Đền Tuần Quán là ngôi đền cổ có từ thế kỷ XIV thời nhà Lê, đã tồn tại trong đời sống tín ngưỡng của người dân và gắn liền với lịch sử Yên Bái trong nhiều trăm năm. Đây là một trong những di tích văn hóa cấp tỉnh của Yên Bái.
Nằm trên khu đất bằng phẳng rộng gần 2000 m2, đền Tuần Quán tọa lạc ở nơi hợp lưu giữa ngòi Tuần Quán và dòng sông Hồng. Theo sử sách đã ghi lại, trên thế đất vạn niên sơn bao thủy bọc quay theo hướng chính âm về phía sông Hồng, khi chưa được khai thông, đền Tuần Quán được gọi là miếu. Đến thế kỷ XV, thánh miếu thờ Mẫu Liễu Hạnh, sau đó được di chuyển xuống Văn Phú. Đến giữa thế kỷ XIX, tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc về thăm ải Bách Lẫm, thấy nơi đây hiển linh nên đã cho rước tượng Thánh Mẫu lên địa điểm ngày nay và xây dựng miếu to đẹp hơn trước, từ đó miếu trở thành đền.
Trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn xuất bản dưới triều Lê năm 1777 có ghi địa danh Tuần Quán là mốc để tính các lộ đường xuôi ngược. Các triều đại phong kiến như hậu Lê, triều Nguyễn đều có sắc phong của Vua cho đền. Năm 1930, những nghĩa quân của Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo đã lấy đây làm nơi trú quân trước khi tiến hành cuộc khởi nghĩa rạng sáng ngày 10/2.
Năm 1965, trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất, ngôi đền đã bị phá hủy.
Ngày nay đền được xây dựng lại đúng trên nền cũ và hàng năm tổ chức đón khách thập phương đến thăm viếng. Qua bao thăng trầm và biến động của lịch sử, đền Tuần Quán vẫn luôn thu hút du khách và người dân địa phương đến cầu làm ăn may mắn, gia đình mạnh khỏe, bình an.
Đến với hội đền Tuần Quán đầu xuân, du khách sẽ không chỉ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng mà còn được tham gia vào những trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, đánh cờ tướng,...
=====
Hình ảnh: TripHunter, Internet.