Đặc sản Bắc Giang ở Bắc Giang - TripHunter

Đặc sản Bắc Giang

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Bắc Giang

Mì Chũ

Được chế biến từ hạt gạo Bao Thai Hồng trồng trên vùng đất đồi Chũ nên sợi mì dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi. Mì Chũ chế biến hay dùng kèm với món ăn nào đều ngon, không mất hương vị đặc trưng.

Bánh đa Thổ Hà

Bánh đa được làm bằng bột gạo vừa dẻo lại giòn, phía trên để lạc vàng thơm và dừa nạo. Đến làng nghề bánh đa Thổ Hà bạn không những được thưởng thức bánh tại lò mà còn tận mắt chứng kiến quy trình tạo ra 1 chiếc bánh đa.

Gà đồi Yên Thế

Thịt gà đồi Yên Thế thơm ngon, rắn chắc. Món gà luộc chấm muối trộn lá chanh cùng bát nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm là món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Vải thiều Lục Ngạn

Loại vải này có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt đậm. Các sản phẩm từ vải có vải tươi, vải sấy khô, vải đóng hộp. Vải còn là vị thuốc tốt chữa các chứng bệnh như tiêu chảy, viêm miệng, mụn nhọt, đau răng và làm đẹp da.

Bún Đa Mai

Làng nghề bún Đa Mai là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa nhất của miền Bắc. Sợi bún Đa Mai dẻo, trắng tinh như bột lọc, gồm 4 loại: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba và bún vẩy (bún lá).

Chè kho Mỹ Độ

Nguyên liệu chính làm chè gồm đỗ xanh, đường kính trắng, vừng rang và chút hương vani tạo mùi thơm. Chè có màu vàng hơi sậm, ăn kèm với xôi vò.

Xôi trứng kiến

Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn, có thể chế biến thành nhiều món nhưng thông thường người dân ở đây sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Hành củ phi thơm cùng mỡ già, cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Xôi chín thì đánh tơi ra, trộn đều với trứng kiến, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên là dùng được.

Cua da

Đây là loài cua sống trong các ghềnh đá ở bờ sông, to gần bằng con ghẹ. Cua da có thể được chế biến thành nhiều món như cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh, nhưng ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia chấm với bột canh pha mù tạt. Cua chín màu vàng cam, thịt ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm.

Bánh đúc Đồng Quan

Bánh trắng ngần, bóng mịn, có vị lạt, nồng nhẹ mùi vôi. Khi ăn cắt miếng nhỏ hoặc cắt sợi, ăn kèm với bánh có thể là riêu cua, mắm tôm, mật ong, món kho, nhưng ngon nhất là chấm tương bần.

Bánh vắt vai

Đây là đặc sản của đồng bào dân tộc Cao Lan vùng Lục Ngạn. Đầu tiên, gạo nếp nghiền nhỏ bằng cối xay đá, lá ngải cứu luộc với nước vôi trong cho bớt vị chát và đắng, sau đó nghiền nhỏ trộn cùng bột nếp. Sau khi nặn và gói xong, bánh được luộc cách thủy khoảng hai giờ là chín. Bánh thơm mùi đậu xanh, ngọt vị của đường, bùi của nếp, là món ăn chơi được nhiều người yêu thích.

Rượu làng Vân

Đây là đặc sản nổi tiếng không chỉ của riêng Bắc Giang mà của cả miền Bắc. Khi xưa, rượu làng Vân được dùng để tiến vua chúa. Rượu được nấu ở làng Vân Xá (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) bằng loại nếp cái hoa vàng do người địa phương trồng nên có hương vị thơm ngon tự nhiên.

Rượu men lá (Rượu Kiên Thành)

Rượu men lá là đặc sản của huyện Lục Ngạn. Được nấu từ bột gạo và 3 loại lá rừng là lá giá pèng, nhàn đăm và ẹt nắm (tiếng Nùng) theo phương pháp lên men và chưng cất tự nhiên nên rượu men lá có hương thơm dịu, vị đậm đà, nhấm nháp ít rượu sau mỗi bữa ăn rất tốt cho tiêu hóa.

Cam sành Bố Hạ

Đây là 1 trong những loại cam được bình chọn là ngon nhất nước với hương thơm ngào ngạt, vị chua ngọt dịu thanh mát.

Khâu nhục (Nằm khâu)

Món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, dần dà được người Tày - Nùng biến tấu trở thành đặc sản địa phương. Theo tiếng Hoa, “khâu” nghĩa là “hấp đến mềm gục”, “nhục” nghĩa là “thịt”, khâu nhục là món thịt hấp đến chín nhừ. Bánh thường được dùng vào những dịp đặc biệt như lễ tết, cưới hỏi hay tân gia. Khoai được chọn làm bánh phải là loại khoai môn bên trong lòng khoai có vân màu tím, mang đi chiên vàng. Thịt ba chỉ mang luộc sơ, dùng tăm tre chọc bì thật kĩ, tẩm ướp gia vị rồi đem quay, vừa quay vừa quết mật ong cho vàng bì. Công đoạn cuối cùng là xếp 1 miếng khoai, phía trên là 1 miếng thịt và nhân, rồi đem cách thủy khoảng 5 tiếng là bánh chín. Bánh dùng chung với trà nóng rất thích hợp.

Nham

Nham có cách chế biến gần giống món gỏi của người miền Nam. Nguyên liệu gồm trám đen, thịt ba chỉ, cá chép, rau thơm, khế chua, lạc rang, rau húng và gia vị. Trám bỏ vỏ, lấy cùi, thái nhỏ. Thịt lợn đem ướp gia vị trong 1 giờ, sau đó đem hấp chín rồi thái chỉ. Cá chép rán giòn, lóc thịt. Trộn các nguyên liệu với rau củ và gia vị rồi rắc ít hành phi và lạc (đậu phộng) lên trên. Khi ăn, bạn có thể dùng kèm với nước tương. Các nhà hàng ở huyện Hiệp Hòa và khu chợ quê có bán món này.

Gỏi cá tanh

Cá mè rất tanh nhưng qua bàn tay tài nghệ của người đầu bếp Bắc Giang đã tạo nên món gỏi cá tanh trứ danh. Cá mè phải là loại cá tươi, tốt nhất là cá đồng, được làm sạch, lọc da cá thái thành từng lát mỏng. Sau đó dùng giấy thấm khô cá khoảng vài tiếng đến khi cá sạch và khô rang như miếng thịt thăn thì bắt đầu thái mỏng. Thái nhỏ một phần các loại rau như đinh lăng, lá lốt, lá sung, lá mơ để trộn với cá làm gỏi; phần còn lại dùng để gói gỏi cá. Nước chấm gỏi cá tanh được gọi là hạt - đây là đầu cá băm thật nhuyễn, rồi dùng nước riềng, tương, mẻ, muối nêm nếm, nấu trên lửa riu riu đến khi sánh sệt thì dùng được. Thiếu nước chấm hạt thì coi như món gỏi cá tanh thất bại hoàn toàn. Món ăn này đã có mặt trong kỷ lục Guiness ẩm thực Việt Nam năm 2012.

Bánh gio (bánh tro) Đa Mai

Đây là đặc sản của vùng Đa Mai. Người nấu cẩn thận chọn loại cây thích hợp đem đốt lấy gio để làm nước ngâm nếp, sau đó lấy lá chuối gói nếp theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Bánh mịn, dẻo, dai, để được rất lâu, thoảng mùi hương gio. Nhiều nơi làm bánh còn thêm nhân đậu xanh, chấm nước đường hoặc mật mía.

Bánh hút

Bánh được làm từ rau cải cay giã nhỏ nhào chung với bột gạo nếp. Bánh sau khi nặn thả vào chảo dầu nóng chiên vàng rồi đổ mật mía vào. Khi bánh đã thấm mật thì vớt ra, lăn thêm 1 lớp bột nếp là dùng được. Bánh hút có độ giòn giòn, vị ngọt đậm đà từ mật và thơm mùi nếp non. Đây là món ăn chơi hay dùng làm quà biếu đều được.

Bánh coóc mò

Đây là món ăn quen thuộc của người Tày, còn được gọi là bánh sừng bò vì bánh gói có các góc nhọn giống như sừng con bò. Nguyên liệu làm bánh có gạo nếp và lá ỏng - một loại lá rừng dài khoảng 30 cm - 35 cm . Gạo nếp vo sạch, vớt ra rá để ráo nước rồi đem gói bằng lá ỏng. Bánh có bốn góc, ba góc nhọn và một góc tù, luộc sau 4 tiếng là có thể dùng được.

Xôi ba màu

Xôi ba màu là món ăn đặc trưng của người dân tộc Nùng ở huyện Lục Ngạn. Xôi được làm từ lá cây cẩm đỏ (màu đỏ), cây sau sau rừng (màu đen), nghệ và gạo nếp cái hoa vàng (màu vàng). Nhờ các nguyên liệu từ thiên nhiên nên món ăn này rất tốt cho sức khỏe. Vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, đồng bào người Nùng nấu xôi ba màu để cúng tổ tiên.

Tương La

Đây là loại tương do người dân thôn Thanh Long hay còn gọi là thôn La Hạ, xã Trí Yên làm. Nguyên liệu làm tương La là gạo nếp cái hoa vàng và đậu tương hạt nhỏ giống cúc hoa vàng. Đây là loại nước chấm không thể thiếu trong các món ăn dân dã như bánh đúc, bánh tẻ, cà pháo, món luộc... Du khách có thể mua tương La tại khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (chùa La, chùa Đức La).

Chè xanh Yên Thế

Chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nước chè thơm và ngon, là đặc sản thích hợp cho du khách mua làm quà biếu.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận