Đặc sản Thừa Thiên - Huế ở Thừa Thiên - Huế - TripHunter

Đặc sản Thừa Thiên - Huế

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Thừa Thiên - Huế

Cơm hến

Cơm hến là món ăn dân dã nổi tiếng khiến ai đến Huế cũng muốn nếm thử một lần. Món ăn được làm từ cơm trắng để nguội, cho thêm hến cám, các phụ gia, tóp mỡ chiên giòn, hành phi rồi trộn đều cùng rau sống. Khi ăn cơm hến là bạn đang thưởng thức hương vị đậm đà, vừa bùi vừa cay vừa hăng - một trong những nét ẩm thực độc đáo của xứ Huế.

Chè

Huế có nhiều loại chè khác nhau, mỗi loại có một hương vị riêng. Có rất nhiều loại chè cho bạn lựa chọn: chè bắp, chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu… nhưng có lẽ độc đáo nhất là chè bột lọc bọc thịt heo. Chè Huế không chỉ ngon bổ mà còn thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế của con người và ẩm thực của đất cố đô.

Cơm chay Huế

Khám phá ẩm thực chay khi đến Huế là một trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua. Thực đơn chay ở Huế rất phong phú nhưng không kém phần hấp dẫn. Bạn có thể tìm được đủ loại món chay từ cơm chay, bún chay cho đến cá chay, giò chay… So với món mặn, đồ chay ở Huế không hề kém cạnh mà còn được yêu mến hơn bởi sự thanh đạm và bổ dưỡng mà nó mang lại.

Bún bò Huế

Bún bò được xem như món ăn tượng trưng của ẩm thực Huế. Không ai đến Huế mà không thử qua món bún bò một lần. Nguyên liệu chính của món ăn là bún, thịt bắp bò, giò heo dùng kèm với rau sống. Ngoài ra, tô bún còn có thịt tái, chả cua hay các nguyên liệu khác tùy thuộc vào sở thích người nấu. Nước dùng của bún bò Huế có màu đỏ đặc trưng, trong đó thường nêm vào một ít mắm ruốc để tạo hương vị riêng của món ăn này.

Bún thịt nướng, bánh ướt thịt nướng

Huế có nhiều loại bánh ướt nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là bánh ướt thịt nướng. Thông thường, các quán bán bánh ướt thịt nướng ở Huế bao giờ cũng bán chung với bún thịt nướng. Bí quyết của món ăn này nằm ở thịt nướng được tẩm ướp và nước chấm thơm ngon được pha chế theo công thức gia truyền. Cả bún và bánh ướt đều ăn kèm với nhiều loại rau thơm được trình bày một cách khéo léo nhưng vẫn đảm bảo thơm ngon và tuân theo quy luật ngũ hành - cân bằng âm dương.

Các loại bánh

Các món bánh ở Huế đều làm từ những loại bột rất quen thuộc với người dân Việt Nam như bột gạo, bột nếp, bột lọc. Nhân bánh cũng đa dạng và bình dân như tôm, thịt, đậu xanh, dừa nạo nhưng lại làm nên cả trăm thứ bánh khác nhau.

Đến Huế, bạn sẽ được thưởng thức các thức bánh thơm ngon, lạ miệng như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ram, bánh ít, bánh gai, bánh phu thê…

Bánh khoái

Vì có nhiều nét tương đồng nên nhiều người tưởng nhầm bánh khoái là bánh xèo. Tuy nhiên, bánh khoái nhỏ hơn, dày hơn và giòn hơn bánh xèo nhờ vào công thức pha bột độc quyền và độ lớn của lửa khi đổ bánh. Bánh khoái Thượng Tứ là quán ăn nổi tiếng ở thành phố Huế chuyên bán món ăn này.

Bánh khoái Đầm Chuồn

Đến Đầm Chuồn ngắm bình minh và ăn sáng với món bánh khoái tôm hoặc cá kình một lần thôi là đảm bảo nhớ hoài hoài mãi mãi! Sáng sớm tôm cá tươi roi rói, rẻ rề. Mua vài lạng ngay tại đầm, ghé chòi nhờ o đổ giúp. Công đổ bánh (bao gồm bột bánh và vài cọng giá) chỉ có 1.000đ/cái thôi.

"Bánh khoái là cách gọi bánh xèo của người Huế, chắc bởi sự khoái khẩu, khoái mắt, khoái tai khi ngồi xem, ngồi nghe và ăn. Bánh khoái ở đầm Chuồn lại càng đặc biệt bởi được đổ với cá kình tươi."

Ngóng “mỏ” ngồi xem o đổ bánh, củi lửa lách tách, khói bay nám mặt, bụng đói cồn cào, ra cái nào là phải “xử” ngay, nóng hổi thơm ngon cực kì!

Nem lụi chất Huế

Nem lụi là món ăn nổi tiếng của Huế. Món ăn này được chế biến khá đơn giản, thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái sợi, bắt vào từng đôi đũa nhỏ rồi nướng trên than. Ấy vậy mà muốn món ăn ngon đúng điệu không phải dễ vì còn phải biết cách chế biến nước chấm. Nước chấm nem lụi không phải là nước mắm chua ngọt mà là chén nước lèo được pha chế theo cách riêng của người Huế. Chính điều này đã làm nên sự độc đáo của món ăn.

Bánh chưng Nhật Lệ

Bánh chưng mang tên Nhật Lệ bởi vì loại bánh này bắt nguồn từ con phố Nhật Lệ trong Thành Nội. Bánh nổi tiếng vì thơm và dẻo, mùi vị hòa quyện giữa nhân đậu thịt cùng các loại gia vị. Điều đặc biệt là bánh chưng Nhật Lệ ăn lúc nguội ngon hơn lúc nóng.

Xôi thịt hon

Xôi thịt hon không phải là món ăn phổ biến vì đây là món thường được người Huế dùng vào việc lễ tết. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn này tại một quán nhỏ bên đường ở ngã tư Trương Định - Phạm Hồng Thái. Món ăn thể hiện sự kết hợp tài tình khi tiếp nhận gia vị của người Ấn Độ để biến hóa món ăn thành đặc sản của đất cố đô.

Kẹo cau

Kẹo trông giống như miếng cau được bổ ra với phần ngoài màu trắng, phần trong màu vàng nhạt. Kẹo cau rất cứng nên không để nhai mà chỉ ngậm để cảm nhận vị ngọt lan tỏa của kẹo. Kẹo không có vị hăng của cau mà có vị ngọt dịu.
Bánh ngũ sắc

Bánh ngũ sắc còn gọi là bánh in, được dùng trong ngày Tết hoặc phục vụ việc thờ cúng, đãi khách. Bánh được ép, đúc trong khuôn các chữ Phúc, Lộc, Thọ và được gói trong giấy gương ngũ sắc với quy định cụ thể như giấy gói màu xanh là bánh đậu xanh, giấy gói màu tím là bánh bột nếp…

Ốc Huế

Ốc Huế hội đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng. Có hai loại ốc là ốc hút và ốc bươu, hoặc ốc to và ốc nhỏ theo cách gọi của người Huế. Ăn kèm với ốc là nước mắm ớt gừng và một dĩa rau sống kèm vài lát vả. Một chút cay nồng của ớt, thêm vị hăng và thơm của gừng sả, vị mặn của nước mắm và vị ngọt từ thịt ốc khiến món ốc Huế trở nên thật hấp dẫn.

Tôm chua

Tôm chua là món ăn dân dã của xứ Huế nhưng được rất nhiều người ưa chuộng. Vị chua thanh, cay nồng của tôm chua và các loại gia vị khiến ai đã từng thưởng thức loại mắm này không thể nào quên. Tôm chua có thể ăn cùng cơm nóng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là thịt ba chỉ luộc ăn kèm tôm chua cùng các loại rau sống.

Vả trộn

Vả trộn là món ăn ngon miệng, dễ thực hiện và rất phổ biến ở Huế cũng như các tỉnh miền Trung. Trái vả trông giống trái sung nhưng to hơn và ít chát hơn. Ngoài ra, vả còn được dùng để ăn sống, kho cá hoặc nấu canh.

Cháo lòng chợ Mai

Chợ Mai nổi tiếng với món cháo lòng cách trung tâm thành phố Huế khoảng 4 km. Bạn đi hết đường Nguyễn Sinh Cung, đến cầu chợ Dinh sẽ thấy những quán cháo nằm sát nhau. Cháo lòng chợ Mai nổi tiếng xưa nay nhờ luôn có nguồn nguyên liệu lòng heo tươi sạch từ các vùng quê quanh thành phố. Cháo ở đây lỏng chứ không sệt, nước trong, hạt gạo không nát.

Tré

Tré nhìn giống nem nhưng hương vị hoàn toàn khác biệt. Ăn tré là cảm nhận cái vị thơm bùi của mè cùng vị chua thanh của thịt lên men. Tré là một món ăn gần giống như nem nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Thành phần chủ yếu là thịt heo, tai heo, riềng, mè trộn lẫn với nhau, trong gói lá ổi, ngoài bọc lá chuối. Tré chỉ là món ăn chơi, nhưng đã trở thành một món đặc sản nổi tiếng của Huế và một số tỉnh miền Trung.

Mắm Huế

Ở Huế, quanh năm bốn mùa đều không thể thiếu món mắm. Mắm bình dân có các loại như mắm cà, mắm cá cơm, mắm rò, mắm tôm chua… Dành cho quý tộc có các loại mắm như mắm cá đối, mắm cá dìa, mắm ruột cá ngừ, mắm gạch cua… Vị nồng đậm, hương thơm đặc trưng đã làm cho mắm trở thành món ăn không thể thiếu người dân Huế từ xưa đến nay.

Ruốc

Ruốc là một loại mắm được làm từ con khuyết, có màu tím, và là một phụ liệu làm nên hương vị đặc trưng của Huế. Các món ăn nổi tiếng của Huế như bún bò, cơm hến nếu thiếu ruốc thì không thể tròn vị. Ngoài ra, ruốc tươi trộn với chanh, ớt, tỏi còn được dùng để chấm thịt luộc, trái vả, dưa, cà, rau thơm, ăn vô cùng ngon.

Bánh canh Nam Phổ

Món banh canh có tên này bởi nó có nguồn gốc từ làng Nam Phổ, huyện Phú Vang. Từ xưa, nấu bánh canh bán dạo đã trở thành nghề gia truyền của người làng Nam Phổ. Món ăn tuy bình dị nhưng đòi hỏi thời gian, sự tỉ mỉ và công phu của người chế biến.

Bánh canh cá lóc

Bánh canh cá lóc tuy là món dân dã nhưng công đoạn chế biến lại cầu kỳ, phức tạp. Món ăn này có nguyên liệu chính là sợi bánh canh làm từ bột gạo và cá lóc.

Kẹo mè xửng

Kẹo mè xửng làm từ mạch nha trộn với dầu đậu phộng cho đến khi dẻo thì phủ một lớp mè xung quanh rồi cắt thành từng miếng vuông nhỏ. Kẹo mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế. Kẹo khá ngọt nên thích hợp vừa uống trà vừa nhâm nhi.

Mắm sò Lăng Cô

Người dân vùng biển Lăng Cô còn có một loại mắm đặc biệt được chế biến từ sò huyết. Mắm sò ăn với cơm nóng rất ngon hoặc có thể trở thành món nước chấm khi dùng chung với thịt luộc và rau sống. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được sò dai, mắm mặn, khế chua và thịt ngọt hòa quyện với nhau.

Bánh canh cá thởn

Sợi bánh canh có màu trắng đục, mềm và dai. Cá thởn làm chả viên, thịt dai, giòn và mềm. Bánh canh chả cá thởn Thuận An có hai loại: bánh canh sợi bột gạo và bánh canh sợi bột mì. Món này ăn kèm với giá sống, rau thơm. Bạn có thể tìm ăn bánh canh cá thởn tại Thuận An và Phú An vảo buổi trưa.

Sâu tre

Đây là đặc sản lạ, hiếm người biết của vùng miền núi biên giới A Lưới. Sâu tre có màu trắng, kích thước nhỏ hơn đầu đũa, trông hơi giống con nhộng. Được chế biến theo hai kiểu: làm khô hoặc luộc sơ qua chế biến các món chiên, xào hay băm chả, sâu tre có vị béo ngậy, bùi bùi, ai ăn qua một lần đều ấn tượng.

Cá dét

Đây là loài cá da trơn sống dưới bùn, con to thì bằng ngón chân cái, con nhỏ cũng bằng ngón tay. Cá dét có thể làm món kho, chiên tẩm bột, làm khô nhưng ngon nhất là món canh chua cá dẹt. Đây là đặc sản đồng quê bạn có thể tìm thấy ở làng Kế Môn.

Bưởi Thanh Trà

Bưởi Thanh Trà trái nhỏ, cuốn to, có hương thơm nhẹ. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh giữ lại rất lâu trong miệng.

Hạt sen

Ở Huế, mùa sen bắt đầu từ tháng 5. Hạt sen là đặc sản Huế được nhiều khách du lịch mua về làm quà biếu vì vị thơm ngon, bùi bùi, béo béo, bảo quản được lâu. Đặc sản làm từ hạt sen gồm có hai loại: sen tươi và sen khô, trong đó sen tươi ăn ngon hơn sen khô nhiều.

Cá kình Đầm Chuồn

Làng Chuồn là một làng ven biển thành phố Huế nổi tiếng có loại cá kình cho thịt thơm béo và săn chắc. Cá kình là loài cá da trơn thân dẹp, sống nhiều ở vùng nước lợ. Người ta thường chế biến cá kình làm món canh chua và bánh khoái cá kình. Bạn có thể thưởng thức hai món ngon này khi đến du lịch Đầm Chuồn.

Cơm muối

Đây là món ăn được xếp vào hàng cực phẩm mà khi xưa phục vụ cho vương tôn quý tộc. Cơm được nấu từ gạo thơm, còn muối thì được chế biến bằng đủ cách: rang, kho, om, chiên, trộn… từ ba nhóm: muối thịt, muối cá và muối ngũ cốc. Cơm muối được thực hiện và trình bày cầu kỳ. Món ăn bày ra gồm thố cơm ở giữa, xung quanh quanh là những hủ nhỏ đựng các loại muối khác nhau.

Bún nghệ

Sợi bún được ướp với nghệ và gia vị nên có màu vàng ươm, hương vị đậm đà. Phần nguyên liệu ăn kèm gồm lòng non, gan lợn thái miếng nhỏ, đôi khi là có cả tiết lợn đem xào chung với nghệ. Tô bún bày ra với các sợi bún vàng tươi, phần lòng, gan xào, ít rau răm và nước sốt nghệ.

Vịt Triều Tây

Gọi là vịt Triều Tây vì các hàng quán bán vịt tập trung ở khu vực gần cầu Triều Tây (P. An Hòa, TP Huế). Thịt vịt được luộc vừa chín tới, chắc thịt, hơi dai và mềm. Chén nước chấm là hỗn hợp sóng sánh gồm ớt, gừng giã nhỏ hòa lẫn với nước mắm, bột ngọt và đường. Ngoài ăn với cháo, thịt vịt luộc có thể ăn kèm với xôi hoặc rau sống.

Cơm âm phủ

Người Huế hay gọi món này là cơm “xà bần” vì thành phần nguyên liệu của nó rất nhiều thứ: thịt nạc, tôm tươi, lạp xưởng, chả lụa, trứng tráng, nem chua, dưa leo, rau thơm. Các nguyên liệu ướp gia vị, nấu chín, xắt sợi. Khi ăn, bày cơm và từng nguyên liệu riêng biệt theo hình tháp hoặc hình bông hoa để tạo nên màu sắc bắt mắt, hấp dẫn thực khách. Món này có thể ăn kèm với nước mắm chua ngọt.

Mít trộn

Món mít trộn được chế biến từ mít non luộc chín vừa tới, xé tơi trộn với thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Mít trộn ăn kèm với bánh tráng và nước mắm.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận