pỉnh - cá sỉnh tươi thoa muối kẹp tre nướng trên than hồng. Cầu kì là món pa móoc - cá bọc lá chuối nướng tro, thường được dùng để đãi khách. Ngoài ra còn có món pa mẳm (cá mắm), pa khính xổm (cá chua), pa khính giảng (cá sấy gác bếp),… Cá sỉnh là một trong những lễ vật nhà trai người Thái mang sang nhà gái trong lễ cưới hỏi.
Pà mẳm (mắm cá)
Pà mẳm có thể được làm từ nhiều loại cá nhưng ngon và quý nhất là cá chép ruộng hoặc ao. Cá chép được làm sạch, cho một lượng muối và rượu vào bụng cá. Cá được ướp trong vại với nhiều loại gia vị đã được xào thơm trước. Qua một ngày, người ta chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi lại đổ vào vại cá. Cứ làm như vậy trong 2 ngày tiếp theo rồi bịt kín miệng vại, đem chôn sâu ở nơi khô thoáng sau 3 năm mới dùng. Pà mẳm đạt yêu cầu phải tỏa hương thơm ngào ngạt, thịt cá có màu hồng tươi, ăn dai như mực. Món này có thể được nướng chín hoặc dùng sống chấm với rau luộc, chuối xanh, thịt lợn luộc tùy theo sở thích.
Mắm tép hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà là một vựa tôm, tép nổi tiếng của vùng Yên Bái. Tép được làm sạch, ướp gia vị rồi ủ trong một khoảng thời gian đến khi tỏa hương thơm ngào ngạt là dùng được. Món này có thể ăn kèm rau sống, rau luộc, thịt lợn luộc hoặc hấp vào cơm cùng với trứng gà.
Bọ xít chiên giòn
Bọ xít xuất hiện nhiều vào tháng 4 khi hoa nhãn nở rộ. Người ta đem bọ xít ngâm xuống nước vài giờ cho đến khi chết thì vớt ra, vặt bỏ đầu, cánh, rút ruột rồi đem chiên với dầu hoặc mỡ. Bọ xít chiên giòn có màu vàng ươm, bóng mượt, vị đậm đà, ăn kèm với lá chanh thái chỉ và ít nước cốt chanh. 
Chè Shan Tuyết
Vùng chè Suối Giàng nổi tiếng với giống chè Shan Tuyết có búp màu trắng xám như lớp phấn hoặc bông tuyết, hương thơm tự nhiên, vị đậm, nước xanh. 
Thịt băm nướng Thái
Đây là món ăn của người Thái, được chế biến đơn giản gồm bì và mỡ băm nhỏ, ướp gia vị và mắc khén. Sau đó cho thịt băm vào lá rong tươi bọc vài lớp, kẹp tre nướng trên bếp than hoa. Thịt chín dậy mùi mắc khén hòa cùng các gia vị và hương thơm thịt lợn, ăn kèm với xôi nếp Tú Lệ là ngon và đúng vị nhất.
Khoai tím Lục Yên
Đây là loại khoai sọ màu tim tím, đem hầm xương là ngon nhất. Khoai có vị bùi bùi, ngọt ngọt, béo béo, hơi bở và hương thơm tự nhiên.
Bánh cuốn thịt nướng
Thịt nướng gồm thịt nạc lẫn với ít mỡ nướng trên bếp than hồng, khi chín rắc thêm ít mỡ hành. Bánh cuốn trắng tinh với nhân thịt bằm. Bánh cuốn thịt nướng ăn kèm với dưa đu đủ, rau thơm, rau bạc hà,… và nước chấm vùng Tú Lệ. Tuy không phải là một món ăn lạ nhưng bánh cuốn thịt nướng Tú Lệ cực kì thú vị và ấn tượng, ai ăn qua một lần đều nhớ mãi.
Cá suối nướng pa pỉnh tộp
Theo tiếng Thái, pa pỉnh tộp nghĩa là cá gập nướng. Cá suối sau khi được ướp gia vị thì đặt lên than hoa nướng trực tiếp hoặc kẹp vỉ. Thịt cá suối mềm, ngọt thơm, không bở và khô, ăn kèm với tương ớt hoặc nước mắm chua ngọt và rau sống.
Gà nướng lá mắc mật
Đây là món nướng của người Thái. Lá mắc mật có vị chua chua ngọt ngọt nên khi nướng chung với gà tạo nên hương vị độc đáo, mùi thơm quyến rũ. Món này ăn kèm với nước chấm “chẳm chéo” - hỗn hợp tiết và gan gà, chanh ớt, tỏi, quả mắc khén trộn lại, hơi sánh và đặc. 
Bánh tò te
Bánh được gói bằng lá chuối theo hình chiếc kèn, khi thổi phát ra âm thanh “tò te... tò te…” nên có lẽ cái tên bánh tò te xuất phát từ đây. Nguyên liệu làm bánh gồm đỗ đen và gạo nếp. Gạo nếp phải là loại đều hạt, đỗ đen phải được ngâm qua một đêm cho mềm, rồi trộn đều với muối hạt cho đậm đà. Sau đó đem tất cả nguyên liệu gói trong lá chuối theo hình cái phễu, dùng lạt giang buộc chặt lại. Bánh luộc khoảng 4 tiếng đến khi tỏa mùi thơm ngào ngạt là dùng được.
Bánh chim gâu
Đây là món ăn đặc trưng riêng của người Cao Lan ở huyện Yên Bình (Yên Bái). Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp và lá dứa rừng, có gia đình còn cho thêm vào đỗ xanh và thịt. Nếu muốn tạo nhiều màu bánh, người nấu sẽ dùng thêm các loại lá cây tạo màu. Nếp ngâm, để ráo nước, trộn với ít muối cho đậm đà rồi đem gói bằng lá dứa rừng, luộc trong một giờ là dùng được. Sỡ dĩ có tên là chim gâu là vì người gói dùng lá dứa rừng uốn, đan rất khéo léo tạo thành hình con chim gâu (tên gọi khác của chim cu gáy). Ngoài ra, họ còn có thể đan thành hình con nhện, con ve sầu. Gánh chim gâu còn được xem là món quà quý dành tặng mẹ trong những ngày đặc biệt theo truyền thống.

Đánh giá
5.0
2
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
100.0%
Rất tốt
0.0%
Trung bình
0.0%
Xấu
0.0%
Rất tệ
0.0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Lê Linh avatar
Táo mèo ngon, rất tốt cho sức khoẻ nhưng cẩn thận hàng của Trung Quốc đưa qua.
Tuan Ho avatar

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận