Thành cổ Đồng Hới là một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích lịch sử quân sự của Đồng Hới vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, được xây dựng trên một vùng đất xung yếu của đường xuyên Việt từ bắc vào nam. Thành được khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 10 (1812). Lúc đầu thành được xây bằng đất, đến đời vua Minh Mạng, ông đã nhờ một viên sĩ quan Pháp thiết kế lại và xây bằng gạch vào năm 1824. Năm 1885, thực dân Pháp tấn công thành Đồng Hới hai lần mới chiếm được thành. Trong phong trào “Cần vương” nhân dân Đồng Hới tham gia nghĩa quân của Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy, đã ba lần đột nhập thành Đồng Hới (tháng 1, tháng 6 và tháng 8 năm 1886) tấn công binh lính Pháp trong thành gây cho chúng nhiều tổn thất. Qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 -1954), quân và dân thị xã nhiều lần tập kích quân Pháp ở trong thành gây cho chúng nhiều thiệt hại. Ngày 18-8-1954, tên Pháp cuối cùng rời khỏi thành rút xuống tàu há miệng về nước.
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, thành cổ Đồng Hới bị tàn phá nhiều do những trận mưa bom bão đạn mà Mỹ dội xuống nhằm cắt đứt chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Ngày nay thành Đồng Hới chỉ còn khoảng 1.087 m với 15 đoạn dích dắc hình răng khế. Đoạn thành phía nam còn lại 2/3 tương đối nguyện vẹn, đoạn thành phía đông còn ba cổng, hai cầu nam, bắc thành đã bị sập hoàn toàn. Nhìn rõ nhất từ trên bản đồ là một hào nước xung quanh thành theo kiến trúc xưa.