Đặc sản Đồng Hới - Quảng Bình ở Đồng Hới - Quảng Bình - TripHunter

Đặc sản Đồng Hới - Quảng Bình

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Đồng Hới - Quảng Bình

Sau sự kiện Formosa thì kinh tế biển của Quảng Bình vẫn chưa hồi phục. Hải sản ở vùng đất này rất ngon nhưng đa số người dân vẫn còn e dè chưa dám dùng lại. Nếu bạn cũng e ngại thì tạm bỏ qua những món ngon từ hải sản, vẫn có món đặc sản đáng thưởng thức khác.

Cháo hàu
Hàu ở Quảng Bình là loại hàu đá sống bám vào những tảng đá ven biển, người khai thác phải dùng những công cụ hỗ trợ như búa để nạy hàu ra khỏi đá. Thịt hàu đá bé cỡ đốt ngón tay chứ không to như những con hàu mà ta thường gặp ở các quán ốc Sài Gòn. Người dân thường dùng nấu cháo rất ngọt. Ai say xỉn đang mệt lã mà húp bát cháo hàu sẽ nhanh tỉnh hơn.

Mực cơm
Đây là loại mực nhỏ chỉ cỡ một ngón tay, màu hồng tươi. Mực cơm ở vùng biển Quảng Bình mang hương vị đặc trưng rất riêng khó lẫn với nơi nào khác, đặc biệt đậm đà và ngon ngọt tuyệt vời.

Cá trích
Thịt cá trích tuy nhiều xương nhưng không tanh, tính lành, trắng , ít mỡ nhưng ăn béo. Cá trích kho hay nướng đều rất ngon. Ngày nay cá trích dần ít đi, một kg cá tươi ở chợ có khi giá lên đến 180.000đ.

Lẩu cá khoai
Lẩu cá khoai được cho là món có thể chinh phục bất kì thực khách khó tính nào. Cá khoai có thân hình tròn, thon dài, mềm và không có vẩy, xương mềm tới mức có thể ăn cả xương. Tại Quảng Bình, cá khoai chỉ có vào mùa đông nên lẩu cá khoai trong mùa này càng thêm ngon đến lạ lùng.
Cá sau khi được làm sạch ruột thì mang đi ướp gia vị cho thật ngấm, thường gồm muối, tiêu hoặc ớt, và thật nhiều cây nén (thuộc họ hành tỏi). Cá khoai càng dày thịt và càng tươi thì nấu lẩu càng ngon. Nước lẩu cá khoai là sự kết hợp của cà chua, nước cốt me, khế chua, dưa cải, măng chua, nấm...
Đừng để cá quá chín vì sẽ nát ra, chỉ chờ cá sôi lên một lúc là có thể vớt ra ăn ngay được rồi. Cá khoai ngọt mềm cộng với nước lẩu thơm ngon sẽ là món ăn tuyệt vời cho du khách khi ghé thăm nơi này.

Canh nấm tràm
Nấm tràm là loại nấm thường gặp dưới các tán rừng tràm và rừng bạch đàn bên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối. Nấm có hình tròn, béo múp, có màu tím đậm, lớn hơn thì có màu nâu tím, nâu thẫm, có vị đắng đặc trưng nhưng cực kì thanh mát.
Nấm tràm chỉ mọc vào hai mùa chính là vào khoảng tháng 4 và tháng 7 - tháng 8 âm lịch, sau những cơn mưa rào mát mẻ của mùa hạ. Nấm mua về nên ngâm nước muối loãng hoặc chần qua nước sôi để bớt vị đắng. Nếu ai thích vị đắng đặc trưng này có thể để nguyên, rửa qua nước sạch là được. Canh nấm tràm có thể nấu với nhiều loại rau khác nhau, nhưng người ta thường nấu với rau khoai lang bởi vị thanh mát của thứ rau này làm giảm đi phần nào vị đắng. Hương vị thanh mát của nồi canh cứ thế vấn vương dai dẳng trong khẩu vị của thực khách bốn phương.

Chắt chắt xào
Chắt chắt cùng họ với ngao, hến nhưng kích thước nhỏ hơn, thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Vị chắt chắt ngọt, mát, có thể chế biến thành món canh, nấu cháo hay món xào đều ngon tuyệt vời. Đặc biệt với những người thích rượu thì đây là món nhắm rất bắt miệng.
Chắt chắt thu hoạch được đem về ngâm nước vo gạo để nhả hết bùn. Sau đó chà xát thật sạch vỏ chắt chắt rồi đổ vào nước đang sôi, dùng đũa khuấy đều để tách ruột rồi dùng rổ để đãi lấy phần ruột chắt chắt, đợi ráo nước thì mang xào với dầu ăn, thêm gia vị, tiêu, lá thơm, ăn kèm với bánh tráng. Lấy bánh đa xúc vào dĩa chắt chắt sẽ cảm nhận được vị thơm, ngầy ngậy, ngọt lịm của chắt chắt, vị cay nồng của ớt, giòn giòn của báng tráng, ăn hoài mà không có cảm giác ngán.

Ruốc tháng 6

Ruốc là loại nhuyễn thể thuộc họ tôm, thân nhỏ dài khoảng 1- 4cm, người miền Bắc gọi là moi, người trong Nam gọi là con khuyếc. Đây là loại sinh vật nhỏ bé, giống như hạt cát, có màu nâu đỏ và mùi tanh của tôm cá, sinh sống gần bờ biển.
Ở vùng biển Quảng Bình, ruốc xuất hiện quanh năm nhưng ngon nhất là vào độ tháng sáu âm lịch, sau những cơn mưa hè vì lúc này con ruốc đỏ tươi, mập, mềm và ngọt. Ruốc được chế biến theo nhiều cách khác nhau: ruốc lạt giữ nguyên hương vị tươi ngon mà không cần qua các khâu nấu nướng, ruốc mặn thường để thay bột ngọt trong nấu nướng, có thể để cả năm. Mắm ruốc đặc sệt, có mùi thơm đặc biệt, cũng rất được ưa chuộng. Người ta đâm tỏi, ớt, thêm đường, chanh, pha mắm ruốc vào; rồi ăn với cơm trắng hay dùng để chấm với rau, dưa, cà, thịt luộc hay bún, bánh đúc… đều không thể chê!

Bánh tráng Tân An
Với lịch sử ra đời cách đây hơn 100 năm, bánh tráng Tân An được truyền qua nhiều thế hệ. Vị thơm ngon, chất lượng cao, giá lại phải chăng nên được rất nhiều người ưa thích.
Bánh gồm hai loại: chủ yếu là bánh dày để nướng và bánh mỏng dùng để cuốn ram (bánh đa nem). Những năm gần đây, người dân còn sản xuất ra loại bánh mè xát đường, có vị béo, dẻo, nướng lên rất thơm ngon, được rất nhiều du khách ưa chuộng mua về làm quà cho bạn bè, người thân của mình. Bánh đặc biệt ở chỗ gạo làm bánh phải là gạo ngon, ngâm kỹ trong nước lạnh khoảng vài giờ rồi vớt ra, nghiền thành bột rồi trộn với mè, tiến hành phơi trên những chiếc phên đan, thơm nức mùi vừng và gạo.
 
Sò huyết sông Roòn

Sông Roòn ở huyện Quảng Trạch là nơi giao hòa giữa hai dòng nước: dòng nước ngọt và dòng nước mặn nên sò huyết ở sông này mang vị đặc trưng thơm ngon hảo hạng, chỉ mỗi khúc sông Ròon mới có loại sò huyết này sinh sống.
Cách chế biến, trưng bày, nước chấm và các gia giảm đi kèm cũng theo bí quyết riêng. Sò huyết ăn kèm với một chút gừng, nộm, giá đỗ thêm một chút mù tạt mới thấy hương vị sò huyết vùng này ngon tới cỡ nào.
Nếu có dịp đi ngang, đừng quên bổ sung món ngon này trong hành trình khám phá ẩm thực vùng đất Quảng Bình nhé!

Đẻn biển 

Đẻn biển là một loài rắn biển với chiều dài 1-2 mét, thân nhỏ và thon, có vảy, đầu nhỏ và đuôi dẹt. Không những có giá trị dinh dưỡng cao, đẻn biển còn có công dụng chữa bệnh.
Nổi tiếng nhất phải kể đến tiết đẻn và ram đẻn. Người ta hứng tiết đẻn mang pha ngay với rượu, làm tăng thêm vị ngon của rượu, lại vừa có tác dụng chữa bệnh nhức xương vô cùng hiệu quả. Với ram đẻn, người ta chọn những con đẻn mập và còn tươi mang về làm sạch, bỏ ruột và huyết đen trên sống lưng, băm nhuyễn rồi trộn đều với gia vị cho ngấm, sau cùng đặt lên bánh đa cuốn lại thành từng chiếc ram nhỏ, đem đi rán đều. Món ram đẻn ngon đúng điệu nhất thiết phải dùng loại bánh đa dẻo dai, thơm ngon được làm ở Quảng Bình. Những chiếc ram đẻn vàng giòn, thơm phức khiến thực khách khó cưỡng.

Cháo canh
Cháo canh (hay cháo bánh canh) gắn liền với mỗi bữa sáng của người dân Quảng Bình. Cái tên khiến ta không khỏi tưởng tượng ngay về sự kết hợp thú vị nào đó giữa “cháo” và “canh”, thực tế thì món này khá giống món bánh canh của người miền Nam. Không đẹp mắt và cầu kỳ, cháo canh rất mộc mạc, chân chất về hình thức cũng như con người nơi đây vậy. Sợi bánh to và dày do được làm khá thô sơ theo quy trình thủ công, nước dùng nhiều và có màu vàng ươm, thơm ngon của thịt cua nguyên chất.
Tô cháo canh gồm nhiều nguyên liệu: cá, tôm, thịt nạc…, và cá lóc là linh hồn chính của món ăn. Món này còn lạ ở chỗ ăn kèm với cải xanh thái nhỏ, vừa ngọt vừa cay, lại thêm mát mắt. Cháo canh còn có thể ăn kèm với ram hay nem chả, gợi lên cảm giác lạ miệng.
 
Khoai deo

Khoai deo tuy cứng nhưng dẻo, tuy dân dã nhưng ngọt thơm khiến ai cũng ưa dùng. Sau khi thu hoạch khoai lang, người ta chất đống để vài hôm cho khô ráo nhưng không bị mọc mầm. Khi ấy, mang khoai đi luộc chín, bóc vỏ, thái lát và đem phơi 7-10 ngày dưới cái nắng gay gắt của miền Trung. Nắng càng to thì khoai deo càng dẻo càng ngon.
Nổi tiếng nhất phải kể đến khoai deo ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Giống khoai lang trồng phải là khoai đỏ, trồng trên vùng đất cát nắng gió của xứ này, tạo nên những củ khoai có mùi vị đặc trưng, vừa thơm bùi, vừa ngọt mật.
Khi ăn, cắn từng miếng nhỏ nhâm nhi, nhấp ngụm trà nóng, vị ngọt của khoai kết hợp với vị đắng của trà tạo nên một hương vị khó quên!

Bánh lọc bột sắn, tôm sông
Vốn có nguồn gốc từ Huế, bánh bột lọc khi “lưu lạc” đến Quảng Bình được bổ sung thêm hương vị và trở thành một món ăn đặc biệt. Bánh này có hai loại mà người dân nơi đây thường gọi là bánh lọc lá hoặc bánh lọc trần. Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, nấm mèo, tôm, thịt cùng một ít gia vị khác. Sau khi luộc và nhồi kỹ bột sắn, người ta nắn hình một tai bèo nhỏ với nhân bên trong là tôm sông, thịt rim. Đặc sắc ở chỗ đây là loại tôm nhỏ sống ở vùng cửa sông, vừa đậm vị phù sa, vừa mang hương biển. Bánh lọc Quảng Bình được chấm với nước mắm chắt cùng những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.
Quán ngon: mệ Xá hoặc đầu đường Lê Thành Đồng - Đồng Hới.

Bánh xèo gạo lứt
Bánh được làm từ gạo lứt cho nên rất đặc biệt: bánh có màu đỏ gạch chứ không phải màu vàng như bánh xèo các vùng khác. Khuôn để tráng phải là dạng khuôn nhỏ, được đặt lên bếp than cho nóng, rồi sát mỡ (ngon nhất là mỡ heo) chà lên khuôn, và múc bột đổ lên tráng bánh. Khi bánh chín thì xếp ra thúng đã lót sẵn lá chuối, như thế bánh giữ được độ nóng lâu và có hương thơm dịu nhẹ.
Hấp dẫn nhất là tráng tới đâu ăn tới đó. Bánh nóng hổi, thơm phưng phức, cuộn với rau sống và giá đỗ, nhúng vào chén nước chấm được pha chế theo cách riêng, vừa béo vừa giòn, vừa đậm đà vừa ngất ngây…
Quán ngon: chợ trường (xã Quảng Hòa, Huyện Quảng Trạch) hoặc chợ Ba Đồn; ở Đồng Hới thì đến chợ Nam Lý (chợ Ga).

Gỏi cá nghéo và cá nghéo bao tử
Cá nghéo thuộc họ cá xương sụn, da nhám và hơi tanh nhưng thịt ngon, gan béo. Trước khi chế biến, người nấu cạo kỹ da với nước nóng cho bớt tanh. 
Gỏi cá nghéo có hương vị rất đặc biệt: ngon nhờ thịt cá ngâm nước cốt chanh hay giấm cho chín tái, và thức nước chấm được làm từ gan cá. Đặc sắc và bổ dưỡng hơn cả là món cá nghéo bao tử. Cá nghéo không đẻ trứng mà đẻ con, vào mùa sinh đẻ, các bọc trứng cá rất được săn tìm. Người bệnh ăn cháo cá nghéo bao tử sẽ chóng hồi sức.
 
Chép chép xào 

Chép chép cùng họ với ngao, hến ở biển. Vỏ rất cứng, con to nhất bằng ngón tay cái, vừa ăn cũng chỉ bằng ngón tay út. Sau tiết đông chí là mùa vụ của chép, rét càng đậm, chép càng béo, càng thơm ngon hơn.
Khi thu hoạch về, người ta đổ chép vào chậu nước muối để chép há miệng, làm sạch cát bên trong chép. Sau đó vớt vào rá, lúc  này chúng ta đã có một rá chép sạch để làm món ăn được rồi. Cho mỡ sôi trong chảo, đổ chép vào xào đều, không cho chép chín tới mức nứt vỏ ra sẽ mất ngon. Trước khi bắc chảo xuống cho thêm một ít tỏi cho thơm và dậy mùi chép. 
Chép xào có hương vị thơm ngon khó tả, càng nhai càng thấy thấm: chép vừa mềm vừa dai, bở, béo mà không ngấy, vừa ngọt vừa hơi mặn mặn như mang cả tinh túy biển cả vào trong món chép vậy!

Mực khô Quảng Bình
Mực ở vùng biển Quảng Bình có đặc tính thân dày, độ ngọt cao. Như bao miền khác, món được nhiều người khoái khẩu nhất là mực nướng trên bếp than liu riu. Hương tỏa thơm lừng, cực kỳ kích thích vị giác. Mực vừa chín còn nóng hổi trên tay, xé từng thớ nhỏ, chấm miếng tương ớt. Miếng mực dai mềm, ngọt lịm, vị tương cay nồng, làm món nhậu thì hết sẩy!

Mắm lẹp

Sở dĩ có tên mắm lẹp là do thân hình của cá lẹp trông “lép kẹp”. Thân nhỏ và mềm nhũn do bộ xương khá mềm, thịt lại nhão do nhiều mỡ. Người ta chỉ dùng cá lẹp làm mắm hoặc nướng tươi trên than. Mắm làm từ lẹp là một loại mắm xổi, chỉ ép lại vài ba hôm đã ra sản phẩm chứ không phải ngâm nhiều tháng, nhưng độ ngon thì không thua kém những loại mắm khác, ăn với cơm rất ngon.
Mắm lẹp ngon nhất khi được om với mỡ hành, kẹp với một loại rau rừng đặc biệt: rau mưng, loại rau này có vị chát, ăn với mắm lẹp rất hợp. Nếu có dịp ghé vùng đất này, hãy thử cảm nhận một bữa cơm dân dã của người dân địa phương cùng với mắm lẹp nhé!

Bánh khoái

Chẳng ai biết người dân Quảng Bình... khoái ăn bánh khoái tự bao giờ, chỉ biết đó là món ăn dân dã có nhiều nét giống với bánh xèo miền nam, nhưng khác biệt lớn nhất nằm ở chén nước chấm mang nhiều hương vị.
Bột bánh làm từ loại gạo ngon, thêm bột ngô, trứng, bột nghệ. Nhân bánh bao gồm nạc heo băm, tôm bóc vỏ, giá đỗ. Bánh giòn ngậy và vàng ươm, ăn kèm rau sống, dưa leo, khế ngọt, vả, chuối chát. Nước chấm (người dân ở đây gọi là nước lèo) đậm đà và béo ngậy, gồm có gan heo, đậu phộng và ớt xắt.

Rượu Võ Xá

Rượu Võ Xá là một loại rượu trắng nổi tiếng được sản xuất bằng phương pháp cổ truyền hàng trăm năm nay của người dân làng Võ Xá (huyện Quảng Ninh). Chính dòng nước tinh khiết lấy từ Động Cát Trắng và gạo ruộng thôn quê cộng với công thức lên men độc đáo đã cho ra sản phẩm rượu thơm nồng hơn hẳn nhiều loại rượu khác.
 
Nước mắm Bảo Ninh
Vùng biển Quảng Bình có độ mặn cao đã sản sinh ra hạt muối nhỏ, tinh khiết, sáng và rất mặn; đồng thời cá nục thân dày, độ ngọt đậm. Nước mắm Bảo Ninh ngon đậm, màu sắc sóng sánh, có độ đạm cao; ấy là nhờ sản xuất từ cá và muối của vùng biển Quảng Bình. Tổng thời gian làm mắm trong vòng 7 tới 10 tháng, thật là kỳ công.
    
Ốc ruốc
Ốc ruốc sống ở biển, mình tròn, xoáy theo hình trôn ốc, có nhiều màu sắc khác nhau, trông khá vui mắt. Mùa ốc ruốc khoảng từ tháng hai đến tháng tư, mỗi năm chỉ có một mùa này. Con ốc nhỏ xíu, to nhất cũng chỉ chừng cái cúc áo; ruột ốc hẳn nhiên cũng bé tẹo, ấy vậy mà lại ngon, lại thơm, và béo. Người bán cũng tặng kèm các gai lể ốc chuyên dụng, đó là gai bưởi hay gai chanh, càng tô đậm thêm nét dân dã đầy thú vị. Các vị chua của chanh, cay của ớt sả, hòa cùng vị ngọt của thịt ốc, hương biển mặn mà khiến người ăn cứ phải lể ốc liên tục và nhai không ngừng.

Bánh bèo tôm chấy
Một dĩa bánh bèo Đồng Hới ngon cần hội đủ ba yếu tố:
- Bánh bèo ngon: Chiếc bánh tròn con con, trắng tinh, dẻo thơm, mềm mát như lụa. Bánh thường mỏng, nhưng một số nơi cũng bán loại bánh dày hơn.
- Tôm chấy ngon: Tôm tươi luộc rồi giã nhuyễn, xào với tóp mỡ và gia vị thật thấm.
- Nước mắm ngon: Nước mắm Quảng Bình vốn dĩ đã ngon, chỉ cần pha loãng cùng đường, ớt là đã có một thức chấm đậm đà.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận