Đặc sản Thanh Hóa ở Thanh Hóa - TripHunter

Đặc sản Thanh Hóa

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Thanh Hóa

Nem chua

Nem chua làm từ thịt tươi, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt cho lên men đến chín. Chính quy trình chọn lọc nguyên liệu và làm nem tỉ mỉ, khéo léo đã giúp nem chua Thanh Hóa ngon trứ danh cả nước. Nem có vị chua cay đậm đà, sợi bì dai dai, ăn kèm với tương ớt cay.

Chả tôm

Tôm xay nhuyễn, thêm chút bột gấc tạo màu, trộn chung với thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân rồi đem gói bằng bánh phở vuông. Chả tôm nướng trên bếp than hồng tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Vị chả tôm bùi bùi, chua dìu dịu, mềm ngọt, ăn kèm với rau sống và tương ớt.

Bánh cuốn

Bánh được làm bằng gạo dẻo thơm, pha theo tỉ lệ thích hợp nên kể cả khi nguội bánh vẫn thơm ngon như thường. Phần nhân gồm thịt băm nhuyễn, mộc nhĩ, tiêu và hành xắt nhuyễn. Bánh chín, bỏ nhân vào, cuốn tròn lại, rắc thêm ít hành phi, ăn kèm chả nướng than hoa và nước mắm chua ngọt.

Gỏi cá nhệch

Cá nhệch cùng họ với lươn nhưng sống ở nơi nước lợ. Người nấu làm sạch cá, lóc xương lấy thịt rồi trộn với thính, dấm, gia vị, tỏi, ớt, sả, rau răm, húng quế là có ngay món gỏi cá nhệch hấp dẫn. Món này có thể ăn kèm với bánh tráng, da cá rán, bánh đa nem, rau sống, nước mắm chua ngọt hoặc mắm tôm.

Mắm tép

Mắm tép của người làng Đình Trung là đặc sản tiến vua nổi tiếng gần xa. Tép phải được bắt ở khúc sông Hoạt, ủ cả năm mới cho ra màu ánh vàng, sóng sánh như mật ong, thơm hương quyến rũ. Trước khi ăn, mắm tép chưng với hành mỡ hoặc đem kho thịt hay đơn giản hơn là cho bát mắm hấp cơm rồi dùng kèm với thịt ba chỉ, chuối xanh, dưa chuột.

Bánh răng bừa

Tên khác: bánh tẻ, bánh giò, bánh lá

Nhân bánh gồm thịt ba chỉ, nấm mèo, chút tiêu và hành khô băm nhỏ đã được xào qua. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Khi nóng, bánh dậy mùi thơm của hành mỡ, nhân mềm ăn rất vừa miệng; khi nguội, bánh ăn sần sật cũng thơm ngon không kém. Bánh răng bừa là thứ quà quê phổ biến của tỉnh Thanh Hóa.

Bánh gai Tứ Trụ

Nguyên liệu bánh gai bao gồm vỏ gạo nếp, lá gai và phần nhân có đậu xanh, dừa, mỡ lợn và hạt sen. Bánh được gói bằng lá chuối khô mang hấp chín trong 2 giờ. Bánh dẻo thơm có vị béo ngậy của thịt, khi ăn nhâm nhi thêm tách trà xanh thì không gì bằng.

Phi cầu sài tiến vua

Được xem là món ngon để dâng vua nên món này có tên là phi cầu sài tiến vua. Phi cầu sài giống con trai nhưng có vỏ mỏng, tua dài và ruột trắng nõn. Phi chế biến món ăn nào cũng ngon: phi rán béo thơm gói cùng các loại rau thơm chấm nước mắm gừng; cháo phi ngon và bổ dưỡng; canh phi ngon nhất là nấu với rau ngót.

Ốc bươu hấp lá gừng

Ốc vùng này béo và ngon khác lạ, làm món ốc bươu hấp lá gừng là ngon nhất. Đĩa ốc nóng hổi, thơm mùi ốc đặc trưng với lá gừng, thịt ốc thơm, giòn sần sật, chấm kèm với nước mắm gừng ngon vô cùng.

Cá rô Đầm Sét

Vùng đất Đầm Sét nhiều sông, ruộng, ao hồ giàu phù sa nên là môi trường tự nhiên thuận lợi nhất cho loài cá rô sinh trưởng. Thịt cá rô có vị ngọt thanh, tính bình, giải nhiệt, nên rất bổ dưỡng. Món canh chua cá rô, cá rô chiên giòn và cá rô kho tiêu là những món thông dụng, được nhiều thực khách ưa chuộng.

Bưởi Luận Văn

Bưởi Luận Văn ruột đỏ, thân tròn, có mùi hương đặc trưng rất riêng. Mỗi quả nặng khoảng 1,5 kg. Thường ít quả hỏng vì vậy du khách có thể an tâm về chất lượng bưởi nếu muốn mua về.

Hải sản

Với địa hình giáp biển, hải sản là thứ bạn không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa du lịch. Các loại hải sản tại đây như tôm, cua, cám ghẹ, ốc đều tươi ngon và được bán với giá cả hợp lý.

Bánh mì Nam Hà

Tại phố Trường Thi có 1 chuỗi của hàng bán bánh mì gia truyền trên 20 năm, đó là bánh mì Nam Hà. Đây là loại bánh mì mang thương hiệu riêng, nhân gồm có nem chua rán, bò khô, thịt quay, ruốc, pa-tê, bơ, chà bông, rau, đồ chua và nước sốt gia truyền. Đây là món ăn bình dân nhưng rất nổi tiếng, bạn nên thử khi đến Thanh Hóa.

Cháo canh

Cháo được nấu từ bột gạo, sợi bánh canh và nước hầm xương ống. Tô cháo gồm sườn lợn, tôm bóc vỏ, rau mùi thái nhỏ và chút ớt bột. Bạn có thể ăn món này tại quán cháo canh bên hông chợ Vườn Hoa, quán bán từ 2h - 5h, giá bán 1 tô từ 20.000đ - 30.000đ.

Ốc mút

Ốc có hình xoắn như cái tháp, thịt ngọt, giòn, dai. Món ốc luộc tẩm gia vị cùng sả ớt cay được người dân xứ Thanh vô cùng thích thú. Nếu có dịp đến khu vực chùa Thanh Hà, phố Bến Ngự thưởng thức món này tin rằng bạn sẽ một trải nghiệm khó quên.

Bánh đúc sốt xanh

Đừng lầm tưởng đây là món bánh đúc quen thuộc nhiều nơi có bán, bánh đúc sốt xanh đích thị là đặc sản chỉ có thể tìm thấy ở xứ Thanh. Bánh được làm từ gạo tẻ trộn với nước rau cải hoặc rau ngót để có màu xanh, rồi đem nấu cùng nước vôi trong kèm ít mỡ và hành phi. Đến khi nồi bột sánh như cháo, thơm nồng thì đem bột ủ chín bằng bì gai, đay hoặc ổ rơm. Món này khi ăn không thể thiếu đậu xanh. Bạn có thể ghé một số quán trong chợ Vườn Hoa hoặc Nam Thanh để thưởng thức món ăn này.

Bánh khoái tép

Nhân bánh gồm tép rang, rau bắp cải thái sợi và rau cần cắt khúc. Bột gạo được tráng lên chảo gang sau đó cho nhân vào, lật cho bánh chín đều và giòn, có thể cho thêm trứng gà. Món này ăn kèm nước mắm, đồ chua và rau sống. Từ 3 giờ chiều, du khách có thể đến các con phố Hàn Thuyên, Đào Duy Từ, Tô Vĩnh Diện… để ăn bánh khoái với giá 5.000đ/cái.

Bánh đa Hậu Lộc

Bánh làm từ gạo tẻ xay tráng trên bếp nóng rồi đem phơi nắng. Qua các khâu chế biến cầu kỳ, bánh có màu vàng ruộm, vừng chín thơm lừng. Đây là món bánh dân dã, mộc mạc hương vị miền biển Hậu Lộc.

Dừa Hoằng Hóa

Hoằng Hóa nổi tiếng với dừa làng Nghĩa (xã Hoằng Lộc) cho trái to, cùi dày trắng muốt, giòn và thơm. Nước dừa nhiều, trong, có vị thơm ngọt, mát lành. Từ nước dừa, cơm dừa, củ hủ và lá dừa Hoằng Hóa đều là nguyên liệu quan trọng góp phần tạo nên hương vị thơm ngon của nhiều món ăn như thịt kho, mứt, gỏi...

Rượu nếp Thanh Hóa

Thanh Hoá được biết đến với nhiều loại rượu nếp ngon, hương thơm dịu, vị ngọt ngọt cay cay. Một số loại rượu tiêu biểu: rượu nếp cẩm Cẩm Thuỷ, rượu nếp cái hoa vàng, rượu tăm làng Quảng, rượu cần Bá Thước, rượu nếp Nga Sơn...

Mía Kim Tân

Mía khi trồng tại Kim Tân vừa tròn đều, vàng óng, lại có vị ngọt độc đáo, mùi thơm quyến rũ. Cũng chính giống mía này, người ta đem trồng ở nơi khác thì không cho chất lượng như vậy. Ngoài được dùng làm món nước giải khác và làm mật, mía còn có thể làm thuốc chữa bệnh.

Chè lam Phủ Quảng

Phủ Quảng là tên gọi xưa của huyện Vĩnh Lộc. Nguyên liệu làm chè lam Phủ Quảng gồm gạo nếp xay nhuyễn, gạo rang, lạc rang giã đôi, gừng xắt lát và mật mía đem ngào chung đến khi có màu bóng sáng và hương thơm nồng nàn. Sau khi chè nguội, đem cắt khúc, có thể dùng lâu mà không hư. Ăn chè lam kèm tách trà xanh hoặc trà tàu mới cảm nhận hết vị ngon của món ăn.

Dê núi Nga Sơn

Dê Nga Sơn được chăn thả tự nhiên trên các đồi núi nên chất lượng vô cùng tuyệt hảo, không thua gì hương vị dê núi Ninh Bình. Những món ăn làm từ dê núi Nga Sơn được nhiều người ưa chuộng: dê ủ trấu, óc dê hấp lá ngải cứu, tiết canh dê và dê xào lăn.

Moi

Tên khác: ruốc, khuyết

Moi là cách gọi của người Thanh Hóa và Hà Tĩnh để chỉ con ruốc hay con khuyết. Moi gồm 2 loại tươi và khô, đều có vị bùi bùi, thanh đạm, mằn mặn vị biển. Ở Thanh Hóa, người dân thích nấu canh bầu với moi dùng trong các bữa cơm hàng ngày, không những có tác dụng giải nhiệt mà còn giúp giữ dáng thon gọn do chứa ít chất gây béo.

Cháo lươn

Lươn đồng ở Thanh Hóa cũng chẳng khác gì các con lươn ở nơi khác. Điểm khác biệt là trong cách chế biến của người xứ Thanh. Cháo lươn được nấu như canh nấu loãng, lỏng lẻo, gạo còn nguyên hạt và thường rất nhiều lươn, ăn cùng bánh đa vừng. Ngoài cháo lươn, người Thanh Hóa thường làm món lươn bung chuối xanh và miến lươn. Bạn có thể thưởng thức những món ăn làm từ lươn tại các quán ăn bình dân hoặc nhà hàng ở Thanh Hóa.

Bánh rán Thanh Hóa

Bột làm bánh có thể là bột nếp nước hoặc khô nhồi với trứng gà, gấc chín, chút bột đậu nành cho thật nhuyễn, ủ khoảng 1 giờ thì nặn bánh thành hình tròn như viên bi, rắc mè xung quanh. Bánh rán trên chảo dầu nóng đến khi thơm mùi đặc trưng riêng thì gấp ra để ráo dầu. Bánh có màu gấc óng ánh, ăn vào miệng giòn tan và ngọt lịm.

Sâu măng Mường Lát

Đây là loại sâu sống trên cây măng nứa ở huyện Mường Lát, to bằng đầu đũa, dài cỡ hai đốt ngon tay, thịt béo ngậy. Sâu măng xào lá chanh là món ăn chế biến đơn giản và ngon nhất. Ngoài ra, sâu măng còn được ngâm rượu, hương vị vô cùng thơm ngon. Giá bán sâu măng từ 150.000đ - 200.000đ/kg.

Canh lá đắng

Đây là loại cây mọc tự nhiên ở trong rừng, có hình dáng giống lá sắn (khoai mì). Lá hái về phơi khô rồi xé nhỏ, khi nấu canh chỉ cần bỏ vào nồi. Đúng như tên gọi, lá đắng có vị siêu đắng, nhất là lá tươi. Nhưng khi nấu canh cùng các nguyên liệu khác như thịt, lòng bò, lợn, thú rừng, chuối non xắt mỏng, gia vị, riềng sả và mắm tôm thì vị đắng đã giảm bớt hòa cùng các vị khác tạo nên một món ăn không những ngon mà còn rất bổ dưỡng.

Nem thính

Nguyên liệu làm nem thính gồm thịt tươi, bì lợn cùng các gia vị trộn chung với bột thính (loại bột làm từ gạo tẻ rang vàng thơm), thêm lá ổi hoặc lá đinh lăng trước khi gói lại bằng lá chuối hột. Nem thính không thể ăn trực tiếp như nem chua mà phải đem cả chiếc nem vùi tro nóng, đặt than hồng lên trên ủ chín bằng hơi. Đến khi lá chuối cháy xém, mỡ chảy xì xèo, hương thơm lan tỏa là nem chín, ăn kèm với tương ớt cay.

Đặc sản của người Mường

Khi đến bản Mường Thanh, du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản sau:

Bánh nếp nhân trứng kiến

Người dân lấy những ấu trùng trứng kiến đen còn non, trắng vàng và béo ngậy về làm thức ăn rất bổ dưỡng. Nếp nấu lên xay nhuyễn, cô thành bột dẻo, rang trứng kiến qua lửa với hành và thì là thái nhỏ làm nhân rồi bọc bánh trong những lớp lá ngãi bánh tẻ xanh non. Bánh có mùi vị thơm ngon của nếp, vị ngậy béo của nhân trứng kiến quyện hành và thì là, ăn vào rất lạ miệng.

Canh nhái măng chua

Nhái bắt về, làm sạch, băm nhỏ trộn gia vị, xào cho săn lại. Sau đó nấu canh nhái cùng măng chua, lá chanh, ớt, tiêu xanh, nêm nếm vừa ăn là dùng được. Đây là món canh trong bữa cơm thường ngày của người Mường và cũng được dùng để đãi khách trong các dịp lễ.

Thịt hoẵng nướng

Hoẵng có hình dáng như con nai. Để nướng hoẵng, đầu tiên người ta thui hoẵng cho cháy hết lông, sau đó dùng dao cạo sạch rồi mới lột da, mổ bụng, thái thịt thành từng miếng đem xiên vào que tre, nướng cho đến khi thịt vừa se lại thì lại thái thành từng miếng nhỏ theo chiều ngang, cuối cùng đem thịt bóp chung với riềng, muối trắng cùng các gia vị khác. Khi bày ra ăn thì cho thêm lá chanh thái nhỏ.

Xôi 3 màu

Xôi 3 màu được làm từ lá cây cẩm đỏ (màu đỏ), cây sau sau trên rừng (màu đen), nghệ và gạo nếp cái hoa vàng (màu vàng). Nhờ các nguyên liệu từ thiên nhiên nên món ăn này rất tốt cho sức khỏe.

Thịt chua

Thịt làm món này phải là loại lợn được chăn thả tự nhiên, được nuôi lớn hoàn toàn bởi rau củ của núi rừng nên thịt rất chắc, ngọt và thơm ngon. Thịt được sơ chế rồi thêm chút muối, ướp trong thính gạo, sau 2 – 3 ngày thịt sẽ lên men, dậy hương thơm đặc trưng. Thịt chua chấm tương ớt hạt tiêu, ăn kèm với bánh tráng, lá sung, lá ổi, lá đinh lăng...

Đánh giá
4.0
1
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0.0%
Rất tốt
100.0%
Trung bình
0.0%
Xấu
0.0%
Rất tệ
0.0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận